Chỉ một ngày sau khi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố mạnh hơn về chính sách Biển Đông, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson của Hải quân Mỹ đã hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Những động thái này có ý nghĩa như thế nào đối với an ninh khu vực mà Việt Nam là một phần của tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc?
Hôm 13/7, Ngoại Trưởng Pompeo bác tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nói rằng “những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc là bất hợp pháp,” và ông lên án điều ông gọi là “chiến dịch hiếp đáp để kiểm soát các khu vực này.”
Tiếp theo sau tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, hôm 14/7, Trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ David Stilwell phát biểu trực tuyến tại một hội thảo về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược & Quốc tế (CSIS) tổ chức rằng Hoa Kỳ phản đối “chiến thuật kiểu xã hội đen” (gangster tactics) của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, David Stilwell, nhấn mạnh thêm về chính sách mới của Mỹ ở Biển Đông, trong đó cáo buộc các hành động của Trung Quốc ở khu vực quanh Bãi Tư Chính của Việt Nam là “phi pháp.”
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ bác bỏ yêu sách ‘phi pháp’ của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông
Ngoài ra, cũng tại cuộc hội thảo này, ông Stilwell còn ngỏ ý rằng Chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào các quan chức Trung Quốc vì những hành động gây hấn của họ trên Biển Đông, theo đài CNBC. Ông nói: “Chúng tôi không loại trừ bất cứ biện pháp nào… vẫn còn rộng chỗ cho cấm vận.”
Cũng hôm 14/7, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Ralph Johnson (DDG 114) của Hải quân Hoa Kỳ hoạt động ở quần đảo Trường Sa trong sứ mệnh “tuần tra tự do hàng hải,” theo Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. “Các lực lượng của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông hàng ngày, như những gì chúng tôi đã thực hiện trong hơn một thế kỷ qua,” tuyên bố của Hạm đội Thái Bình Dương nói.
Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, một chuyên gia về Biển Đông ở Đại học University of California Irvine, nêu nhận định với VOA rằng tuyên bố mới nhất của chính phủ Hoa Kỳ được xem là một “điểm tựa” để Việt Nam có thể đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn về chủ quyền ở Biển Đông.
Đây là một thời cơ, một điểm tựa rất lớn để chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ chủ quyền.
“Ở góc nhìn của tôi thì đây là một thời cơ, một điểm tựa rất lớn để chính phủ Việt Nam có thể đưa ra những hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ chủ quyền, lẽ phải. Tuyên bố này là một tín hiệu đáng mừng, nhưng phải chờ xem những diễn biến tiếp theo.
“Việt Nam đến thời điểm này cần nên mạnh mẽ và nên có những quyết sách mạnh mẽ hơn để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.”Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú nói.
Cũng từ California, Giáo sư Lê Minh Nguyên, một chuyên gia về Trung Quốc và an ninh khu vực, nên nhận định với VOA:
“Điểm mạnh của tuyên bố này là Mỹ đứng cùng với các quốc gia Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền tài nguyên biển.
“Đúng là Hoa Kỳ có đi xa hơn so với trước đây về việc ra tuyên bố.”Giáo sư Lê Minh Nguyên nói
Điểm mạnh của tuyên bố này là Mỹ đứng cùng với các quốc gia Đông Nam Á trong việc bảo vệ chủ quyền tài nguyên biển.
“Tôi nghĩ tuyên bố này không thôi thì chưa đủ, cần phải có nhiều hơn các hành động tại thực địa,” Giáo sư Lê Minh Nguyên nói.
Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông của CSIS, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nói tuyên bố cho rằng hành động của Trung Quốc là bất hợp pháp đã mở đường cho một phản ứng cứng rắn hơn từ Hoa Kỳ, như thông qua lệnh trừng phạt, có thể dẫn đến các hoạt động để khẳng định sự hiện diện của hải quân Hoa Kỳ.
Ông Poling nói trong bản tin của CSIS hôm 14/7: “Tuyên bố của ông Pompeo không làm thay đổi tính trung lập của Hoa Kỳ đối với các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông. Washington vẫn không có ý định can thiệp vào việc tranh chấp mang tính lịch sử của các quốc gia đối với các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.”
Chuyên gia CSIS nhận định rằng các chính quyền trước đây của Hoa Kỳ cũng gần như cho rằng các hành động của Trung Quốc trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và trong thềm lục địa của các nước láng giềng là bất hợp pháp nhưng chưa tuyên bố mạnh mẽ và chính thức như chính quyền của Tổng thống Trump vừa tuyên bố hôm 13/7.
Trong ngắn hạn, tuyên bố của Hoa Kỳ sẽ gây căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh, nhưng nó có “tác động tức thì” trên mặt trận ngoại giao trong việc vận động quốc tế để phản đối các hành động “bất hợp pháp” của một quốc gia, ông Poling phân tích.
Ông nói thêm rằng với lời lẽ mạnh mẽ hơn trước, tuyên bố mới nhất của Hoa Kỳ cũng có thể khuyến khích và mở đường các bên tranh chấp Biển Đông, đặc biệt như Việt Nam và Philippines, có thể đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ hơn cho riêng mình để đáp trả Trung Quốc.