Loạt phóng sự điều tra của hãng truyền thông Al Jazeera dựa trên tài liệu mật của chính phủ Cyprus (Đảo Síp) bị rò rỉ cho thấy đảo quốc này tạo điều kiện cho các chính khách nước ngoài ‘dễ dính tham nhũng’ mua quốc tịch EU.
Xu hướng gần đây cho thấy nhiều quan chức Việt nam tìm cách tìm một lối thoát an toàn bằng một suất hộ chiếu ở nước ngoài vì lo sợ tình hình chính trị bất ổn ở Việt nam và sự mất an toàn cá nhân do cuộc đấu đá nội bộ hoặc chính họ cảm thấy lo sợ vì đã nhúng chàm vì tham nhũng.
Cyprus là một đảo quốc rất nhỏ nằm ở phía đông Địa Trung Hải, diện tích chỉ có 9.251 km2 với gần 1,2 triệu dân nói hai thứ ngôn ngữ là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Quốc gia này không có kỹ nghệ sản xuất khoa học gì nổi tiếng mà phần lớn là sống nhờ du lịch, gia nhập Liên Hiệp Âu Châu vào năm 2004.
Thông tin trong bộ hồ sơ có tên “The Cyprus Papers” (Hồ sơ Cyprus) tiết lộ rằng hàng chục quan chức cấp cao và gia đình của họ đã mua cái gọi là “hộ chiếu vàng” của Cyprus từ tháng 11/2017 đến tháng 9/2019.
Những người muốn “mua hộ chiếu” được mô tả là phải đầu tư tối thiểu 2.5 triệu đô la (khoảng 57 tỉ VND).
Họ là chính khách hoặc nằm trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước và cũng nhiều trường hợp mua hộ chiếu cho cả người nhà, theo Al Jazeera.
Trong 2.351 hồ sơ tham gia đầu tư vào chương trình này thì Nga là đông nhất (922), tiếp theo là Trung Quốc (482) và Ukraine (100) và các nước khác tại Trung Đông và Đông Nam Á.
Biểu đồ trong một bài của phóng sự của Al Jazeera cho thấy ít nhất 26 công dân Việt Nam tham gia vào chương trình đầu tư cho “hộ chiếu vàng” trong giai đoạn nói trên.
Al Jazeera lập 100 hồ sơ từ hàng chục nước khác nhau và hiện mới nêu tên hai người từ Việt Nam là Đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (Đoàn ĐBQH Tp HCM) và doanh nhân Phạm Nhật Vũ.
Hồ sơ cho thấy ông Phạm Phú Quốc được cấp quốc tịch Cyprus ngày 12/12/2018 và vợ ông cũng có quốc tịch Cyprus.
Ông Phạm Nhật Vũ, hiện đang thụ án tù 3 năm vì tội đưa hối lộ trong vụ án MobiFone mua AVG, có hộ chiếu Cyprus ngày 06/05/2019 và vợ ông cũng được cấp quốc tịch Cyprus.
Trả lời câu hỏi của báo Tuổi Trẻ ngày 25/08 về việc này, ĐBQH Phạm Phú Quốc nói “Tôi khẳng định việc tôi có quốc tịch Cyprus là do gia đình [vợ và con] bảo lãnh, hoàn toàn không có việc mua quốc tịch với giá 2,5 triệu USD“.
“Vợ và con trai tôi đều là những doanh nhân. Con trai tôi học tập, làm việc tại Anh từ năm 2013, có sự nghiệp ổn định và quyết định gắn bó lâu dài.
“Đến năm 2017, vợ và con gái tôi có mong muốn ra nước ngoài học tập và sinh sống cùng con trai tôi nên đã thực hiện các thủ tục xin quốc tịch tại đảo Cyprus. Quốc gia này cho phép nhập quốc tịch không phải thôi quốc tịch Việt Nam.
“Sau đó, giữa năm 2018 gia đình tôi đã làm thủ tục bảo lãnh xin quốc tịch cho tôi tại Cyprus,” ông Quốc nói thêm.
Ông Phạm Phú Quốc, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và từng là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước Tp HCM, nói ông đang thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo theo đúng quy định về việc này cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Trưởng Ban Công tác Đại biểu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trần Văn Tuý được truyền thông trong nước dẫn lời nói đang phối hợp với Đoàn ĐBQH TP.HCM xác minh thông tin một đại biểu Quốc hội có quốc tịch nước ngoài khác ngoài quốc tịch Việt Nam.
“Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) quy định rõ về việc ĐBQH không được có 2 quốc tịch. Luật cũ trước đây tuy không quy định nhưng tinh thần một ĐBQH là không được có 2 quốc tịch,” ông Trần Văn Tuý nói.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng đưa nhận định rằng ĐẢNG VIÊN PHẠM PHÚ QUỐC LỪA DỐI, với lập luận rằng:
“Trong hồ sơ bị báo chí nước ngoài phanh phui, tờ giấy công nhận quốc tịch ghi ngày 12/12/2018 cho Quốc ghi rõ chỉ có 2 vợ chồng Quốc là Nguyễn Phan Diệu Phương và Phạm Phú Quốc chứ không có tên con trai anh ta. Rõ ràng hồ sơ mua quốc tịch phải do hai vợ chồng cùng đứng tên thì quyết định này mới ra tên cả hai vợ chồng. Nói gia đình bảo lãnh như đảng viên chó Phú Quốc trả lời phỏng vấn là sai, là nói dối đúng văn hoá đảng viên, là khinh thường người đọc.
Đảng cộng sản cần điều tra nguồn tiền của Nguyễn Phan Diệu Phương và cậu con trai ở Anh. Quốc sinh năm 1968, năm nay 52 tuổi. Con Quốc giỏi lắm khoảng 25-27 tuổi, không thể nào làm ra số tiền 2,5 triệu đô được. Việc cháu nó ở đâu, làm gì, có bao nhiêu tiền là chuyện đơn giản đối với an ninh Việt Nam tại Anh Quốc.
Để có được quốc tịch Cyprus thì phải có tiền. Tối thiểu là 2 triệu đô. Nguồn tiền này ở đâu ra?”
Cùng quan điểm với ông Hoàng Dũng, nhà báo Hà Phan viết trên Facebook rằng “Ông Phạm Phú Quốc dối trá!”, như sau:
Ông Phạm Phú Quốc, người Sip gốc Việt, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận, một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là công chức Nhà nước hàng chục năm, ông Quốc quá rõ quy định k cho phép công chức có 2 quốc tịch, vậy mà 12/2019, khi đã có quốc tịch Sip ô ấy vẫn được bổ nhiệm làm Tổng GĐ IPC!?
Tuy nhiên bà Nguyệt Hường, người có thêm quốc tịch Malta đã bị miễn nhiệm ĐBQH hồi năm 2016 vì trường hợp y như ông Quốc thì chẳng lẽ ông này được miễn trừ?
Ông Quốc đã dối trá tổ chức ,cơ quan và cả cơ quan quyền lực cao nhất của nước nhà, coi thường cử tri, người mà ông ta mang danh đại diện!”
Nhận định với báo Al Jazeera, bà Laure Brillaud, thành viên của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế “Họ có quyền tiếp cận ngân sách chính quyền, họ có thể ngồi trên các hợp đồng mua sắm của chính phủ và lại ở vị trí quyết định, cho nên có nhiều nguy cơ tài chính công bị thất thoát khi họ ăn hối lộ và hối lộ kẻ khác.” (TI).
Theo ông Nigel Gould-Davies,một viên chức tại Viện Chiến Lược Quốc tế của Anh Quốc thì “tại nhiều nước, người ta chỉ có thể tích tụ được tài sản lớn nhờ có mối quan hệ bất hợp pháp và móc ngoặc giữa những kẻ có quyền lực.” Rồi khi có nhiều tiền rồi, người ta tìm cách chuyển tài sản quanh co cách nào đó ra nước ngoài rồi sau đó hưởng thụ.
Về con đường quan lộ của ông Phạm Phú Quốc theo Facebook Lê Nguyễn Hương Trà như sau:
“Phạm Phú Quốc, sinh năm 1968, quê Quảng Trị, trúng cử đại biểu Quốc Hội lần đầu năm 2016 khi đang là tổng giám đốc công ty Đầu Tư Tài Chính nhà nước Tp. SG (HFIC). Quốc chính là người đã bán khu đất vàng 3,700m2 – xưa là ITC bị cháy và hiện là dự án SJC Tower, cho Vạn Thịnh Phát.”
“Cần hiểu rằng, HFIC là công ty quyền lực vì được giao quản lý vốn nhà nước tại các tổng công ty, công ty lớn ở Sài Gòn như REE, CII, TDH…. Doanh thu hàng năm của HFIC khoảng 8,000 tỉ và lợi nhuận trước thuế là hơn 1,700 tỉ. Trước khi về HFIC, Phạm Phú Quốc còn có tới 20 năm làm việc ở Tổng Công Ty Bến Thành – BTG, với vị trí lãnh đạo cao nhất là chủ tịch HĐTV và đã chủ trì bán khá nhiều tài sản của TCT Bến Thành cho tư nhân!”
Bà Hương Trà viết rằng: “Thực hiện chủ trương của UBND Tp. Sài Gòn, HFIC phải giảm tỉ lệ sở hữu tại Saigon Kim Cương (SJC Tower) xuống 25% thay vì là 40%. Muốn vậy, HFIC phải bán đấu giá hơn 13 triệu quyền mua cổ phần tại Saigon Kim Cương.” Gọi là bán đấu tuy nhiên HFIC lại bán với giá vốn và tổng giá trị trúng thầu chỉ có hơn 252 tỉ đồng!”
“Sau vụ bán vốn tại Saigon Kim Cương của Phạm Phú Quốc, Tất Thành Cang không tán đồng khi cả 3 nhà đầu tư trúng thầu quyền mua được cho là có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Mà trước đó, Vạn Thịnh Phát đã giữ 60% cổ phần của Saigon Kim Cương rồi. Vậy là coi như toà nhà ngay trung tâm thành phố Sài Gòn thuộc về Vạn Thịnh Phát! Vụ này nghiêm trọng, vì Phạm Phú Quốc đã chỉ định bán luôn và dường như là làm theo chỉ đạo Ủy Ban.”
“Tất Thành Cang kỷ luật Quốc không được, bèn đẩy Quốc khỏi vị trí quyền lực; điều chuyển Quốc qua làm phó viện trưởng Viện Nghiên Cứu và Phát Triển thành phố, ngồi chơi xơi nước!”
“Tuy nhiên, đến Tháng Mười Hai, 2019, Chủ Tịch thành phố Nguyễn Thành Phong đã điều động Phạm Phú Quốc về làm tổng giám đốc công ty TNHH MTV Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC). Đây là doanh nghiệp nhà nước do UBND thành phố sở hữu 100% vốn điều lệ. Phạm Phú Quốc về thay Tề Trí Dũng, bị công an khởi tố và bắt giam hồi Tháng Năm, 2019, tội danh tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí!
Tiền đồ của Phạm Phú Quốc đang… sáng sủa trở lại” Facebook Lê Nguyễn Hương Trà nêu nhận định.
Từ cộng hòa liên bang Đức quốc, luật sư Nguyễn Văn Đài bình luận:
“Một trong những biểu hiện rõ nét nhất là tôi thấy vào năm 2014 khi giàn khoan HD 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông. Sau sự kiện đấy, báo chí đã đăng tải công khai lời phát biểu công khai của ông Nguyễn Phú Trọng, chỉ trích rằng có một số cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, khi xảy ra sự kiện HD 981, đã vội vàng đề xuất mang tài sản và đưa vợ con ra nước ngoài. Ông Trọng đã phát biểu như thế. Hiện tượng đó không phải bây giờ mới xảy ra mà đã luôn luôn xảy ra từ trước rồi.”
Hồi năm 2016, truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt đưa tin Chính quyền Việt Nam nhanh chóng vào cuộc để tìm hiểu sự can dự của 189 cá nhân và 7 công ty Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama trong đợt công bố ngày 9/5/2016.
Những người có tên trong Hồ sơ Panama, được cho là dù họ đang sống ở quốc gia nào cũng bị nghi vấn là mở công ty vỏ bọc ở những thiên đường thuế, tức ở những lãnh thổ mà họ có thể né thuế, thậm chí rửa tiền hoặc che giấu tài sản.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) ghi nhận tính đến thời điểm tháng 5/2016, người Việt gửi 7,3 tỷ USD ra nước ngoài hay theo hồ sơ Panama, Việt Nam có tổng cộng 92 tỉ USD được chuyển phi pháp từ Việt Nam ra nước ngoài.
Nhà quan sát tình hình Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói với RFA về ghi nhận của ông liên quan thông tin Hồ sơ Panama được Chính quyền Việt Nam xử lý như thế nào:
“Vụ Hồ sơ Panama thì hầu như không ai bị xử lý gì cả bởi vì có một số doanh nhân cụ thể đã giải thích rõ vì sao họ mở tài khoản đó. Ví dụ như chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Sovico, đồng thời là tổng giám đốc của Hãng Hàng không Vietjet Air là bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tài khoản ở đấy. Sau đó thì bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công thương khi đó cũng nói là lúc còn là doanh nhân, chưa giữ chức thứ trưởng cũng có tài khoản như thế. Có một người làm ở khu công nghiệp và cũng là Đại biểu Quốc hội, ông Đặng Thành Tâm thì cũng nói là có tài khoản như thế. Bây giờ ông Tâm không còn là Đại biểu Quốc hội nữa. Có một vài trường hợp lên tiếng như vậy. Nhưng về sau thì tuyệt nhiên không có thông tin nào về việc xử lý gì cả.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói rằng: “Việt Nam có rất nhiều luật, nhưng về mặt thu nhập và việc khai báo tài sản đối với quan chức và công dân đều không được thực hiện một cách chặt chẽ. Cho nên rất dễ có khả năng người ta khai báo tài sản mà chính quyền phải chấp nhận. Ví dụ như gần đây, có một trường hợp cựu thanh tra Chính phủ là ông Trần Văn Truyền. Ông Truyền về hưu ở Bến Tre và xây biệt thự to như lâu đài. Khi ông Truyền bị phát hiện thì ông lên tiếng là do cô em nuôi cho tiền. Và cô em nuôi cũng đã chứng nhận rằng biếu cho ông anh nuôi ‘một ít’ tiền đủ để xây ‘lâu đài’ đấy. Thế thì ai làm gì được?”
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tiết lộ từ Bộ Công an – Trung Quốc nguy hiểm thế nào?
>>> Lừa gần triệu đô bên Mỹ – bắt khẩn công dân Việt Nam
>>> Đảng “nhọ mặt” vì tham nhũng – Dân bất lực trước công lý nửa vời