Mỹ tổng lực tấn công “mối đe dọa chiến lược” Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=xElitUqlS-g
Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=xElitUqlS-g

Biển Đông, Hồng Kông, nhân quyền, Hoa Vi… Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ tấn công trên mọi mặt. Tham vọng vươn lên của Bắc Kinh “đụng” với quyết tâm bảo vệ vị trí cường quốc số 1 của Mỹ. Trung Quốc giờ trở thành “mối đe dọa chiến lược” trong chính sách của Hoa Kỳ.

Tàu sân bay của Mỹ tuần tra ở Biển Đông bị Bắc Kinh gọi là “hổ giấy” mà “hỏa lực” của Trung Quốc có thể thiêu rụi. Bắc Kinh bị lên án đàn áp nhân quyền ở Tân Cương ? Thế nhưng “Mỹ mới là nước vô địch thế giới về vi phạm nhân quyền”, theo phát biểu của người phát ngôn bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh.

Mỹ dùng Hồng Kông để cản đường phát triển của Trung Quốc? Nhưng “âm mưu này đã bị thất bại” và Mỹ phải “sửa sai” – đó là lời cảnh cáo của thứ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang khi triệu đại sứ Mỹ Terry Branstad lên phản đối Đạo luật Tự trị Hồng Kông, được tổng thống Donald Trump ban hành ngày 14/07.

Đằng sau những lời lẽ hùng hồn, cứng rắn đó là sự lo lắng ngày càng gia tăng trong chính quyền Trung Quốc, theo nhận định của Ken Moritsugu trên trang AP (ngày 16/07/2020).

Ở một góc độ nào đó, những đòn tấn công dồn dập của Washington nhắm vào Trung Quốc được cho là phục vụ mục đích tái tranh cử của đương kim tổng thống và đánh lạc hướng công luận Mỹ về cách xử lý dịch Covid-19 và những hệ quả kinh tế-xã hội.

Liệu tình hình có khả quan hơn sau cuộc bầu cử tháng 11/2020? Giáo sư quan hệ đối ngoại Shi Yinhong, trường đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nhận định với AP rằng cơ hội “đối thoại nghiêm túc” có khả năng mở ra, nhưng “tình hình chung sẽ không thay đổi”. Còn hiện tại ông vẫn chưa thấy được một chiến lược khả quan nào mà hai nước có thể chấp nhận để xoa dịu căng thẳng.

Thực vậy, mối quan hệ Trung-Mỹ đang trải qua giai đoạn tồi tệ nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao song phương năm 1979, mà nguyên nhân là giữa hai nước tồn tại sự khác biệt sâu sắc về tư tưởng.

Hoa Kỳ luôn hy vọng Trung Quốc trở nên dân chủ hơn khi mở rộng hợp tác với thế giới. Thế nhưng, Bắc Kinh, thông qua phát biểu của ngoại trưởng Vương Nghị, nhắc lại rằng hai bên cần tôn trọng những sự khác biệt nội bộ, không tìm cách “điều chỉnh” đặc thù của mỗi bên, mà nên “tìm ra những biện pháp chung sống hòa bình”.

Luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt tại Hồng Kông, đặc khu hành chính được hưởng quy chế “một quốc gia, hai chế độ” đến năm 2047 có lẽ đặt dấu chấm hết cho mong muốn “Trung Quốc dân chủ hơn” mà Mỹ từng kỳ vọng, trong khi đó, hồ sơ nhân quyền ở Tân Cương cũng gần như bế tắc: Bất chấp thế giới phản đối và trừng phạt, trấn áp vẫn diễn ra và trại cải tạo vẫn được duy trì.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, vào ngày 29 tháng 6 năm 2019

Đối với Bắc Kinh, mọi phản đối hay trừng phạt của nước ngoài đều là “can thiệp vào chuyện nội bộ Trung Quốc”.

Dưới thời ông Tập Cận Bình, chính quyền Bắc Kinh muốn đẩy mạnh “xuất khẩu” mô hình lãnh đạo đất nước, quản lý xã hội của đảng Cộng Sản Trung Quốc ra khắp thế giới, mở rộng mạng lưới đồng minh đối tác, áp đặt luật riêng trong nhiều lĩnh vực từ kinh tế, y tế đến cơ sở hạ tầng, phát triển thành một cường quốc quân sự. Có lẽ chiến lược trỗi dậy được chính quyền của ông Tập Cận Bình thực hiện một cách hung hăng hơn khiến nhiều nước lo ngại. Liên Hiệp Châu Âu “thức tỉnh”, vẫn coi Trung Quốc là một đối tác, nhưng cũng là một đối thủ. Còn Mỹ sẽ không dễ dàng để Trung Quốc trở thành “mối đe dọa chiến lược” và vươn lên vị trí cường quốc số 1.

Bao giờ cho đến tháng 11 ? Có lẽ Bắc Kinh còn phải nếm mật nằm gai từ giờ đến ngày bầu cử Mỹ. Biện pháp trừng phạt mới nhất đang được Washington cân nhắc : Cấm nhập cảnh đối với toàn bộ đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc và gia đình họ.

Washington cảnh báo Bắc Kinh không thể ngăn quân đội Mỹ tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper hôm qua, 21/07/2020, cảnh báo Trung Quốc là « không ai có thể chận bước Hoa Kỳ tại Biển Đông », nhấn mạnh rằng các hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động tại vùng biển này. Đồng thời ông cũng chìa ra cành ô liu cho Bắc Kinh, cho biết muốn đến thăm Trung Quốc trước cuối năm nay.

Hôm thứ Ba (giờ Mỹ), ông Esper phát biểu tại một sự kiện của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở Mỹ rằng Trung Quốc “tiếp tục tham gia các hoạt động phá vỡ quy tắc có hệ thống, ép buộc và các hoạt động hung hăng khác, và đáng quan ngại nhất đối với tôi, là quân đội Trung Quốc tiếp tục các hành vi hung hăng ở biển Hoa Đông và Biển Đông”.

Chúng tôi hy vọng [Trung Quốc] sẽ thay đổi, nhưng chúng tôi phải chuẩn bị cho phương án thay thế”, ông nói thêm, theo tường thuật của Business Insider. “Chúng ta phải duy trì hệ thống tự do và cởi mở, bảo đảm hòa bình và thịnh vượng cho hàng triệu người và bảo vệ các nguyên tắc làm nền tảng cho điều đó.”

Bộ trưởng Esper nói rằng quân đội Mỹ đang triển khai các lực lượng để chống lại hành vi của Trung Quốc và hỗ trợ các chính sách của Mỹ, rằng Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải thách thức các hạn chế đi lại bất hợp pháp và yêu sách quá mức của Trung Quốc trong năm 2019 nhiều hơn so với bất kỳ năm nào trong bốn thập kỷ qua. “Chúng tôi sẽ duy trì tốc độ này trong năm nay,” ông nói.

Thứ Ba tuần trước, tàu khu trục USS Ralph Johnson của hải quân Mỹ đã tiến hành chuyến đi “tự do hàng hải” (FONOP) lần thứ sáu trong năm nay tại biển Đông. Và, hai lần trong tháng này, ông Esper lưu ý, Hải quân Mỹ đã vận hành hai nhóm tàu sân bay tấn công cùng lúc.

Trung Quốc tỏ ra nổi giận với sự hiện diện của các tàu sân bay của hải quân Mỹ ở biển Đông. Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc viết hồi đầu tháng này rằng “biển Đông hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của quân đội Trung Quốc (PLA)” và “bất kỳ hoạt động nào của tàu sân bay Mỹ trong khu vực đều nằm trong ý đồ của PLA”. Hải quân Mỹ cho biết tại thời điểm đó họ không hề “bị đe dọa”.

Ảnh: hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Ronald Reagan tiến vào Biển Đông Nam Á

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói ông “không biết người Trung Quốc có ý gì khi tuyên bố rỗng tuếch về việc các tàu sân bay Mỹ ở đó là ý muốn của PLA hay gì đó”.

 “Tàu sân bay Mỹ đã ở biển Đông, ở Ấn Độ-Thái Bình Dương kể từ Thế chiến II và sẽ tiếp tục ở đó, và chúng tôi sẽ không bị ai ngăn chặn”, ông Esper nói.

Chúng tôi sẽ di chuyển trên biển, bay trên trời và hoạt động ở những nơi luật pháp quốc tế cho phép”, ông Esper nói, “và chúng tôi làm điều đó, một lần nữa, để khẳng định luật pháp và quyền quốc tế, để bảo lưu chủ quyền của bạn bè và đối tác của chúng tôi, đảm bảo với họ rằng chúng tôi sẽ ở đó để bảo vệ”.

Nhận xét của ông Esper về biển Đông xuất hiện sau tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo hôm thứ Hai tuần trước bác bỏ “hầu hết” yêu sách biển của Trung Quốc.

Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi biển Đông là đế chế hàng hải của mình”, ông Pompeo tuyên bố.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi tuyên bố của Mỹ về biển Đông là “vô trách nhiệm”.

Nó vi phạm và bóp méo luật pháp quốc tế, cố tình châm ngòi các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải, và làm suy yếu hòa bình và ổn định khu vực“, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố hôm thứ Ba tuần trước.

Bất chấp những lời lẽ cứng rắn về Trung Quốc, ông Esper nói dự định đến thăm Trung Quốc trước cuối năm nay để “thiết lập các hệ thống truyền thông cần thiết trong trường hợp có khủng hoảng”.

Ngoại trưởng Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ muốn lập liên minh chống hiểm họa Trung Quốc

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cảnh báo rằng tất cả các nước trên thế giới cần ý thức rõ ràng độ nguy hiểm nếu không kiểm soát được tham vọng của Trung Quốc.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 21-7 bên cạnh người đồng cấp Anh Dominic Raab ở thủ đô London, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định Trung Quốc chính là đối thủ lớn nhất của Mỹ và là mối đe doạ nguy hiểm cho trật tự quốc tế dựa trên luật pháp hiện nay, theo hãng tin Reuters.

Do đó, quan chức này đề xuất cần nhanh chóng thành lập một liên minh để chặn đứng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và gây sức ép buộc giới lãnh đạo Bắc Kinh từ bỏ mọi động thái làm tổn hại hoà bình, ổn định chung.

Chúng tôi muốn thấy mọi quốc gia hiểu được sự tự do, dân chủ và hiểu mối đe dọa mà Trung Quốc đang đặt ra“, Ngoại trưởng Pompeo nói. Ông nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi hy vọng chúng ta có thể xây dựng một liên minh nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc và phối hợp để Bắc Kinh hiểu được cách hành xử của họ không mang lại lợi ích cho chính họ“.

Trung Quốc không thể cứ tuyên bố chủ quyền ở những vùng biển mà nước này rõ ràng là không cơ sở pháp lý. Trung Quốc không thể cứ bắt nạt, doạ dẫm các quốc gia xung quanh mãi. Những hành vi thao túng các thiết chế quốc tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phải ngừng lại” – ông Pompeo khẳng định.

Theo Ngoại trưởng Mỹ, mục đích quan trọng nhất của việc thành lập liên minh là kiến tạo một nền tảng để mọi quốc gia có thể tự mình đứng lên chống lại Bắc Kinh và “tự thân giành lấy những quyền lợi hợp pháp của họ“. Ông Pompeo nêu rõ tất cả các nước cần ý thức rõ ràng độ nguy hiểm nếu không kiểm soát được tham vọng của Trung Quốc.

Reuters cho hay cuộc họp báo nói trên diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Anh kéo dài hai ngày từ hôm 20-7 của Ngoại trưởng Mike Pompeo.

Trung Quốc vừa ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Hoa Kỳ tại thành phố Thành Đô ở miền tây nam. Đây là động thái ăn miếng trả miếng mới nhất trong quan hệ giữa hai nước.

Trong thông báo ngày 24/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh lệnh đóng cửa Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô là “phản ứng chính đáng và cần thiết trước những biện pháp phi lý của Mỹ“, theo AFP.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã thông báo đến Đại sứ quán Mỹ tại Trung Quốc về quyết định rút chấp thuận thành lập và hoạt động của Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô“, thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết. “Bộ cũng đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về chấm dứt mọi hoạt động và sự kiện do tổng lãnh sự quán tổ chức“.

Theo cổng thông tin của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, thông báo được gửi đến đại sứ quán Mỹ trong sáng 24/7. Thông cáo nhắc lại sự kiện ngày 21/7 khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán Houston, gọi hành động này là “khiêu khích đơn phương“.

Trước đó nữa, ngày 21/7, Mỹ đã đột ngột yêu cầu Trung Quốc đóng cửa Tổng lãnh sự quán tại Houston (bang Texas). Washington cáo buộc rằng nơi này và nhiều cơ quan đại diện ngoại giao khác của Bắc Kinh hoạt động gián điệp và gian lận visa.

Đưa ra bình luận đầu tiên về việc Mỹ bất ngờ yêu cầu đóng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Tổng thống Donald Trump trong cuộc họp báo ngày 22/7 cảnh báo, Washington có thể đóng thêm các lãnh sự quán khác của Bắc Kinh.

 “Quý vị có thể thấy chuyện gì đã diễn ra. Tôi đoán họ đốt tài liệu hoặc đốt các giấy tờ và tôi tự hỏi tất cả đó là gì”, Reuters dẫn lời Tổng thống Trump khi đề cập đến vụ cháy ở trong sân của lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Texas, Mỹ tối 21/7 chỉ vài giờ sau khi Washington bất ngờ yêu cầu đóng cơ sở ngoại giao này trong vòng 72 giờ.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, khẳng định Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, bang Texas, vừa bị yêu cầu đóng cửa là một “bình phong” cho hoạt động gián điệp.

Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston không phải là một cơ sở ngoại giao. Đó là một nút trung tâm trong mạng lưới quy mô lớn các gián điệp và hoạt động gây ảnh hưởng ở Mỹ. Tòa nhà đó phải đóng cửa ngay bây giờ và các gián điệp có 72 giờ để rời đi hoặc bị bắt“, ông Rubio viết trên mạng xã hội Twitter.

Nói thêm trên đài Fox News, ông Rubio cho biết Trung Quốc sử dụng các doanh nhân làm bình phong để gây ảnh hưởng lên quốc hội và các chính trị gia Mỹ ở cấp bang và địa phương.

Ảnh: Lính cứu hỏa đến hiện trường sau khi cư dân báo tin nhiều tài liệu đang bị đốt trong sân tòa tổng lãnh sự Trung Quốc vào tối Thứ Ba, 21-7. Video được một cư dân sống cạnh tòa tòa tổng lãnh sự đăng lên mạng cho thấy nhiều thùng chứa có lửa bốc lên, và nhiều người đang ném đồ vật vào thùng.

Giới chức Mỹ thời gian qua cáo buộc lãnh sự quán tại Houston là “tâm chấn của hoạt động đánh cắp nghiên cứu tại Mỹ“. David Stilwell, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, còn mô tả phái bộ ngoại giao này của Trung Quốc có “hành động mang tính lật đổ“, theo New York Times.

Ngoài Houston, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco cũng đang chịu sức ép ngoại giao với cáo buộc chứa chấp người bị truy nã. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho rằng một nhà nghiên cứu Trung Quốc, bị buộc tội gian lận thị thực để che giấu mối quan hệ với quân đội Trung Quốc, đã trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco (Mỹ) suốt một tháng qua.

Vụ đóng cửa lãnh sự quán qua lại là diễn biến leo thang mới nhất trong chuỗi căng thẳng Mỹ – Trung. Hôm 23/7, Ngoại trưởng Pompeo vừa phát biểu về chính sách đối ngoại Mỹ đối với Trung Quốc và nói rằng mọi người “cần chấp nhận sự thật khó khăn” rằng nếu thế giới muốn có thế kỷ 21 tự do thì “mô hình cũ của tiếp cận mù quáng với Trung Quốc sẽ không thu lại được gì”.

“Chúng ta không được để nó tiếp diễn và không được quay trở lại“, ông nhấn mạnh.

Mỹ có 7 phái bộ ngoại giao tại Trung Quốc, gồm đại sứ quán tại thủ đô Bắc Kinh, 5 lãnh sự quán ở Thành Đô, Quảng Châu, Thượng Hải, Thẩm Dương, Vũ Hán và một phái bộ ngoại giao ở Đặc khu Hành chính Hong Kong.

Tổng lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô từng là tâm điểm của sự kiện làm rúng động chính trường Trung Quốc vào tháng 2/2012. Cựu giám đốc sở cảnh sát Trùng Khánh, ông Vương Lập Quân, bất ngờ chạy vào tòa nhà và cung cấp cho các nhà ngoại giao Mỹ thông tin một vụ án giết người có liên quan đến bà Cốc Khai Lai, vợ Bạc Hy Lai – lúc đó là bí thư thành ủy Trùng Khánh.

Ông Bạc sau đó bị Trung Quốc điều tra các tội danh tham nhũng và lạm dụng chức vụ, cuối cùng phải nhận án tù chung thân.

Theo Wall Street Journal, Tổng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô chịu trách nhiệm theo dõi diễn biến tại khu vực Tây Tạng, một trong các khu vực nhạy cảm đối với chính phủ Trung Quốc. Trung bình phái bộ ngoại giao này có khoảng 200 nhân viên, bao gồm 150 nhân sự được thuê tại Trung Quốc.

Trung Kiên – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Biển Đông: Trung Quốc bội tín, vừa đấm vừa xoa

>>> Các đại sứ Mỹ ở ASEAN “tổng tấn công” Trung Quốc về Biển Đông

>>> Mỹ quyết “đánh gục” đế chế hàng hải Trung Quốc

https://www.youtube.com/watch?v=G_L7UuU-pGU
Biển Đông: TQ bội tín, vừa đấm vừa xoa