Sau những tranh luận về trách nhiệm của Bắc Kinh khi để xảy đại dịch lan ra toàn thế giới, cuộc chiến gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc những ngày gần đây lại xoay quanh cuộc đua phát triển vắc-xin phòng bệnh COVID-19.
Trong chương trình Andrew Marr Show của BBC, Thượng nghị sỹ phe Cộng hòa ở Florida, người có vị trí trong Ủy ban An ninh quốc nội và một số cơ quan khác, Rick Scott đã ra các cáo buộc Trung Quốc cản trở phương Tây tìm vắc-xin.
Ông nói: “Chúng ta cần phải làm ra vắc-xin. Thật không may là chúng tôi có bằng chứng cho thấy Trung Quốc cộng sản đang tìm cách phá hoại chúng tôi hoặc là làm chậm tiến trình tìm ra vắc-xin.”
Ông khẳng định: “Trung Quốc không muốn chúng tôi, và nước Anh cũng như châu Âu tạo ra được vắc-xin trước. Họ đã quyết định trở thành đối thủ của Mỹ và các nền dân chủ trên thế giới.”
Ông Scott, một đồng minh thân cận của Tổng thống Donald Trump, khi bị truyền thông chất vấn về cáo buộc này đã tiết lộ “bằng chứng” được đưa ra từ các đơn vị tình báo và lực lượng có vũ trang. Ông nói thêm: “Có những thứ tôi không thể thảo luận… tôi được cung cấp thông tin.”
Ông nói nếu như “Anh hoặc Mỹ làm được đầu tiên thì chúng ta sẽ chia sẻ. Trung Quốc cộng sản sẽ không chia sẻ“.
Ngay sau đó, ngày 08/6, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Nghị sĩ Mỹ Rick Scott nên đưa ra bằng chứng cho cáo buộc Trung Quốc phá hoại nghiên cứu vắc-xin ngừa COVID-19 của phương Tây.
Phát biểu trước báo giới, bà Hoa Xuân Oánh tuyên bố, việc phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 không phải là một cuộc cạnh tranh song phương và Trung Quốc hy vọng Mỹ sẽ cung cấp bất kỳ loại vắc-xin nào mà họ phát triển ra thế giới một cách công bằng và miễn phí. Bà đồng thời tái khẳng định sự minh bạch của Trung Quốc trong vấn đề đại dịch và lên tiếng chỉ trích những cáo buộc sai trái của phía Mỹ đối với Trung Quốc trong thời gian qua.
Trước đó, hồi giữa tháng 5, Mỹ đã cáo buộc Trung Quốc ăn cắp nghiên cứu về virus corona. Giới chức Mỹ cho biết tin tặc liên quan đến Trung Quốc đang nhắm vào các tổ chức nghiên cứu về đại dịch COVID-19. Cục Điều tra Liên bang (FBI) nói rằng họ đã phát hiện hành động tấn công của tin tặc nhằm vào các nhóm nghiên cứu vắc-xin, phương pháp điều trị và xét nghiệm của Mỹ.
FBI cùng Cơ quan An ninh mạng và Hạ tầng kỹ thuật (Cisa) trực thuộc Bộ Nội an đã đưa ra cảnh báo chung hiếm hoi. Theo đó, hai cơ quan trên cho biết “các đơn vị trong lĩnh vực y tế, dược phẩm và nghiên cứu liên quan đến hoạt động ứng phó COVID-19 nên ý thức được rằng họ là mục tiêu chính” của tin tặc.
Thông cáo còn cho biết tin tặc “đã bị phát hiện khi đang tìm cách xác định và lấy cắp phi pháp tài sản trí tuệ và dữ liệu sức khỏe cộng đồng” liên quan đến việc điều trị virus corona.
Trung Quốc hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua về nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 với 5 loại vắc-xin được tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn cầu có khoảng 125 “ứng viên” vắc-xin COVID-19 đang được nghiên cứu và phát triển. Trong số đó có 10 “ứng viên” hàng đầu đang được thử nghiệm trên người trong các thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới. Trong đó, Trung Quốc có 5 ứng viên, còn Mỹ chỉ có 3 ứng viên được đưa vào thử nghiệm trên người do các hãng dược Moderna, Pfizer và Inovio Enterprises phát triển, nghiên cứu.
Trung Quốc đã không để mất thời gian. Ngay khi vừa lập được bản đồ về hệ mã di truyền virus corona mới hồi tháng Giêng 2020, các phòng thí nghiệm tại Trung Quốc đã bắt đầu tham gia vào tiến trình phát triển vắc-xin. Theo một nhà khoa học nước ngoài ở Thượng Hải, nhiều dự án nghiên cứu về các vac-xin chống những căn bệnh khác đã bị đình chỉ để dồn toàn bộ nguồn lực cho việc chế tạo một vắc-xin chống virus SARS-CoV-2.
Chính phủ, quân đội và một số công ty vốn đầu tư nhà nước Trung Quốc đã cam kết bỏ ra hàng trăm triệu đô la nhằm xoá bỏ các rào cản pháp lý, đẩy nhanh quá trình phát triển vắc-xin. 2 trong 5 loại vắc-xin tiềm năng thuộc về Tập đoàn Quốc gia Biotec (CNBG). Đơn vị này đã rót hơn 5 tỷ nhân dân tệ (703 triệu USD) để nghiên cứu loại vắc-xin mới. Trong khi đó, Viện Quân Y, trực thuộc Viện Hàn lâm Trung Quốc, đã tiến hành thử nghiệm giai đoạn ba tại Canada sau khi được chấp thuận vào tháng trước.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Quân y, hợp tác với Công ty Công nghệ sinh học CanSino Biologics có trụ sở Thiên Tân, là đơn vị đầu tiên công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn một (đã được bình xét) trên tạp chí y khoa Lancet. Công bố này được thực hiện chỉ vài ngày sau khi hãng dược Moderna, Mỹ, có động thái tương tự. Tuy nhiên, thử nghiệm của Moderna chưa được bình duyệt.
Tiến độ nhanh chóng từ CanSino có sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Bắc Kinh. Nhà khoa học đứng đầu công trình là Chen Wei, 54 tuổi, Thiếu tướng Quân đội Giải phóng Nhân dân. Bà cũng là một trong những người đầu tiên tình nguyện tiêm thử vắc-xin.
Thiếu tướng Chen Wei được coi là chuyên gia số một về chiến tranh sinh học của Quân Đội Trung Quốc và cũng là người được cử ngay đến Vũ Hán để ngăn dịch ngay sau khi Trung Quốc tuyên bố phong tỏa Vũ Hán hồi tháng 1.
Hôm 04/6, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thông báo chính phủ và các tập đoàn tư nhân dự kiến đầu tư hơn 10 tỷ nhân dân tệ (hơn 1,4 tỷ USD) vào việc xét nghiệm, điều trị COVID-19 cũng như phát triển vắc-xin, bổ sung thêm 4 tỷ nhân dân tệ so với trước đó.
Khác với Mỹ, Trung Quốc không thử sức với những công nghệ điều chế tiên tiến như sử dụng RNA thông tin. Các nhà khoa học đại lục phát triển loại vắc-xin truyền thống, dựa trên virus bất hoạt được nuôi cấy và làm giảm độc lực. Đây là hình thức tiêm chủng cổ điển và phổ biến, từng dùng để chống lại bệnh cúm thông thường, viêm gan A, bại liệt và bệnh dại. Nó được đánh giá là phức tạp và tốn nhiều chi phí hơn.
Tìm ra vắc-xin an toàn và hiệu quả ngừa COVID-19 đang được so sánh với cuộc chạy đua vào không gian ở thập niên 1960. Trung Quốc và Mỹ đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc chạy đua toàn cầu về phát triển vắc-xin. Hôm 02/6, chính quyền Tổng thống Donald Trump chọn 5 hãng dược lớn chuẩn bị cho triển vọng phân phối 200 triệu liều vaccine tính đến đầu năm sau. Mỹ thậm chí bắt đầu công đoạn sản xuất trước khi biết chắc liệu vaccine có tác dụng trên người hay không. Trung Quốc hứa hẹn sản xuất vaccine sớm nhất vào tháng 9, ngay cả khi chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. Trung Quốc coi chiến thắng là bản tuyên ngôn mạnh mẽ và đầy tham vọng về năng lực, công nghệ y khoa quốc gia, đồng thời làm chệch hướng chỉ trích của dư luận đối với nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Một cách thực tế hơn, thành công trong vắc-xin sẽ giúp Bắc Kinh xây dựng lại niềm tin của công chúng và khôi phục nền kinh tế sớm trong khi toàn cầu còn gặp khủng hoảng.
Yanzhong Huang, cố vấn cao cấp về sức khoẻ cộng đồng tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại ở New York, nhận định: “Cần có vắc-xin càng sớm càng tốt. Đây là yếu tố tiềm năng để lật ngược thế cờ, tác động đến cán cân chính trị.”
Tháng trước, trong buổi trao đổi với WHO, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết nếu phát triển vắc-xin thành công, nước này sẽ chia sẻ thành quả với thế giới. Ông không cung cấp thêm thông tin cụ thể, nhưng các chuyên gia đầu ngành hy vọng tất cả các quốc gia sẽ ưu tiên tiêm phòng cho công dân của họ.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 07/6 tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, Wang Zhigang, tuyên bố bất kỳ loại vắc-xin nào do Trung Quốc phát triển đều sẽ trở thành “hàng hóa công cộng toàn cầu“, một khi nó đã sẵn sàng sau các thử nghiệm lâm sàng thành công.
Trước đó, trong bài phỏng vấn với kênh CGTN, Tiến sĩ Gao Fu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc cho biết vắc-xin ngừa COVID-19 có thể sẵn sàng để sử dụng khẩn cấp vào tháng 9/2020.
Cũng trong cuộc họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Ma Zhaoxu cho biết Trung Quốc đã tham gia sáng kiến hợp tác quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề xuất để đẩy nhanh việc phát triển vắc-xin và thuốc đặc trị cho COVID-19.
Ông Ma Zhaoxu nhấn mạnh: “Trung Quốc sẽ thực hiện lời hứa cung cấp cho thế giới một loại vắc-xin an toàn, hiệu quả với chất lượng cao khi mọi thứ sẵn sàng. Đồng thời cam kết giúp các quốc gia trên thế giới, bao gồm những nước đang phát triển, tiếp cận vắc-xin với giá cả phải chăng.”
Cũng trong ngày 07/6, Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Sách Trắng về kết quả cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này, trong đó cho biết tỷ lệ khỏi bệnh ở Trung Quốc đại lục đạt hơn 94%. Cũng theo Sách Trắng, 92% số bệnh nhân COVID-19 được điều trị bằng y học cổ truyền Trung Quốc. Liệu pháp này được sử dụng trong toàn bộ quá trình từ theo dõi y tế, điều trị triệu chứng nhẹ, vừa, nặng và rất nặng. Những thông tin trên của Trung Quốc được dư luận đánh giá là ngầm truyền tải sức mạnh của y học và khoa học cũng như sự ưu việt của chế độ chính trị Trung Quốc trong tương quan với các cường quốc hàng đầu thế giới.
Trong lúc 5 loại vắc-xin COVID-19 đang được phát triển, Bắc Kinh gấp rút cho xây các cơ sở đạt chuẩn an toàn sinh học để chuẩn bị cho sản xuất.
Các cơ sở sẽ xếp hạng an toàn sinh học độ ba, bởi vì nCoV có khả năng gây bệnh cao và cần môi trường an toàn để sử dụng.
Yu Qingming, Bí thư của SinoPharm, công ty con thuộc Tập đoàn Dược phẩm sở hữu Tập đoàn Biotec Quốc gia Trung Quốc (CNBG), cho biết hai cơ sở an toàn sinh học được xây dựng với “tốc độ thời chiến“.
Ông Yu cho biết: “Cơ sở tại Bắc Kinh đã hoàn thành và đang chờ chứng nhận. Năng lực sản xuất hàng năm sẽ là 100 triệu liều. Cấu trúc chính của xưởng sản xuất tại Vũ Hán cũng được hoàn thành, năng lực sản xuất hàng năm là 80 triệu liều.”
“Sau khi hai xưởng bắt đầu sản xuất, chúng sẽ đáp ứng nhu cầu tiêm chủng quy mô lớn và đảm bảo về tính sẵn có và giá cả phải chăng cho vắc-xin COVID-19“.
Zhu Jingjin, Bí thư đảng ủy CNBG, cho biết năng lực sản xuất đáp ứng nhu cầu của các nhóm dân số đặc biệt, bao gồm nhân viên y tế, nhân viên ngoại giao, du học sinh và những người làm việc trong các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Nhiều chuyên gia cho rằng khả năng Trung Quốc sẽ phát triển thành công vắc-xin trước Mỹ và các quốc gia khác. Tuy nhiên, mức độ tiếp nhận của thị trường toàn cầu là câu chuyện khác. Năm 2017, nước này điều chế thành công và được phê duyệt vaccine Ebola, tuy nhiên sản phẩm chưa bao giờ đến tay người dùng quốc tế.
Sau hàng loạt bê bối, Trung Quốc phải đối mặt với sự nghi ngờ về chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm. Năm 2018, Sinopharm, công ty mẹ của CNBG, đã hứng chỉ trích vì phân phối loại vắc-xin không đạt tiêu chuẩn dành cho trẻ sơ sinh.
Dù có trở thành quốc gia đầu tiên tìm ra phương pháp ngăn ngừa COVID-19 hay không, Trung Quốc vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối. Đây là một trong những nước có năng lực sản xuất lớn nhất thế giới, lên tới hàng trăm triệu liều mỗi năm. Năm 2019, CNBG điều chế thành công vaccine viêm não Nhật Bản, được WHO chấp thuận phân phối toàn cầu.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Trung Quốc lẻ loi trong cơn thịnh nộ COVID-19 tràn về
>>> Tờ báo BILD lập hóa đơn đòi Trung Quốc bồi thường cho Đức 149 tỷ Euro vì COVID-19
>>> Virus corona: Truyền thông TQ đả phá thuyết ‘virus từ phòng thí nghiệm’