Mỹ công bố: Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa cho phương Tây

https://www.youtube.com/watch?v=ql6vEKw3lNY

Trả lời phỏng vấn trong chương trình “News Morning Futures” của Fox News hôm 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhận định Đảng Cộng Sản Trung Quốc là mối đe dọa phương Tây.

Trên kênh truyền hình Mỹ, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định Trung Quốc đang ngày càng trở nên « hung hăng hơn » trong nỗ lực bóp méo thông tin và làm rạn vỡ thế giới, từ Hồng Kông cho đến Hoa Kỳ và đang trở thành mối đe dọa cho phương Tây.

Ông Pompeo đã thực sự có chủ ý khi liên tục gọi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là Tổng bí thư Đảng Cộng sản đồng thời sử dụng cách diễn đạt “Đảng Cộng sản Trung Quốc” thay vì Chính phủ Trung Quốc, và khẳng định Đảng Cộng sản nước này là chủ mưu đưa Mỹ lâm vào hiểm nguy, là “mối đe dọa hiện hữu” phá hoại nền giá trị của chủ nghĩa dân chủ các nước phương Tây.

Ngoại trưởng Mỹ đã chỉ rõ mối đe dọa của Trung Quốc là từ hệ tư tưởng của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Ông nhận xét: “Đó rõ ràng là một hệ tư tưởng đã ăn sâu. Nó lớn hơn bất kỳ một cá nhân nào. Mối đe dọa từ Đảng Cộng sản Trung Quốc bắt nguồn từ bản chất của học thuyết và tư tưởng của họ.”

Ông nói thêm: « Khác so với 10 năm trước đây, Đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay thể hiện ý định phá hoại tư tưởng phương Tây, nền dân chủ và các giá trị phương Tây. Điều đó khiến người Mỹ gặp nguy hiểm ».

Để chứng minh mối đe dọa Trung Quốc, ông Pompeo đưa ra một số ví dụ như Bắc Kinh đánh cắp sở hữu trí tuệ, thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và đặc biệt là các hành vi nhằm thắt chặt kiểm soát Hồng Kông mới đây qua việc áp đặt luật an ninh quốc gia.

Ông Pompeo kết luận rằng: “Chúng ta sẽ phải đối mặt với điều này trong một thời gian nữa.”

Ảnh chụp màn hình Ngoại trưởng Mỹ trong buổi phỏng vấn với kênh truyền hình Fox News

Ngoài ra, Ngoại trưởng Mỹ chỉ trích Bắc Kinh đang tập trung tăng cường sức mạnh quân sự, đồng thời nhấn mạnh Bộ Quốc phòng Mỹ đang nắm bắt sát sao tình hình và sẵn sàng đối phó lại bất kỳ động thái gây hấn nào của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Mike Pompeo cũng đề cập đến mối quan hệ đồng minh tốt đẹp với các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Liên minh châu Âu.

Trong tương lai, Mỹ sẽ có những hoạt động cụ thể với các nước ủng hộ chủ nghĩa dân chủ trên toàn thế giới.

Ngoại trưởng Pompeo cũng tuyên bố Washington có thể đảm bảo tương lai sẽ là kỷ nguyên của phương Tây, ví dụ điển hình là nền tự do dân chủ nước Mỹ đang gây dựng.

Phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo phần nào cho thấy xung đột Mỹ – Trung về bản chất là cuộc đối đầu về hệ tư tưởng và khiến giới quan sát liên tưởng sự khởi đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Những động thái tiếp theo của hai cường quốc hàng đầu là Mỹ và Trung Quốc sẽ quyết định thế giới có chứng kiến một cuộc Chiến tranh Lạnh mới hay không.

Buổi phỏng vấn hôm 31/5 của Ngoại trưởng Mỹ nối tiếp tuyên bố tuần trước của chính ông rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump không còn coi Hồng Kông là khu vực tự trị của Trung Quốc.

Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và các quan chức cấp cao trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo trong buổi họp báo ngày 29/5

Vì thế không có ly do gì để Washington duy trì chính sách đặc biệt với các ưu đãi riêng về thương mại và hoạt động của các doanh nghiệp tại Hồng Kông.

Ông Mike Pompeo cũng cho biết thêm là Tổng thống Mỹ đang xem xét kế hoạch rút các quy chế đặc biệt với Hồng Kông và bắt đầu cho điều tra các sinh viên Trung Quốc tại Mỹ bị nghi ngờ có liên hệ với quân đội Trung Quốc và về những hoạt động khác. 

Tiếp đó, ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố rằng Mỹ có thể áp đặt các hạn chế thương mại đối với Hồng Kông để trừng phạt Trung Quốc vì đã tăng cường kiểm soát thành phố.

Ông Pompeo nói: “Hiện nay, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thất hứa và Mỹ sẽ phản ứng như một vấn đề thực tế… Chúng tôi sẽ xem xét liệu chúng tôi có nên đi xử phạt những cá nhân đã phá hủy sự tự do này ở Hồng Kông hay không.”

Thời gian tới, “sinh viên gián điệp” Trung Quốc tại Mỹ sẽ là đối tượng mà Hoa Kỳ nhắm đến nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của nước này, vốn là ưu tiên hàng đầu trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Điều 7 trong Luật Tình báo quốc gia của Trung Quốc có ghi rõ : « Mọi tổ chức hay mọi công dân đều phải hỗ trợ hoạt động tình báo của Nhà nước, giúp Nhà nước và cộng tác với Nhà nước theo quy định của pháp luật. » Trên cơ sở của luật này, Trung Quốc huy động nhiều thành phần để tham gia vào hoạt động gián điệp ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước phương Tây trong đó Mỹ là địa bàn hoạt động quan trọng nhất.

Trên đài truyền hình Fox News hôm 31/5, Ngoại trưởng Pompeo đã tuyên bố : « Với tư cách cựu giám đốc CIA, tôi xem mối đe dọa của gián điệp Trung Quốc đối với nước chúng ta là rất nghiêm trọng ». Ông Pompeo cho rằng người dân Mỹ cần biết rằng « Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã tạo dựng được một ảnh hưởng rất lớn tại Hoa Kỳ ».

Theo chính quyền Donald Trump, không chỉ có các tin tặc, mà cả các nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc cũng tham gia đánh cắp các thông tin trong các trường đại học và phòng thí nghiệm nơi họ đang làm việc.

Đây thực sự là một nguy cơ to lớn cho Hoa Kỳ bởi theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc tế (IIE), một hiệp hội chuyên về các trao đổi quốc tế của sinh viên, sinh viên đến từ Trung Quốc chiếm một phần ba tổng số sinh viên ngoại quốc và là lực lượng đông đảo nhất trong số các sinh viên ngoại quốc đang học tại Mỹ, với gần 370.000 trong niên khóa 2018-2019.

Nhật báo New York Times cho biết Chính phủ Mỹ chuẩn bị trục xuất từ 3.000 đến 5.000 sinh viên Trung Quốc có liên hệ với các trường quân sự Trung Quốc. 

Mặc dù mỗi năm sinh viên Trung Quốc mang lại một khoản thu nhập lên tới 14 tỷ USD cho các trường đại học Mỹ nhưng chính quyền Donald Trump dự kiến sẽ có biện pháp mạnh để ngăn chặn tình trạng sinh viên Trung Quốc tham gia làm gián điệp và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Cụ thể, theo hãng tin Reuters, trong số các sinh viên Trung Quốc bị nghi làm gián điệp, những người nào đang ở trên đất Mỹ thì sẽ bị hủy visa và sẽ bị trục xuất, còn những người nào đang ở bên ngoài nước Mỹ thì sẽ không được phép quay trở lại. 

Trên lĩnh vực đầu tư, mới đây, các nghị sĩ Mỹ đã đề xuất hạn chế đầu tư vào doanh nghiệp liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Theo hãng tin Anh Reuters, ba dân biểu Cộng hòa Mỹ Mike Gallagher, Jim Banks và Doug LaMalfa dự kiến công bố vào tuần này một dự thảo luật mà theo đó công dân và doanh nghiệp Mỹ có thể bị cấm đầu tư vào các công ty quốc phòng nước ngoài có liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Dự luật yêu cầu Bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin phải trình trước Hạ Viện một bản báo các ghi rõ các công ty quốc phòng nước ngoài có hợp đồng, liên hệ hoặc ủng hộ quân đội Trung Quốc. Sáu tháng sau khi báo cáo được công bố, các doanh nghiệp và công dân Mỹ sẽ phải thoái vốn khỏi những doanh nghiệp này hoặc không thể đầu tư.

Hai lý do được dân biểu Jim Banks nêu trong một thông cáo được Reuters trích ngày 01/6 là : “Một phần, Hạ Viện yêu cầu công dân Mỹ hỗ trợ phát triển khả năng của quân đội Hoa Kỳ để có thể cạnh tranh với Trung Quốc. Mặt khác, các quỹ đầu tư quan trọng của Mỹ đã đổ tiền vào cơ sở công nghiệp quân sự của Trung Quốc » cho nên đã đến lúc “ngừng tài trợ cho sự trỗi dậy của đối thủ chính của toàn cầu”.”

Theo RFI, chưa biết phía Đảng Dân Chủ, cũng như các dân biểu Cộng Hòa khác có ủng hộ dự luật hay không, nhưng một điều được thấy rõ là tâm lý bài Trung Quốc trong Quốc hội Mỹ ngày càng mạnh mẽ kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh đối với đặc khu hành chính Hồng Kông.

Đồng minh thân cận nhất của Mỹ và cũng là quốc gia có mối liên hệ lịch sử với đặc khu Hồng Kông là Vương quốc Anh cũng đã có thái độ cứng rắn với Trung Quốc kể từ thời điểm Quốc hội Trung Quốc bỏ phiếu đồng tình cho việc áp đặt trực tiếp luật về an ninh đặc khu.

Như tin đã đưa, trong một thông điệp video công bố trên mạng Twitter ngày 28/5, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã đề nghị sửa đổi hệ thống hộ chiếu British Nationals Overseas BNO – tức là hộ chiếu dành cho công dân Anh Quốc ở hải ngoại – mà mọi người Hồng Kông sinh trước năm 1997 đều có quyển được hưởng. Người có loại hộ chiếu đặc biệt này được quyền nhập cảnh và cư trú tại nước Anh trong vòng 6 tháng mà không cần visa.

Ngoại trưởng Anh phát biểu: “Nếu Trung Quốc tiếp tục con đường hiện nay và áp dụng bộ luật về an ninh quốc gia, chúng tôi sẽ thay đổi các quy chế, sẽ bãi bỏ thời hạn 6 tháng và cho phép những người mang hộ chiếu BNO đến Anh Quốc để làm việc, học tập trong những thời hạn dài hơn – 12 tháng – mở đường cho việc nhập quốc tịch Anh”.

Theo chính quyền Anh Quốc, hiện chỉ có khoảng 350.000 người Hồng Kông sỡ hữu hộ chiếu BNO, nhưng theo tổng lãnh sự quán Anh Quốc tại Hồng Kông, thêm 2,9 triệu người tại đây có thể xin hộ chiếu này.

Có thể nói với biện pháp này, Anh cùng lúc thực hiện được hai mục tiêu. Một mặt là để gia tăng sức ép với Bắc Kinh, mặt khác là nhằm phục vụ chiến dịch thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ những khu vực thuộc địa cũ của Anh để góp sức xây dựng sự phồn thịnh của nước Anh khắc phục những hậu quả khi nước này rời Liên minh Châu Âu.

Trước đó, Cơ quan An ninh Mạng Anh Quốc (NCSC) đã bắt đầu xem xét trở lại các rủi ro có thể xảy ra đối với an ninh của quốc gia từ việc dùng thiết bị của Tập đoàn công nghệ Huawei sau khi Washington cấm không cho Huawei dùng các linh kiện điện tử do các công ty Mỹ thiết kế.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Trung Quốc kiểm soát vùng trời Biển Đông – Việt Nam hết đường bay ra đảo

>>> Mỹ bỏ đặc quyền – Trung Quốc “lồng lộn”

>>> Trung Quốc “tuyên chiến” với quốc tế khi thông qua đạo luật an ninh quốc gia cho Hồng Kông

https://www.youtube.com/watch?v=aZOuEoV-rsk
Biển Đông: TQ chặn không phận – VN hết đường bay ra đảo