Đại dịch COVID-19 bùng nổ đầu năm 2020 sẽ đi vào lịch sử không chỉ với vai trò là một cuộc khủng hoảng dịch tễ kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu mà nó còn thổi bùng lên căng thẳng ngoại giao Mỹ – Trung vốn trước đó đã có nhiều dấu hiệu xấu đi bởi cuộc chiến thương mại. Và Biển Đông, nơi cả hai cường quốc đều có lợi ích quan trọng liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia đã trở thành một mặt trận không thể thiếu để hai bên phô diễn sức mạnh và kiềm chế lẫn nhau.
Trung Quốc tiếp tục thúc đẩy chủ quyền phi pháp trên Biển Đông với chiến lược xuyên suốt từ năm 2010 và bất chấp đại dịch COVID-19, chiến dịch này vẫn liên tục được thực hiện.
Từ năm 2010, Trung Quốc khuyến khích lực lượng dân quân biển cùng với các hiệp hội nghề cá đến các khu vực có tranh chấp để khẳng định chủ quyền.
Năm 2012 được gọi là năm bản lề khi Trung Quốc chính thức thực hiện chủ quyền hành chính phi pháp trên Biển Đông với việc cho ra đời “thành phố Tam Sa”.
Cụ thể, ngày 21/6/2012, Quốc vụ viện Trung Quốc đã phê chuẩn quyết định thành lập “Tam Sa”. Ngày 17/7/2012, Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam đã thông qua quyết định thành lập “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”.
Ngày 19/7/2012, Quân ủy Trung ương Trung Quốc chính thức quyết định thành lập “Cơ quan chỉ huy quân sự” của cái gọi là “thành phố Tam Sa”, đặt căn cứ trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 21/7/2020, Trung Quốc tổ chức bầu 45 đại biểu của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa”. Hai ngày sau đó, phiên họp đầu tiên của “Hội đồng Nhân dân Tam Sa” đã bầu một nhân vật tên Tiêu Kiệt làm thị trưởng. Và đến ngày 24/7/2012, Trung Quốc đã tổ chức lễ thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Và mới đây, ngày 18/04/2020, Quốc vụ viện Trung Quốc đã ra quyết định lập hai « quận » mới trực thuộc “thành phố Tam Sa” là: Tây Sa (Xisha) ở Hoàng Sa và Nam Sa (Nansha) ở Trường Sa.
Không dừng lại ở đó, Trung Quốc còn có những hành đông ngang ngược, hung hăng đe dọa các nước có cùng tranh chấp trên biển Đông khi đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại Hoàng Sa hồi đầu tháng 4 và cho tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 gần đây tiếp tục hoạt động trong lãnh hải của Malaysia.
Trả lời RFI, Giám đốc Nghiên cứu Benoît de Tréglodé, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM) nhận định là những hành động gây hấn của Trung Quốc trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành dữ dội vừa qua không phải là mang tính tức thời mà là nằm trong chiến dịch có từ trước của Trung Quốc.
Ông nhận định ba sự kiện gần đây bao gồm vụ tầu cá Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020 ở quần đảo Hoàng Sa; việc “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc lập hai quận mới là Tây Sa và Nam Sa cũng như việc tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 gần đây tiếp tục hoạt động trong lãnh hải của Malaysia “đều phụ thuộc vào tính chất liên tục trong chính sách hàng hải của Trung Quốc trong khu vực đã có từ khá lâu”.
“Lấy ví dụ vụ tàu cá của ngư dân Việt Nam bị đâm chìm vào đầu tháng 04/2020, phải đặt biến cố này vào bối cảnh có từ lâu, cụ thể là từ năm 2014 khi xảy ra khủng hoảng giàn khoan Hải Dương 981.”
Ông phân tích thêm:
“Trở lại bối cảnh lịch sử gần đây, chúng ta thấy truyền thông từng nói nhiều về việc Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” vào năm 2012. Đây là cách đáp trả của Bắc Kinh về việc Quốc Hội Việt Nam, vào tháng 06/2012, đã thông qua Luật Biển bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đó, Trung Quốc đòi chủ quyền về hành chính. Và yêu sách đó được cụ thể hóa bằng việc thành lập hai “quận” Tây Sa và Nam Sa mà thực ra, nằm trong kế hoạch “thành phố Tam Sa” đã có từ trước đó. Một điểm quan trọng đáng lưu ý khác, đó là “thành phố Tam Sa” khi được Trung Quốc thành lập năm 2012, bất chấp đòi hỏi chủ quyền của các đối tác và các nước láng giềng, mà đứng đầu là Việt Nam, chỉ có khoảng 400 dân cư, nhưng giờ có đến 1.800 người, chủ yếu sống ở khu vực bắc Hoàng Sa.
Đúng là chúng ta thấy rõ các chính sách như gia tăng dân số, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhưng nên nhớ rằng chính sách đó chưa hẳn là nhân cơ hội tình hình dịch bệnh năm nay mà thực ra, là chiến lược lâu dài, mang tính chất liên tục của Trung Quốc từ những năm 2010. Tương tự như việc tầu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc thâm nhập vào vùng biển của Malaysia cũng giống như sự kiện đã xảy ra với Việt Nam.
Vì vậy, tôi không thấy có sự gia tăng vô cùng quan trọng nào trong giai đoạn khủng hoảng COVID-19, mà thực ra, đó là sự tiếp tục trong chính sách đã có từ khá lâu của Trung Quốc.”
Và để phục vụ cho tham vọng bá quyền này, Trung Quốc vẫn tăng ngân sách quốc phòng bất chấp ảnh hưởng dịch COVID-19
Trong phiên khai mạc Quốc hội vào ngày 22/5 vừa qua, Trung Quốc tuyên bố sẽ duy trì đà tăng ngân sách quốc phòng trong năm 2020 ở mức 6,6% so với năm ngoái, giảm nhẹ so với 7,5% trong năm 2019.
Ngân sách quốc phòng cho năm nay được Trung Quốc dự kiến là 1.268 tỉ nhân dân tệ (tương đương 178,16 tỉ USD), mức độ đầu tư lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau Mỹ, theo Reuters.
Vào năm 2019, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng 7,5% cho ngân sách quốc phòng, trong khi tăg trưởng kinh tế của cả năm đó chỉ đạt 6,1%.
Năm nay, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 1 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Vậy mà, bất chấp sự thể hiện èo uột của nền kinh tế, Trung Quốc chỉ giảm nhẹ mục tiêu đối với chi tiêu quân sự, cho thấy tham vọng tiếp tục nước này trong việc duy trì các chương trình quốc phòng.
Cần lưu ý là Trung Quốc chỉ công bố số liệu thô về chi tiêu quân sự, không chia ra từng phần chi cho lực lượng khác nhau. Giới quan sát còn cho rằng con số mà Bắc Kinh đưa ra còn thấp hơn so với ngân sách trên thực tế.
Động thái này cho thấy mức độ tích cực của nước này trong nỗ lực tăng cường năng lực quân sự.
Quân đội Hoa lục cho biết cần thêm vũ khí, tài nguyên để đối phó với nhiều mối đe dọa cùng lúc: tình hình bất trắc biến đổi không ngừng bên ngoài lẫn bên trong lãnh thổ. Nhưng đứng đầu các mối đe dọa là quan hệ căng thẳng với Mỹ ngày càng leo thang, tiến gần đến nguy cơ xung đột đặc biệt trên hai mặt trận là Biển Đông và Biển Hoa Đông
Về phía Mỹ, trước những hành động hung hăng của Trung Quốc, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông.
Theo trang South China Morning Post ngày 19/05, Hoa Kỳ đã gia tăng hoạt động quân sự trên không và trên biển « sát cửa » Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm 2020 nhiều gấp ba lần so với nguyên một năm 2019.
Trong khi năm 2019 đã được coi là năm Mỹ lập kỷ lục tuần tra ở Biển Đông với 7 lần tuần tra bên trong khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo bị Trung Quốc chiếm đóng ở Biển Đông.
Không chỉ lực lượng hải quân được huy động, Mỹ còn điều động cả lực lượng không quân trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Hồi đầu tháng 5, Mỹ điều đội oanh tạc cơ B-1B trở lại Guam để hỗ trợ lực lượng tại chỗ của Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác trong khu vực Thái Bình Dương.
Những hành động này cũng là được thực hiện theo chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương của Mỹ.
Đối thoại Shangri-La ở Singapore vào tháng 6/2019 trong Báo cáo chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương được Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trình bày, Trung Quốc là một trong ba chủ đề trọng tâm được nêu ra. Theo đó Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất cho an ninh trong khu vực. Đây được coi là văn bản định hình khuôn khổ chính sách hiện nay của Mỹ ở Đông Nam Á.
Bình luận về việc Trung Quốc biết cách tận dụng chính sách « Bốn Không » của Việt Nam để gia tăng hoạt động ngày càng hung hăng hơn, ông Benoît de Tréglodé (Bê-noa Đờ Thê-gờ-lô-đê) cho rằng Việt Nam đã có những bước đi mới trong vấn đề Biển Đông.
Ông phân tích:
“Chính sách « Bốn Không » trước là chính sách « Ba Không » của Việt Nam : Không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác. Chính sách này được sửa đổi vào tháng 11/2019 trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam với điểm « Không » thứ tư, đó là « không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực trong quan hệ quốc tế », trong đó có việc không dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh hải trong khu vực.
Nội dung vẫn khá mang tính truyền thống, đó là việc đưa ra những tuyên bố phòng thủ để có thể bảo vệ những quyền lợi chủ quyền đang bị đe dọa vì những lấn lướt trên thực địa trong chính sách hàng hải của Trung Quốc mà chúng ta đã nêu ở trên.
Về vấn đề này, nên đề cập một điểm, mang tính rất thời sự : Hà Nội đang nêu ra khả năng đe dọa đối tác Trung Quốc và báo với cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẵn sàng làm như Philippines từng làm, có nghĩa là viện đến công lý quốc tế để có thể làm nổi rõ những tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Việt Nam và Trung Quốc. Vấn đề đặt ra là vào năm 2014, chính quyền Việt Nam từng cho thấy dấu hiệu là có thể kiện nhưng từ đó vẫn không có chuyện gì thực sự xảy ra.
Một lần nữa, chúng ta cần chú ý rằng mọi chuyện rất phức tạp. Những mối liên hệ chính trị, kinh tế, quân sự giữa các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực không cho phép các nước xây dựng một hướng đi chung.”
Còn về khía cạnh Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ cuộc chiến Mỹ – Trung, nhà nghiên cứu người Pháp chưa thực sự lạc quan về điều này.
Ông Benoît de Tréglodé phân tích:
“Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung từ một năm nay đã tạo điều kiện thuận lợi rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam cũng không bị thiệt hại nặng nề về kinh tế do dịch COVID-19.
Một điều thú vị cần nêu lên, đó là cách đây khoảng 10 ngày, Tổng thống Mỹ chính thức thông báo rằng do cách Trung Quốc xử lý dịch COVID-19, 27 công ty đã rời Trung Quốc chuyển sang hoạt động ở Đông Nam Á, nhưng lại không phải ở Việt Nam mà là ở Indonesia. Chúng ta thấy là mọi chuyện có vẻ tế nhị hơn và Việt Nam không phải là bên chiến thắng duy nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Phải hiểu việc Hoa Kỳ nhắm vào một quốc gia khác, mà không phải Việt Nam trong bối cảnh này như thế nào ? Một số nhà phân tích cho tổng thống Mỹ hẳn vẫn còn nghi ngờ về khả năng Việt Nam thoát hẳn khỏi tầm ảnh hưởng của Trung Quốc vì lý do kinh tế, chính trị, kể cả lý do lịch sử lâu đời.”
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)