Một quan chức hàng đầu của Nhà Trắng hôm 24/5 ví cách xử lý virus Corona của Trung Quốc giống như việc Liên Xô che giấu thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986.
Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien nói rằng Bắc Kinh biết về virus xuất phát từ Vũ Hán từ tháng 11 nhưng nói dối Tổ chức Y tế Thế giới và ngăn các chuyên gia quốc tế tiếp cận thông tin.
“Họ đã thả một con virus ra thế giới, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đôla cho nền kinh tế Mỹ mà chúng tôi phải chi ra để giúp nền kinh tế sống còn và giữ cho người Mỹ sống sót trong thời kỳ dịch bệnh này”, ông O’Brien nói trong chương trình “Meet the Press” của Kênh NBC.
“Việc che giấu virus sẽ đi vào lịch sử cũng giống như vụ Chernobyl. Chúng ta sẽ xem loạt phim đặc biệt trên HBO về việc này 10 hoặc 15 năm sau”.
Moscow cũng từng che giấu mức độ nghiêm trọng của thảm họa hạt nhân Chernobyl.
Ông O’Brien cũng cáo buộc rằng việc Trung Quốc cản trở một cuộc điều tra nguồn gốc của đại dịch đã khiến “hàng nghìn người mất mạng ở Mỹ và khắp thế giới”.
Hôm 23.5, Phó tổng thống Mike Pence cũng phát biểu trên kênh Breitbart rằng Trung Quốc “làm thế giới thất vọng” trong khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO là “đối tác sẵn lòng cùng Trung Quốc trì hoãn đưa ra thông tin thiết yếu về virus Corona cho Mỹ và thế giới.
Về câu hỏi liệu ông đang cáo buộc toàn bộ chính quyền Trung Quốc hoặc chỉ nhằm vào giới chức Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, tâm dịch đầu tiên của đại dịch Covid-19, cố vấn tổng thống Mỹ cho hay hiện Nhà Trắng vẫn chưa nắm rõ vấn đề, nhưng họ sẽ “điều tra đến tận gốc rễ”.
“Chúng tôi chưa biết, vì họ trục xuất mọi nhà báo (khỏi Vũ Hán) và không cho phép các nhà điều tra (của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ) đến khu vực, và đến nay họ vẫn cản trở nỗ lực điều tra”, ông O’Brien lên tiếng chỉ trích.
Trước câu hỏi trong trường hợp Trung Quốc phát triển vắc xin ngừa Covid-19, liệu người Mỹ có được tiếp cận nguồn vắc xin này hay không, cố vấn Tổng thống Trump tiếp tục cáo buộc Bắc Kinh đang thu thập thông tin tình báo về nỗ lực của Mỹ trong việc phát triển vắc xin và liệu pháp điều trị tiềm năng.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump thường xuyên chỉ trích cách Trung Quốc xử lý dịch bệnh.
Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này và nhà ngoại giao hàng đầu của Bắc Kinh hôm 24/5 đã chỉ trích Mỹ truyền bá những lời dối trá và công kích Trung Quốc.
Ngoại trưởng Trung Quốc vừa lên tiếng cáo buộc Hoa Kỳ là tung “các thuyết âm mưu và những lời dối trá” về virus corona, làm căng thêm mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Nước Mỹ đã bị lây nhiễm một “loại virus chính trị” khiến một số chính trị gia liên tục tấn công Trung Quốc, ông Vương Nghị nói với các phóng viên hôm Chủ Nhật.
Ông thúc giục Hoa Kỳ hãy “chấm dứt việc lãng phí thời gian và chấm dứt việc phung phí sinh mạng quý giá” trong việc đối phó với dịch bệnh Covid-19.
Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã leo thang trong lúc virus lây lan mạnh.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người sắp đối diện với kỳ tái tranh cử trong năm nay và đã bị chỉ trích nặng nề về cách xử lý đại dịch, đã đổ lỗi cho Trung Quốc là che giấu dịch bệnh.
Tuy nhiên, vào hôm Chủ Nhật, ông Vương Nghị lặp lại quan điểm của Trung Quốc rằng nước này đã hành động có trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe dân chúng toàn cầu kể từ khi virus bắt đầu xuất hiện, hồi tháng 12 năm ngoái.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường niên được tổ chức trong thời gian họp Quốc hội Trung Quốc, ông Vương nói rằng “một số thế lực chính trị tại Hoa Kỳ đang bắt quan hệ Trung-Mỹ làm con tin“.
Ông không nói cụ thể đó là gì, nhưng nói các thế lực đó “đang đẩy hai nước chúng ta vào bờ vực của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới“.
“Bên cạnh sự tàn phá tan hoang mà virus corona chủng mới gây ra thì còn có một loại virus chính trị mới đang lây lan khắp nước Mỹ,” ông nói tiếp.
“Thứ virus chính trị này chính là việc dùng mọi cơ hội để tấn công và bôi nhọ Trung Quốc,” ông nói. “Một số chính trị gia đã hoàn toàn bỏ qua những thực tế căn bản và đã thêu dệt quá nhiều những lời dối trá nhắm vào Trung Quốc, và đã đưa ra quá nhiều thuyết âm mưu.”
Tuy nhiên, ông kêu gọi Washington và Bắc Kinh hãy hợp tác để đối phó dịch bệnh.
Những khó khăn kinh tế của Trung Quốc tồi tệ đến mức nào?
“Cả hai chúng ta đều mang một trọng trách đối với hòa bình và sự phát triển của thế giới,” ông nói. “Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ có lợi nếu hợp tác với nhau nhưng sẽ thua thiệt nếu đối đầu.”
Tổng thống Trump và Bắc Kinh đã liên tục đấu khẩu trong những tuần gần đây quanh nhiều chủ đề, từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho đến khả năng kiện Trung Quốc, cho đến việc cáo buộc Trung Quốc che giấu bệnh dịch.
Hôm Chủ Nhật, ông Vương nói rằng việc cho là Mỹ có thể đem Trung Quốc ra kiện quả là “nằm mơ giữa ban ngày” và chưa từng có bất kỳ tiền lệ nào về việc này.
Ông cũng bảo vệ WHO và tổng giám đốc của tổ chức này, Tedros Adhanom Ghebreyesus, người gần đây đã bị Mỹ chỉ trích nặng nề.
Hồi tuần trước, ông Trump cáo buộc WHO là “con rối của Trung Quốc” và là kẻ đã để cho Covid-19 trở nên “mất kiểm soát” với cái giá phải trả là “nhiều sinh mạng“.
Bên cạnh Covid-19, ông Vương Nghị cũng cáo buộc Hoa Kỳ đang can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, và nói Bắc Kinh không bao giờ dung thứ cho sự can thiệp của nước ngoài.
Ông nhắc tới Hoa Kỳ khi tuyên bố Trung Quốc sẽ cho ra luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, nơi các cuộc biểu tình chống chính phủ đang tiếp diễn.
Ngoại trưởng Trung Quốc cũng nói về điều ông gọi là các hành động bạo lực và khủng bố đang leo thang ở Hong Kong, với sự can thiệp bất hợp pháp của nước ngoài gây, ra mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Chính quyền Mỹ sẽ đưa 33 công ty và tổ chức của Trung Quốc vào danh sách trừng phạt, vì đã giúp Bắc Kinh theo dõi người Duy Ngô Nhĩ hoặc có liên quan các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Theo Hãng tin Reuters, Bộ Thương Mại Mỹ phát đi thông báo này ngày 22-5, động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhắm tới các công ty mà Washington cáo buộc sản phẩm của họ đã hỗ trợ các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ của quân đội Trung Quốc.
Washington tung ra động thái mới trong bối cảnh Quốc hội Trung Quốc đang bàn và chuẩn bị thông qua một dự thảo nghị quyết, sẽ cho phép chính quyền trung ương áp đặt luật an ninh quốc gia lên đặc khu hành chính Hong Kong.
Bảy công ty và hai tổ chức bị Mỹ liệt kê vì các tội vi phạm nhân quyền, bắt giữ hàng loạt, lao động bắt buộc… với người Duy Ngô Nhĩ, một cộng đồng người Hồi giáo ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc.
Thông cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng liệt kê thêm 24 công ty, tổ chức chính phủ và các tổ chức thương mại khác vào danh sách trừng phạt vì đã mua các loại thiết bị, vũ khí để quân đội Trung Quốc sử dụng trong các hoạt động trấn áp người Duy Ngô Nhĩ.
Các công ty Trung Quốc bị liệt vào danh sách đen của Mỹ tập trung vào các mảng trí tuệ nhân tạo và nhận diện, cũng là những lĩnh vực mà các công ty sản xuất chip của Mỹ như Nvidia và Intel đầu tư rất mạnh.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết họ sẽ đưa các công ty và tổ chức này vào “danh sách thực thể“, tức nhóm những đối tượng sẽ bị hạn chế mua hàng của Mỹ cũng như một số mặt hàng hạn chế khác được sản xuất tại nước ngoài bằng công nghệ Mỹ.
Dự thảo luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đối với Hong Kong có thể dẫn tới các biện pháp trừng phạt của Mỹ và đe dọa vị thế trung tâm tài chính của thành phố này, Cố vấn An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Robert O’Brien, tuyên bố hôm 24/5.
“Với luật an ninh mạng này, về cơ bản, dường như họ sẽ chiếm Hong Kong và nếu họ làm vậy, Ngoại trưởng Pompeo nhiều khả năng sẽ không thể xác nhận rằng Hong Kong duy trì cấp độ tự trị cao và nếu điều đó xảy ra, sẽ có các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Hong Kong và Trung Quốc”, ông O’Brien nói trên chương trình “Meet the Press” của kênh NBC.
Cùng ngày ông O’Brien phát đi cảnh báo như vậy, cảnh sát Hong Kong đã dùng vòi rồng và hơi cay để giải tán hàng nghìn người tuần hành phản đối Bắc Kinh có kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia đối với thành phố này.
Theo Reuters, việc dân chúng xuống đường bất chấp lệnh cấm tụ tập hơn 8 người vì virus Corona là một thách thức nữa cho Bắc Kinh khi chính quyền này chật vật khống chế sự phản đối của công chúng đối với việc tăng cường kiểm soát Hong Kong.
Luật an ninh cũng gây lo ngại trên thị trường tài chính và vấp phải sự chỉ trích của chính phủ các nước cũng như các tổ chức nhân quyền.
Gần 200 nhân vật chính trị từ khắp nơi trên thế giới ngày thứ Bảy lên án luật an ninh quốc gia của Bắc Kinh cho Hong Kong, trong đó bao gồm 17 thành viên Quốc hội Hoa Kỳ, vào lúc căng thẳng quốc tế gia tăng về đề xuất thành lập các căn cứ tình báo của chính phủ Trung Quốc ở Hong Kong.
Trong một tuyên bố chung do cựu Thống đốc Hong Kong Christopher Patten và cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind tổ chức, 186 nhà lãnh đạo trong lĩnh vực luật pháp và chính sách nói các luật được đề xuất là một “cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị, nền pháp trị và các quyền tự do căn bản của thành phố” và là “sự vi phạm trắng trợn” Tuyên bố Chung Trung-Anh trao trả lại Hong Kong cho Trung Quốc cai trị vào năm 1997.
“Nếu cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng Bắc Kinh sẽ giữ lời khi nói về Hong Kong, mọi người sẽ ngần ngại tin lời Bắc Kinh về những vấn đề khác,” họ viết.
Luật này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh xấu đi, với việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch virus corona.
Các quan chức Mỹ nói rằng luật này của Trung Quốc sẽ bất lợi cho cả nền kinh tế của Hong Kong và Trung Quốc và có thể gây nguy hại cho tư cách đặc biệt của lãnh thổ này trong luật pháp của Mỹ. Dù vậy, Trung Quốc đã bác bỏ chỉ trích của các nước khác là can thiệp vào chuyện nội bộ.
Một số nghị sĩ Cộng hòa đồng đảng của ông Trump – Thượng nghị sĩ Marco Rubio, quyền chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, và Thượng nghị sĩ Ted Cruz – kí tên vào tuyên bố. Những người kí bên Đảng Dân chủ bao gồm Dân biểu Eliot Engel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, và Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Đặc tuyển Thường trực của Hạ viện Mỹ.
Bốn mươi bốn thành viên của Hạ nghị viện và tám thành viên của Thượng nghị viện Anh cũng kí tuyên bố này, bên cạnh các nhân vật từ khắp Châu Âu, Châu Á, Úc và Bắc Mỹ.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)