Đài Loan tố cáo Trung Quốc thao túng Tổ chức Y tế thế giới

https://www.youtube.com/watch?v=4wuoYuCqHqE

Trước cáo buộc của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO ông Tedros Adhanom Ghebreyesus về việc chính quyền Đài Loan khuyến khích cá nhân công kích, chống lại ông trên mạng, chính phủ Đài Loan đã lên tiếng phản đối kịch liệt, bác bỏ chỉ trích vô căn cứ của Tổng Giám đốc WHO đồng thời yêu cầu ông này phải xin lỗi.

Tại trụ sở của WHO ở Genève, Tổng giám đốc WHO cho biết ông bị “tấn công phân biệt chủng tộc trên mạng”.

>>> (Ảnh: Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại một buổi họp báo trực tuyến từ trụ sở của WHO ở thành phố Genève, Thụy Sĩ)

Trong buổi họp báo trực tuyến ngày 8/4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi thế giới đoàn kết chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích cơ quan này quá thân thiết với Trung Quốc và đe dọa cắt giảm tài trợ.

Ông Tedros cho biết kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát từ Trung Quốc đại lục cuối năm ngoái, ông đã phải chịu đựng những cuộc công kích cá nhân, bao gồm cả lời chỉ trích mang tính phân biệt chủng tộc.

Ông Tedros tránh nêu đích danh Tổng thống Trump nhưng lại nhắc đến chính quyền Đài Loan.

Ông Tedros nói: “Ba tháng trước, cuộc công kích cá nhân bắt đầu từ Đài Loan. Cơ quan ngoại giao của Đài Loan biết chiến dịch này, nhưng họ đã không công khai lên án. Họ thậm chí còn chỉ trích tôi giữa những nhục mạ và bôi nhọ đó nữa, nhưng tôi không quan tâm.

Vụ việc tranh cãi liên quan đến cáo buộc “bị tấn công mạng” của Tổng giám đốc WHO có liên đới đến Trung Quốc.

Tuần trước, chính phủ Trung Quốc lên tiếng bảo vệ ông Tedros và cho rằng “đội quân mạng mang màu xanh của Dân Tiến Đảng đang cầm quyền ở Đài Loan đứng đằng sau các bình luận phân biệt chủng tộc, độc như rắn nhắm vào ông”, theo trang The Independent ở Anh.

Ông Tedros Ghebreyesus nói trong mấy tháng liền ông bị “công kích phân biệt chủng tộc trên mạng, từ Đài Loan”, thậm chí “bị dọa giết”.

Trung Quốc cáo buộc Đài Loan dùng câu chuyện về dịch viêm phổi Vũ Hán để “thúc đẩy nghị trình độc lập”.

Phát biểu của ông Tedros châm ngòi phản ứng gay gắt từ chính quyền Đài Loan.

Ảnh: Bà Joanne Ou (Âu Giang An) người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan

AFP đưa tin trong buổi họp báo ngày 9/4, bà Joanne Ou (Âu Giang An) người phát ngôn cơ quan ngoại giao Đài Loan, khẳng định: “Chúng tôi chưa bao giờ khuyến khích công chúng công kích cá nhân chống lại ông Tedros hoặc đưa ra bất kỳ bình luận phân biệt chủng tộc nào.”

Đồng thời, bà Ou nói: “Chính quyền Đài Loan yêu cầu ông Tedros ngay lập tức giải thích và xin lỗi về hành động vu khống vô trách nhiệm như thế này.”

Bộ Ngoại giao Đài Loan, trả lời câu hỏi của BBC News, đã cho rằng họ không hề tìm thấy các bình luận mang tính phân biệt chủng tộc nhắm vào ông Tedros (người Ethiopia) trong các chatroom ở Đài Loan.

Họ cũng nói rằng có “các công dân mạng Trung Quốc giả làm người Đài Loan vào các trang đó để xin lỗi ông Tedros”.

Trước đó, chính quyền Đài Loan nói họ tin rằng cách viết Trung văn giản thể mà những người tấn công ông Tedros sử dụng là ngôn ngữ phổ biến ở Trung Quốc cộng sản.

Các câu chữ cũng lặp đi lặp lại giống nhau, cho thấy đây là một dạng “dư luận viên” do Bắc Kinh chỉ đạo chứ không phải người dân Đài Loan, theo các báo quốc tế.

Nay, theo Bộ Ngoại giao Đài Loan thì các cáo buộc của ông Tedros là “thiếu trách nhiệm vì ông ta không nêu ra bằng chứng gì về việc ông bị tấn công trên mạng từ những cá nhân liên quan đến chính phủ Đài Loan”.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn ngay lập tức bày tỏ sự không đồng tình trước cáo buộc của Tổng giám đốc WHO trên mạng xã hội.

Ảnh: Ảnh chụp bài viết đăng trên facebook của bà Thái Anh Văn

Trên trang facebook của mình, bà Thái Anh Văn viết:

Tôi phản đối mạnh mẽ những cáo buộc ngày hôm nay rằng Đài Loan đang xúi giục các cuộc tấn công phân biệt chủng tộc trong cộng đồng quốc tế. Đài Loan luôn phản đối mọi hình thức phân biệt đối xử. Trong nhiều năm, chúng tôi đã bị loại khỏi các tổ chức quốc tế và chúng tôi hiểu rõ hơn bất kỳ ai khác cảm giác bị phân biệt đối xử và bị cô lập.

Tôi muốn nhân cơ hội này để mời Tổng giám đốc Tedros đến thăm Đài Loan và tự mình trải nghiệm việc người dân Đài Loan cam kết và đóng góp cho thế giới như thế nào, ngay cả khi đang đối mặt với sự phân biệt đối xử và cô lập.

Nhân viên y tế và tình nguyện viên Đài Loan có mặt trên khắp thế giới. Người Đài Loan không phân biệt màu da hay ngôn ngữ; tất cả chúng ta là anh chị em bằng hữu. Chúng tôi chưa bao giờ để việc không thể tham gia các tổ chức quốc tế làm giảm bớt sự hỗ trợ của chúng tôi cho cộng đồng quốc tế.

Đài Loan đã đổ tất cả những nỗ lực của mình vào việc ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, và những thành tựu của chúng tôi đã được ghi nhận từ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù bị loại khỏi WHO do sự thao túng chính trị, chúng tôi đã gánh vác trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của cộng đồng quốc tế và chủ động quyên góp mặt nạ và các vật dụng khác cho nhân viên y tế ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch coronavirus.

Đài Loan có thể giúp đỡ và tinh thần của Đài Loan là: Giúp đỡ không phân biệt quốc tịch hay chủng tộc.

Đài Loan tôn trọng các giá trị của tự do, dân chủ, tính đa dạng và lòng khoan dung. Chúng tôi không tha thứ cho việc sử dụng các nhận xét phân biệt chủng tộc để tấn công những người có ý kiến ​​khác nhau. Nếu Tổng giám đốc Tedros có thể chịu được áp lực từ Trung Quốc và đến Đài Loan để chứng kiến ​​những nỗ lực tự thân của Đài Loan chiến đấu với COVID-19, ông sẽ có thể thấy rằng người dân Đài Loan là nạn nhân thực sự của sự đối xử bất công. Tôi tin rằng WHO sẽ chỉ thực sự hoàn thiện khi Đài Loan là một thành viên ở đó.

Đài Loan vẫn tham gia các Đại hội đồng của WHO từ năm 1947, khi tổ chức này ra đời, cho đến năm 1970, khi chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc của Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) rơi vào tay Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Từ đó đến nay, Bắc Kinh trở thành đại diện duy nhất của Trung Quốc trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

Trong nhiều năm, chính phủ Đài Bắc đã đòi được dự Đại hội đồng WHO với tư cách quan sát viên, nhưng yêu cầu này vẫn bị bác bỏ do áp lực của Bắc Kinh.

Đến năm 2008, khi ở Đài Bắc có một chính phủ thân Bắc Kinh, Đài Loan mới được dự họp với danh xưng “Đài Bắc Trung Quốc”.

Nhưng khi bà Thái Anh Văn, một chính khách theo xu hướng độc lập, đắc cử tổng thống năm 2016, Bắc Kinh đã quay trở lại chính sách ban đầu: loại trừ hoàn toàn Đài Loan khỏi WHO.

Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và khẳng định hòn đảo không có quyền tham gia các cơ quan quốc tế. Đài Loan cho rằng chính việc này đã tước đi cơ hội truyền đạt thông tin kịp thời để chống virus và cáo buộc WHO phớt lờ cảnh báo sớm của hòn đảo trong đại dịch.

WHO ngày 12/1 cho biết không có bằng chứng rõ ràng về sự lây nhiễm từ người sang người. Ngày 20/1, Trung Quốc lại xác nhận nCoV có thể lây từ người sang người. Tuy nhiên, Đài Loan nghi ngờ thông tin từ Trung Quốc đại lục là không chính xác nên đã sàng lọc những người đến từ Vũ Hán từ ngày 31/12. Đài Loan cũng lập trung tâm hành động khẩn cấp vào ngày 2/1, động thái được giới chuyên gia đánh giá là đã giúp hòn đảo kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh. 

Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 24/03/2020 vừa qua đã khẳng định rằng họ đã cảnh báo WHO về tính chất lây lan từ người sang người của dịch viêm phổi Vũ Hán ngay từ tháng 12 năm ngoái 2019. Thế nhưng phải chờ mãi đến ngày 20/01/2020 thì tổ chức này mới công nhận nguy cơ lây nhiễm này, tức là muộn hơn 21 ngày.

Cuộc đấu khẩu diễn ra một cách quyết liệt giữa WHO và Đài Loan thời gian gần đây.

Tháng trước Đài Loan nói rằng họ không nhận được phản hồi từ WHO về email gửi ngày 31/12/2019 về dịch bệnh ở Vũ Hán, trong đó gồm câu hỏi liệu virus có thể lây từ người sang người hay không.

Mới đây, WHO cho biết email họ nhận được không đề cập việc virus lây từ người sang người. Đài Loan ngay lập tức công bố nội dung email mà vùng lãnh thổ này gửi cho WHO vào ngày cuối cùng của năm 2019.

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Đài Loan Chen Shih-chung trong họp báo ngày 11/4 ở Đài Bắc đã đọc to email mà Đài Loan gửi WHO ngày 31/12/2019: “Các nguồn tin hôm nay chỉ ra rằng ít nhất 9 ca viêm phổi lạ được báo cáo ở Vũ Hán… Các cơ quan y tế ở Vũ Hán trả lời truyền thông rằng 9 trường hợp này được tin là không phải SARS (hội chứng hô hấp cấp tính nặng), tuy nhiên đang kiểm tra các mẫu và các ca nhiễm đã được cách ly để điều trị… Tôi rất cảm kích nếu các ngài có thông tin liên quan để chia sẻ với chúng tôi.”

Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Đài Loan khẳng định cụm từ “viêm phổi lạ” rõ ràng cho thấy nó có khả năng lây từ người sang người. Tuy nhiên, vì vào thời điểm đó Đài Loan chưa ghi nhận bất cứ ca nhiễm nào nên giới chức không thể đưa ra kết luận về sự lây nhiễm này.

Ông Chen phản bác tuyên bố của WHO, ông nói rằng bất kỳ chuyên gia y tế nào cũng biết tính chất lây lan của các trường hợp cần cách ly và cho rằng WHO đang chơi chữ. Ông đặt câu hỏi: “Nếu được điều trị cách ly không phải là cảnh báo thì là gì?”

Viêm phổi Vũ Hán thực sự đã đẩy hòn đảo này vào những khó khăn nhất định khi vừa không thể nhận được thông tin kịp thời từ WHO phục vụ công tác phòng chống dịch do không phải là thành viên của WHO đồng thời lại bị nhiều quốc gia cấm cửa do bị xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

Đài Loan đã phản ứng rất nhanh chóng và hiệu quả trước dịch viêm phổi Vũ Hán, song, chính phủ Đài Bắc đã lên tiếng là họ không thể nhận được thông tin kịp thời từ WHO, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đã cung cấp cho WHO những thông tin sai lạc về tình hình dịch bệnh ở Đài Loan.

Trung Quốc và WHO thì khẳng định là họ vẫn cung cấp cho Đài Loan những thông tin cập nhật về diễn tiến của dịch bệnh và cho biết là liên lạc với hòn đảo vẫn diễn ra êm xuôi.

Trên thực tế, ngay khi lúc dịch bệnh đang đe dọa cả thế giới, mối hiềm khích giữa Bắc Kinh và Đài Bắc vẫn không suy giảm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng cô lập Đài Loan về ngoại giao.

Đầu tháng 2 vừa qua, các chuyên gia y tế của Đài Loan đã được dự một cuộc họp của WHO trên mạng, cho dù hòn đảo này không phải là thành viên. Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc thì chuyên gia Đài Loan được dự cuộc họp này chính là do Bắc Kinh cho phép. Nhưng hôm nay, 12/02/2020, Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định sự tham gia của chuyên gia Đài Loan là kết quả dàn xếp trực tiếp giữa Đài Bắc với WHO, chứ không cần sự cho phép của Trung Quốc.

Chỉ có điều, để tránh những tranh cãi chính trị, các chuyên gia Đài Loan tham gia cuộc họp nói trên với tư cách cá nhân và khi tham gia các diễn đàn trên mạng, họ không nêu quốc tịch của mình.

Một khó khăn khác mà Đài Loan đang gặp phải trong đại dịch đó là hòn đảo này bị “vạ lây”, do bị xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Nhiều quốc gia như Philippines, Bangladesh, Mông Cổ, Ý… đã cấm cửa du khách Đài Loan hay cấm các chuyến bay của các hãng hàng không Đài Loan khi đồng nhất Đài Loan với Trung Quốc.

Đứng trước muôn vàn khó khăn từ thế cô lập trên trường quốc tế thế nhưng lãnh thổ duy nhất có dịch mà lại không phải là thành viên của WHO đã trở thành một trong những nơi chống dịch viêm phổi Vũ Hán tốt hàng đầu thế giới.

Có lẽ thông qua kết quả này, Đài Loan trở thành một mô hình ‘thoát Trung’ thành công nhất mà nhiều nơi cần phải học hỏi.

Cuộc đấu tranh đòi công bằng với WHO, tổ chức quốc tế có lẽ đã bị Trung Quốc thao túng sẽ còn rất nhiều gian nan phía trước và kết quả còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng những nỗ lực kiên cường từ hòn đảo này luôn được cộng đồng thế giới ghi nhận và nể phục, qua đây nhà cầm quyền tại Hà Nội cũng nên học tập để tự hoàn thiện mình và dũng cảm bước ra khỏi cái bóng của Trung Quốc.

Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=pdNimaeYUZg
Trung Quốc thao túng WHO – Mỹ thẳng tay cắt tiền