Đảng Cộng sản Trung Quốc hô hào sản xuất 1000 đầu đạn hạt nhân để đối phó Mỹ

https://www.youtube.com/watch?v=ULNFTPskSis

Trong bối cảnh căng thẳng kinh tế Mỹ – Trung chưa được giải quyết mà căng thẳng quân sự, ngoại giao lại gia tăng, nhiều tiếng nói từ giới chuyên gia quân sự Trung Quốc thúc giục nước này cần phải phát triển mạnh bộ ba vũ khí răn đe hạt nhân, tăng số lượng đầu đạn hạt nhân lên đến 1.000, đủ để đối phó với Mỹ.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Đảng Cộng sảng Trung Quốc ngày 08/5 đăng bài của Tổng biên tập Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) cho rằng Trung Quốc cần tăng số đầu đạn hạt nhân lên 1.000 vũ khí trong thời gian khá ngắn giữa lúc Bắc Kinh đối mặt với sức ép chưa từng có từ Mỹ và cần ít nhất 100 tên lửa chiến lược Đông Phong 41 (Dongfeng-41) (DF-41).

Ông Hồ Tích Tiến khẳng định Trung Quốc “là một nước yêu hòa bình và cam kết không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân trước nhưng cần vũ khí hạt nhân lớn hơn để cắt giảm tham vọng chiến lược và tác động của Mỹ đối với Trung Quốc”.

Bài viết cho rằng Trung Quốc có thể sẽ phải đối đầu với các thách thức bằng sự quyết tâm mạnh mẽ hơn trong tương lai gần với sự hỗ trợ của các tên lửa Dongfeng và Julang.

Đừng cho rằng các đầu đạn hạt nhân là vô dụng. Thực ra, chúng đang được sử dụng hằng ngày để răn đe thái độ của giới chức Mỹ đối với Trung Quốc. Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng chúng ta không cần thêm vũ khí hạt nhân, tôi cho rằng họ ngây thơ như trẻ con”, ông Hồ Tích Tiến viết, nhưng không nói rõ về số đầu đạn hạt nhân nước này hiện sở hữu.

Tuy nhiên, Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ năm 2015 ước tính rằng Trung Quốc có 260 vũ khí hạt nhân và đến thời điểm này con số đó có thể lên đến khoảng gần 300 đầu đạn hạt nhân. Nếu đúng là Trung Quốc sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân như ước tính của Mỹ thì Tổng biên tập Hoàn Cầu Thời Báo đã kêu gọi tăng lên gấp gần 4 lần số lượng hiện có.

Tác giả thừa nhận có thể bị một số người gọi là “kẻ hiếu chiến” vì muốn có thêm đầu đạn hạt nhân nhưng cho rằng tên gọi này nên được gán cho các chính trị gia Mỹ công khai phản đối Trung Quốc.

Ông Hồ Tích Tiến nói: “Sự chung sống hòa bình giữa hai nước không phải là điều có thể cầu xin là có được. Nó được hình thành bởi các công cụ chiến lược. Điều này đặc biệt đúng khi chúng ta đang đối mặt với một nước Mỹ ngày càng phi lý, chỉ tin vào sức mạnh. Chúng ta không có nhiều thời gian để tranh luận về sự cần thiết của việc tăng cường đầu đạn hạt nhân, chúng ta chỉ cần đẩy nhanh các bước đi làm cho điều đó xảy ra.”

Ảnh: Tên lửa Dongfeng-41 (DF-41) của Trung Quốc trong cuộc diễu hành ngày 01/10/2019

Tiếp sau đó, Global Times, ấn bản Anh ngữ của Hoàn Cầu Thời Báo, dẫn lời nhiều chuyên gia quân sự Trung Quốc, nhấn mạnh là Bắc Kinh cần cấp tốc phát triển oanh tạc cơ chiến lược H-20, tên lửa đạn đạo bắn từ tầu ngầm JL-3 và hỏa tiễn liên lục địa DF-41, các vũ khí nằm trong bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược mang tính răn đe của Trung Quốc.

Hỏa tiễn liên lục địa DF-41 có tầm bắn 12.000 đến 15.000 km, đủ sức tấn công lãnh thổ Hoa Kỳ. Tên lửa DF-41 lần đầu tiên được Trung Quốc phô trương trong cuộc duyệt binh tháng 10 năm ngoái 2019.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo, hệ thống vũ khí hạt nhân răn đe của Trung Quốc « phải đủ mạnh, để ngăn chặn mưa toan gây hấn quân sự chống lại Trung Quốc », từ phía nước Mỹ.

Ông Tống Trọng Bình (Shong Zhongping), chuyên gia quân sự và một nhà bình luận truyền hình cho rằng Washington liên tục gây áp lực và đe dọa Trung Quốc trong mọi lĩnh vực, và Hoa Kỳ không coi vũ khí hạt nhân như là một phương tiện răn đe, mà có thể sử dụng tấn công phủ đầu, đây là lý do khiến Bắc Kinh cần mở rộng hệ thống vũ khí hạt nhân.

Một báo cáo nội bộ của Trung Quốc cảnh báo rằng Bắc Kinh đối mặt với làn sóng thù địch ngày càng tăng trên thế giới thời hậu COVID-19 và có nguy cơ nổ ra xung đột quân sự với Mỹ, hãng tin Reuters hồi đầu tuần dẫn các nguồn thạo tin cho biết.

Cụ thể, theo Reuters, Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc hồi tháng 4 đã chuyển tới Chủ tịch Tập Cận Bình của nước này một bản báo cáo, trong đó kết luận làn sóng chống Trung Quốc trên toàn cầu đang ở mức cao nhất sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989.

Vì thế, Trung Quốc đang đối mặt với làn sóng phản đối do Mỹ dẫn đầu kể từ sau đại dịch COVID-19 và cần chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất là nổ ra một cuộc xung đột quân sự với Mỹ.

Báo cáo kết luận Mỹ xem sự trỗi dậy của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia và kinh tế cũng như là thách thức cho nền dân chủ phương Tây, theo Reuters.

Bản báo cáo do Viện Quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc (CICIR) soạn thảo. CICIR là viện chính sách có liên kết với Bộ An ninh nhà nước Trung Quốc – cơ quan tình báo hàng đầu của nước này.

Thông điệp của Hoàn Cầu Thời Báo được đưa ra cũng vào thời điểm Hoa Kỳ đang gia tăng áp lực tại Biển Đông và Biển Hoa Đông trong những tháng gần đây nhắm cảnh báo các tham vọng trên biển của Trung Quốc, đang đe dọa nhiều quốc gia ven biển.

Mới đây nhất, hôm 08/5/2020, hai tàu chiến của Hải Quân Hoa Kỳ áp sát khu vực West Capella, trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nơi hoạt động thăm dò của công ty dầu Malaysia đang bị tuần duyên Trung Quốc đe dọa. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Hải Quân Mỹ đưa tàu hỗ trợ Kuala Lumpur.

Theo trang tin của Viện Hải Quân Mỹ (USNI), chiến hạm USS Montgomery (LCS-8) và tàu vận tải USNS Cesar Chavez (T-AKE-14) đã hiện diện gần khu vực dàn khoan của tập đoàn dẩu lửa Malaysia Petronas, để tiến hành hoạt động bảo vệ tự do hàng hải và an ninh trên biển.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 08/5, chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương, đô đốc John Aquilino, nhấn mạnh là sự hiện diện của Hải Quân Mỹ nhằm « bảo đảm trật tự dựa trên luật pháp quốc tế tại  khu vực Biển Đông ».

Chỉ huy hải quân Mỹ cũng kêu gọi đích danh « Đảng Cộng Sản Trung Quốc… chấm dứt các hành động hù dọa các quốc gia Đông Nam Á, ngăn cản các nước này trong các hoạt động khai thác dầu khí và hải sản ».

Hiện tại Hoa Kỳ đang hỗ trợ chính quyền Malaysia tăng cường khả năng kiểm soát trên biển. Washington vừa viện trợ 12 hệ thống ScanEagle UAS cho phép Malaysia chuyển đổi một số máy bay vận tải quân sự thành phi cơ tuần thám trên biển.

Hơn nữa, Hoa Kỳ cũng đang ráo riết kiềm chế Trung Quốc chạy đua vũ khí hạt nhân trong những năm trở lại đây.

Năm ngoái, Washington quyết định rút khỏi Hiệp định song phương về tên lửa tầm trung (INF), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, với Nga, nhằm gây áp lực buộc Bắc Kinh tham gia vào một thỏa ước tên lửa hạt nhân mới.

Tổng thống Trump hồi năm 2019 đề xuất Mỹ, Nga và Trung Quốc đàm phán một hiệp ước mới để thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân New START năm 2010.

New START quy định Nga và Mỹ phải cắt giảm số đầu đạn hạt nhân và số tên lửa đạn đạo phóng từ trên không, trên bộ lẫn từ tàu ngầm. Hiệp ước dự kiến hết hiệu lực vào tháng 02/2021 nếu các bên không gia hạn thêm 5 năm.

Phía Nga tuyên bố sẵn sàng gia hạn hiệp ước nhưng Mỹ nêu điều kiện là phải thêm Trung Quốc.

Đây là điều mà Bắc Kinh khăng khăng cự tuyệt cho đến nay.

Hôm thứ Năm 08/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc điện đàm với nguyên thủ Nga Vladimir Putin, với chủ đề chính là dịch bệnh COVID-19, đã một lần nữa nhắc lại với đồng nhiệm Nga, là nên đưa Bắc Kinh vào các đàm phán về một thỏa thuận tên lửa hạt nhân mới, giữa ba nước, nhằm tránh « một cuộc chạy đua vũ trang tốn kém ».

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 17/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu các cuộc đối thoại trong tương lai về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân phải dựa trên đề xuất của Tổng thống Donald Trump về một hiệp ước 3 bên trong đó có Mỹ, Nga và cả Trung Quốc, theo Reuters.

Theo các nhà quan sát, nếu START-3 không được gia hạn thì sẽ dẫn đến cuộc chạy đua hạt nhân giữa Mỹ với Nga và cả Trung Quốc. Mỹ và Nga đang sở hữu hơn 90% đầu đạn hạt nhân của thế giới, theo số liệu từ Hiệp hội Kiểm soát vũ khí. Cụ thể, Mỹ sở hữu khoảng 6.185 đầu đạn hạt nhân và Nga có 6.490 đầu đạn trong kho vũ khí. Tiếp đó là Pháp với 300 đầu đạn hạt nhân và Trung Quốc là khoảng 290.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã khẳng định lực lượng hạt nhân Trung Quốc nhỏ hơn nhiều so với Nga, Mỹ nên không cần phải tham gia đàm phán với hai nước này, theo Tân Hoa xã.

Chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối đề xuất của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc tham gia đàm phán hiệp ước kiểm soát vũ khí với lý lực lượng hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích phòng thủ và không gây ra mối đe dọa nào.

Trung Quốc đang ráo riết xây dựng lực lượng hạt nhân với tên lửa tầm xa có thể mang nhiều đầu đạn, tàu ngầm mang tên lửa và máy bay ném bom chiến lược. Bắc Kinh không muốn tham gia bất kỳ thỏa thuận nào do lo ngại sẽ phơi bày kho vũ khí hạt nhân, theo các nhà phân tích.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Tống Trọng Bình, Bắc Kinh sẽ chỉ tham gia vào một hiệp ước tên lửa với Mỹ chừng nào Trung Quốc có đủ số vũ khí ngang bằng với Mỹ.

Trong một báo cáo hồi trung tuần tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Mỹ bày tỏ lo ngại trước những hoạt động tại khu thử nghiệm La Bố Bạc ở khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc trong năm 2019, theo Reuters.

Trung Quốc có thể chuẩn bị để vận hành khu thử nghiệm quanh năm, sử dụng buồng thử nghiệm nổ và thiếu minh bạch trong các hoạt động thử nghiệm hạt nhân“, báo cáo lưu ý, nhưng không nêu bằng chứng cụ thể về cuộc thử nghiệm hạt nhân cấp độ thấp.

Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời bày tỏ lo ngại Trung Quốc không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế “zero yield”, tức thử hạt nhân không có phản ứng nổ dây chuyền.

Tiêu chuẩn này là một phần trong Hiệp ước Cấm thử nghiệm Hạt nhân Toàn diện (CTBT) 1996. Đến nay, CTBT 1996 vẫn chưa có hiệu lực vì có 8 quốc gia ký kết nhưng chưa phê chuẩn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc , theo Reuters. Dù vậy, Trung Quốc và Mỹ đã tuyên bố tuân thủ các điều khoản đã ký kết.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Trung Quốc thiếu minh bạch, bao gồm ngăn chặn các trạm cảm biến truyền dữ liệu đến hệ thống giám sát được vận hành bởi Tổ chức Hiệp ước Cấm thử Hạt nhân Toàn diện (CTBTO).

Nguy cơ về một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới lại đang cận kề hơn bao giờ hết trước những tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy quốc gia này phát triển vũ khí hạt nhân trong bối cảnh Hoa Kỳ đang không ngần ngại phô diễn sức mạnh quân sự để bảo vệ tự do hàng hải và an ninh trên Điển Đông đáp trả các hành động phi pháp của Trung Quốc khi nước này đe dọa các quốc gia Đông Nam Á, ngăn cản các nước này trong các hoạt động khai thác dầu khí và hải sản hợp pháp của họ mà trong đó Việt Nam là một nạn nhân.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=EVxZW32Yamk
TQ ép mạnh – VN cho Mỹ thuê Vịnh Cam Ranh?