Biện pháp chống Trung Quốc bắt nạt nước khác trên Biển Đông

https://youtu.be/6Pa63z3xbFE
Link Video: https://youtu.be/6Pa63z3xbFE

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7/2020 chính thức tuyên bố lập trường của Hoa Kỳ, xem các yêu sách trên biển của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”. Đây là một thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ về Biển Đông. Một câu hỏi mà tất cả các nước trong khu vực đều quan tâm là: sau các tuyên bố cứng rắn của mình, Washington sẽ có những hành động cụ thể để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh?

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ “sẽ không còn nói rằng mình trung lập về các vấn đề trên biển đó”.

Nếu như cách đây một năm, Bộ Ngoại giao Mỹ từng lên án các hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi các nước láng giềng, nhưng không nói rõ rằng đó là những hành vi bất hợp pháp và cũng không đưa ra quan điểm rõ ràng về các yêu sách hàng hải tương ứng; thì hiện nay, Washington tuyên bố rõ rằng việc Bắc Kinh cản trở hay quấy rối các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí của nước khác là những hành vi bất hợp pháp.

Cũng như trước đây, chính quyền Trump đã phản đối các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc, nhưng tránh không lên tiếng ủng hộ quyền hợp pháp của các quốc gia khác đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển được Luật Biển quốc tế công nhận là của họ thì giờ đây, Washington bày tỏ quan điểm rõ ràng về chủ quyền tại vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi Luconia Shoals (ngoài khơi Malaysia), vùng Natuna Besar (ngoài khơi Indonesia) và vùng đặc quyền kinh tế của Brunei.

Tuyên bố của Mỹ còn nói rõ là mọi yêu sách về lãnh thổ hoặc hàng hải của Trung Quốc đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) hay Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đều bất hợp pháp, vì hai thực thể này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Ảnh: Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương David Stilwell

Thế nhưng chỉ tuyên bố thôi là chưa đủ mà cần phải có hành động. Hai chuyên gia Mỹ là Zack Cooper từ Viện nghiên cứu American Enterprise Institute và Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế CSIS ở Washington cho rằng với chính sách mới, Hoa Kỳ sẽ bị buộc phải cho thấy là họ sẵn sàng trừng phạt Trung Quốc về những hành vi bị cho là bất hợp pháp.

Biện pháp đầu tiên có thể liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Hoa Kỳ có thể trừng phạt các tập đoàn Trung Quốc hoạt động bất hợp pháp bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác.

Đối tượng bị nhắm hiển nhiên nhất là các tập đoàn nhà nước có tàu thuyền can dự vào các hoạt động như đánh bắt cá, khảo sát, thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng.

Trừng phạt cũng có thể nhắm vào các tàu khảo sát khoa học trên biển của Trung Quốc, hay những cá nhân có liên can đến lực lượng hải cảnh hay dân quân biển, vốn thường xuyên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc mà không được phép của nước sở tại.

Loạt biện pháp thứ hai mà Mỹ nên đẩy mạnh thực hiện là dùng đến các lực lượng quân sự, như gia tăng tuần tra tại Biển Đông và trực tiếp trợ giúp các nước Đông Nam Á như Mỹ vẫn làm thời gian gần đây.

Washington có thể tổ chức những chiến dịch tuần tra để ngăn chặn hay xua đuổi các tàu cá hay tàu thăm dò khai thác dầu khí của Trung Quốc hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác.

Để khuyến khích các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền của mình, điều mà các quan chức Mỹ đã nêu lên thành một mục tiêu, Hoa Kỳ có thể cung cấp cho các nước trong vùng video giám sát để nêu bật các hành vi cưỡng bức của Trung Quốc, và cung cấp thông tin tình báo giúp các nước trong khu vực đáp trả hữu hiệu hơn.

Lãnh đạo Hoa Kỳ cũng có thể xem xét việc trực tiếp hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng trên biển của các nước đồng minh và đối tác. Mỹ đã từng giúp đỡ Philippines trong việc tiếp tế hậu cần cho đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây. Giờ đây, Mỹ có thể trực tiếp sử dụng tàu của mình cho các mục tiêu này.

Gần đây, vào tháng 5 vừa qua, Hải quân Mỹ đã từng cho triển khai chiến hạm USS Gabrielle Giffords đến gần tàu khoan dầu West Capella của tập đoàn dầu khí Malaysia, để cho thấy thái độ quan ngại trước hành động sách nhiễu của một tàu khảo sát khoa học Trung Quốc, cũng như của tàu hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc.

Loạt biện pháp thứ ba mà hai học giả đề xuất là nâng cao năng lực “chống bắt nạt” của các nước Đông Nam Á.

Chính quyền Hoa Kỳ cũng có thể xem xét khả năng giúp đỡ các đồng minh và đối tác trong khu vực xây dựng năng lực chống lại các hành vi bức hiếp của Trung Quốc. Các lãnh đạo then chốt tại Quốc hội Hoa Kỳ đều sẵn sàng dành nguồn tài chính dồi dào hơn cho việc răn đe Trung Quốc và trấn an các nước bạn ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Làm việc cùng với Nhật, Úc và các nước khác, Mỹ có thể tìm cách nâng cao khả năng các quốc gia trong vùng bảo vệ quyền lợi trên biển của họ. Lãnh đạo Mỹ có thể xem xét cách thức giúp đỡ các nước áp đặt trừng phạt đối với việc Trung Quốc hủy hoại các rạn san hô ở Biển Đông, vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vốn đòi hỏi các thành viên phải bảo vệ hệ sinh thái, môi trường sống của các loài bị nguy cơ hủy diệt.

Biện pháp thứ tư mà Hoa Kỳ có thể tính đến là đẩy mạnh ngoại giao “thông cáo chung”. Tức là, Washington có thể tìm cách cùng với các đồng minh và đối tác đưa ra thông cáo chung để hậu thuẫn cho quyền hợp pháp của các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc.

Nhóm G7 là nơi có thể đưa ra một thông cáo hỗ trợ mạnh mẽ, củng cố cho phán quyết Tòa Trọng tài thường trực La Haye năm 2016.

Ngoài ra, Mỹ có thể thúc đẩy Đài Loan công bố tài liệu lịch sử lưu trữ về nguồn gốc đường 11 đoạn, tiền thân đường 9 đoạn mà nước Trung Hoa Dân Quốc từng thiết lập và yêu cầu Đài Bắc công bố một bản điều chỉnh yêu sách chủ quyền phù hợp với luật quốc tế.

Những nỗ lực nói trên có lẽ sẽ không làm Trung Quốc thay đổi thái độ, nhưng Bắc Kinh luôn tỏ ra nhạy cảm trước các sức ép của khu vực.

Hơn nữa, tất cả những hành động nêu trên đều hàm chứa rủi ro. Nhưng Mỹ không thể ngăn chặn Trung Quốc thống trị Biển Đông và phá hoại việc thực thi luật pháp ở vùng biển Châu Á mà không chấp nhận thêm rủi ro.

Tuy nhiên, theo hai học giả Mỹ, nếu xử lý rủi ro một cách cẩn thận, Mỹ có thể giúp các quốc gia khác mạnh dạn hơn, chấp nhận làm mếch lòng Trung Quốc bằng cách chỉ trích gay gắt hơn các chính sách gây bất ổn định và trực tiếp thách thức các hành vi cưỡng bức của Bắc Kinh.

Ít nhất, sau tuyên bố về Biển Đông của Ngoại trưởng Mike Pompeo, các nước ASEAN đã ít nhiều lên tiếng ủng hộ sự thay đổi quan trọng trong chính sách của Mỹ về Biển Đông.

Ảnh: Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana

Chuyên gia về Đông Nam Á Collin Koh, Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore nhận định trong số các nước bị Trung Quốc chèn ép tại Biển Đông, Philippines là nước đã có phản ứng rõ ràng nhất sau tuyên bố lập trường mới của Mỹ.

Đây cũng là điều dễ hiểu vì tuyên bố Biển Đông được Mỹ đưa ra vào đúng thời điểm Philippines kỷ niệm 4 năm ngày Tòa Trọng tài thường trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông ngày 12/7/2016, bác bỏ cơ sở pháp lý của các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc dựa theo tấm bản đồ “lưỡi bò”.

Trong diễn văn kỷ niệm ngày Tòa Trọng tài ra phán quyết, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. đã nhấn mạnh tính chất bất hợp pháp của một số hoạt động của Trung Quốc và sự cần thiết phải tuân thủ phán quyết.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết quốc tế, nêu bật sự cần thiết của một trật tự dựa trên luật pháp ở Biển Đông.

Chủ tịch Thượng Viện Philippines Vicente Sotto III còn tuyên bố mạnh mẽ hơn, cho rằng “những gì bất hợp pháp không bao giờ có thể trở thành hợp pháp chỉ vì tính khí và thái độ thất thường của một thế lực ngoại bang xem cả Biển Đông như lãnh thổ của mình”.

Việt Nam thì phản ứng dè dặt hơn nhiều nhưng ít ra là cũng có động thái. Sau tuyên bố của ông Mike Pompeo, Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15/7 đã hoàn toàn tránh né những lời lẽ chỉ trích Trung Quốc, thậm chí không nêu đích danh cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc trong bản thông cáo về lập trường mới của Mỹ. Đây cũng là cách thức để tránh khiêu khích Trung Quốc. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng chỉ nói đơn giản rằng “Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm, như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội Nghị Cấp Cao ASEAN 36, rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.”

Trong một diễn biến liên quan, mới đây Mỹ và Úc đã họp bàn cách đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông.

Ảnh: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngoại trưởng Úc Marise Payne tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington ngày 27/7/2020

Hai Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Úc đã đến Washington ngày 27/7 để tham gia cuộc họp thường niên AUSMIN (Tham khảo cấp bộ trưởng Mỹ – Úc) với hai đồng nhiệm Mỹ, diễn ra ngày 28/7. Biển Đông và an ninh trong khu vực là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự.

Trên mạng Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds đã khẳng định ngay khi vừa đến Mỹ cùng với Ngoại trưởng Marise Payne ngày 27/7 là:« Chuyến thăm này là bằng chứng cho tầm quan trọng của liên minh bền vững của chúng ta. »

Theo trang The New Daily ( Úc ), hai Bộ trưởng Úc không tiết lộ những nội dung sẽ được trao đổi trong cuộc họp chính thức với phái đoàn Mỹ. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Úc đã viết trên mạng Twitter sau khi thăm Bộ Ngoại giao Mỹ như sau: « những giá trị chung về tự do và dân chủ là nền tảng liên minh của chúng ta ».

Đây là những điểm từng được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong bài diễn văn quan trọng đọc ngày 23/7 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Ông Pompeo đồng thời nhắc đến triển vọng thành lập « một nhóm các quốc gia có chung tư tưởng và một liên minh dân chủ mới », để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc, hành động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đánh cắp sở hữu trí tuệ và mưu đồ phá hoại trật tự được thành lập dựa trên luật lệ.

Một điểm được truyền thông quốc tế lưu ý là việc hai Bộ trưởng Úc đã không lựa chọn việc họp trực tuyến mà đích thân đến Washington, bất chấp dịch COVID-19 và bất chấp việc phải cách ly 14 ngày khi trở về nước.

Điều đó cho thấy cuộc họp thường niên năm 2020 phải có tầm quan trọng lớn như thế nào. Có nhiều khả năng trong cuộc họp lần này, Washington sẽ đề nghị Canberra tham gia trực tiếp vào các chiến dịch vì tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) mà Mỹ thực hiện từ lâu.

Úc vẫn tham gia tuần tra vì tự do hàng hải trong khu vực, vì đây cũng là tuyến đường giao thương chính của nước này. Nhưng khi tham gia FONOPS cùng với Mỹ, tầu của Úc có khả năng phải đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể ở Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, để phản đối yêu sách vô lý của Bắc Kinh. Trước đó, chính quyền Canberra đã bác mọi đòi hỏi chủ quyền trong « đường 9 đoạn » do Trung Quốc tự vẽ.

Tuy nhiên, theo nhà bình luận về an ninh quốc phòng nổi tiếng ở Úc, Greg Sheridan, Úc cần cân nhắc thấu đáo khi đưa ra quyết định tham gia FONOPS.

Thứ nhất, cần phải chú ý đến mức độ bất cân xứng giữa lực lượng hải quân Úc và Trung Quốc. Tàu chiến của Úc chỉ có thể an toàn khi tuần tra chung với Hải quân Mỹ. Ngược lại, nếu tuần tra một mình, tàu của Úc có thể bị phía Trung Quốc gây hấn, cảnh cáo, răn đe.

Điều này từng được cựu Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nêu lên trong cuốn hồi ký rằng: « Nếu Hoa Kỳ ủng hộ chúng ta thì Trung Quốc sẽ lùi bước. Nhưng nếu Washington do dự hoặc vì một lý do nào đó quyết định không can thiệp hoặc không có khả năng can thiệp ngay lập tức, thì Trung Quốc sẽ giành được chiến thắng vang dội về mặt tuyên truyền, coi Mỹ là một con cọp giấy mà các đồng minh phải ngờ vực ».

Thứ hai, nếu tuần tra chung với Mỹ, chắc chắn Canberra sẽ bị Bắc Kinh đáp trả. Tuy nhiên, chính quyền Úc tỏ vẻ sẵn sàng, bằng chứng mới nhất là công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh.

Thứ ba, theo nhiều nhà phân tích, hành động của Úc chắc chắn được các nước ASEAN hoan nghênh, nhưng không theo cách công khai, do vị thế cũng như mối quan hệ tế nhị ở nhiều cấp độ với Trung Quốc. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng tuyên bố của Mỹ và Úc bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể tạo thành một cán cân mới giúp thúc đẩy việc đạt đến Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Căng thẳng Mỹ – Trung sẽ đi đến đâu?

>>> Nhân loại đã bước vào cuộc Chiến tranh lạnh mới?

>>> Biển Đông: Trung Quốc bắn đạn thật ‘hỏa lực mạnh’ uy hiếp Việt Nam?

https://www.youtube.com/watch?v=9Uknt71nBZ4
Căng thẳng Mỹ – Trung sẽ đi đến đâu?