Cuộc đua tìm thuốc trị viêm phổi Vũ Hán: thuốc sốt rét chưa phải là thần dược?

https://www.youtube.com/watch?v=VUxYsKe1nTQ

Việc Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ FDA ngày 29/3 cho phép sử dụng trong ngắn hạn hai thứ thuốc – hydroxychloroquine và chloroquine – để chữa viêm phổi Vũ Hán trong một vài trường hợp khẩn cấp một lần nữa lại làm dấy lên tranh cãi xung quanh hiệu quả của thuốc chữa bênh sốt rét này trong điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Hiện tại, Pháp và Mỹ đã cho phép sử dụng loại thuốc này trong bệnh viện, tuy với mức độ khác nhau.

Nếu Hoa Kỳ chỉ cho sử dụng hai loại thuốc chống sốt rét này để chữa trị cho các bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán là thiếu niên và người lớn trong bệnh viện một cách thích hợp, khi nào chưa có kết quả thử nghiệm lâm sàng chắc chắn.
Thì tại Pháp, theo khuyến cáo của Hội đồng Cao cấp về Y tế Công cộng, thuốc chloroquine hiện chỉ được dùng để điều trị trong bệnh viện và cho những ca bệnh nặng, chứ không được dùng cho những ca nhẹ hơn.
Trung Quốc là nước đầu tiên thử nghiệm dùng chloroquine/hydroxychloroquine điều trị viêm phổi Vũ Hán. Song các nghiên cứu chưa đủ độ tin cậy vì chỉ nghiên cứu trong ống nghiệm, hoặc dùng số bệnh nhân quá ít.
Trên thế giới, nhiều thử nghiệm lâm sàng thuốc hydroxychloroquine đang được triển khai ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Anh.

Tổng thống Donald Trump thúc đẩy việc cho phép sau khi giáo sư Pháp Didier Raoult, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm ở Marseille, ngày 27/3 công bố một công trình nghiên cứu mới về chloroquine xác nhận hiệu quả của loại thuốc chống sốt rét này trong việc điều trị viêm phổi Vũ Hán.

Ảnh : Giáo sư Didier Raoult – người đầu tiên thử nghiệm dùng thuốc hydroxychloroquine điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán ở Pháp 

Kết quả thử nghiệm lâm sàng đầu tiên về dùng thuốc hydroxychloroquine điều trị bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán ở Marseille được công bố như sau : Trong 26 bệnh nhân tham gia thử nghiệm có 6 người bỏ ngang. Ba nhóm thử nghiệm gồm nhóm 14 người dùng hydroxychloroquine (600mg/ngày), nhóm 6 người dùng hydroxychloroquine và azithromycine (thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng) và nhóm đối chứng 16 người không dùng hai loại thuốc trên. Sáu ngày sau, trong nhóm dùng hydroxychloroquine chỉ còn 30% mang virus, trong khi 87,5% nhóm đối chứng vẫn cho kết quả dương tính. Đối với nhóm uống 2 loại thuốc kết hợp, nồng độ virus giảm bằng 0. 
Đến ngày 27/3, nhóm nghiên cứu của GS Raoult tiếp tục công bố kết quả nghiên cứu thứ hai với 80 bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán được dùng hydroxychloroquine kết hợp với azithromycine. 
Kết quả có 78/80 bệnh nhân hồi phục (phần lớn ở thể nhẹ), 65/80 bệnh nhân (81,3%) hồi phục với kết quả tốt, xuất viện sau năm ngày điều trị. 15 bệnh nhân cần thở máy, trong đó 12 người được chữa khỏi. Trong 3 người còn lại phải vào phòng chăm sóc đặc biệt có 2 người được chữa khỏi. Một bệnh nhân 86 tuổi tử vong.
Lượng virus trong cơ thể giảm đáng kể, 83% sau bảy ngày và 93% sau tám ngày. Nhóm nghiên cứu kết luận sử dụng cùng lúc hydroxychloroquine và azithromycine có tác dụng hiệp đồng ức chế hoàn toàn hiện tượng virus nhân lên.

Vậy đâu là sự khác biệt giữa hydroxychloroquine và chloroquine?

Ảnh : Hydroxychloroquine (tên thương mại Plaquenil) là dẫn xuất của chloroquine)

Thuốc chloroquine (tên thương mại Nivaquine) được dùng để điều trị hoặc phòng ngừa bệnh sốt rét, đồng thời còn dùng để điều trị một số bệnh về hệ miễn dịch (như bệnh lupus ban đỏ hệ thống

Hydroxychloroquine (bán tại Pháp với tên thương mại Plaquenil) là một trong những dẫn xuất của chloroquine, được chỉ định điều trị bệnh sốt rét và các triệu chứng của bệnh như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ.
Cả hai đều là thuốc đời cũ do các nhà bào chế Đức phát triển.
Sau đó, Công ty Sanofi (Pháp) đã được cấp giấy phép kinh doanh Nivaquine năm 1998 và Plaquenil năm 2004.
Đây là hai loại thuốc riêng nhưng có phân tử tương tự nhau.
Hydroxychloroquine được chọn vì gây phản ứng phụ ít nghiêm trọng hơn. Đối với chloroquine, nếu sử dụng liều cao có thể gây ngộ độc.

Cách điều trị này nhận được 2 luồng quan điểm trái ngược nhau. Nhiều bác sĩ đồng tình với việc sử dụng thuốc sốt rét trong việc điều trị viêm phổi Vũ Hán.

Bác sĩ giải phẫu Jeff Colyer, nguyên Thống đốc Kansas, là người bênh vực việc thử thuốc này. Ông nói đây là một trong các thứ thuốc duy nhất có được và chứng tỏ có nhiều hứa hẹn. Tuy nhiên ông lưu ý đây không phải thuốc chữa lành tất cả và chỉ nên được bác sĩ áp dụng.
Ông nói : “Đây không phải là chuyện bạn đến tiệm thuốc mua và tự sử dụng vì bạn nghĩ là bạn bệnh”. “Điều quan trọng nhất là bạn và bác sĩ của bạn quyết định là thuốc này có thích hợp cho bạn không. Ngay lúc này thuốc đã khan hiếm trên toàn cầu. Và do đó thuốc thực sự cần dành cho những bệnh nhân.”
Bác sĩ Colyer tin sự cấp thiết của dịch bệnh đòi hỏi phải có hành động nhanh chóng và những biện pháp không chính thống. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận là hiệu quả của thuốc còn lâu mới chứng minh được.
Ông giải thích : “Chúng ta cần thêm dữ liệu và thêm nhiều chứng cứ trong việc này. Tôi là người đầu tiên đã thấy nhiều thứ thuốc trông có nhiều hứa hẹn và rồi hóa ra chúng không thành công”. “Đây là thứ thuốc chúng ta đang có. Do đó như tôi nói, ‘Bạn ra chiến trường với quân đội bạn có, chứ không phải với đội quân bạn ước muốn bạn có.’ Nhưng rồi bạn tiếp tục xây dựng.”

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học lại chỉ trích phương pháp nghiên cứu của ông Didier Raoult quá lỏng lẻo. Các chỉ trích ghi nhận có quá ít bệnh nhân tham gia thử nghiệm, trong đó một số lại bỏ nửa chừng, nghiên cứu chỉ quan sát nồng độ virus và không công bố dữ liệu thô cho giới khoa học tiếp cận, không có công bố chứng minh rõ rệt về tiên lượng, hiệu quả chữa bệnh và sống sót.

Lần nghiên cứu thứ nhất vấp phải nhiều nghi vấn. Vì sao mới thử nghiệm sáu ngày đã công bố kết quả? Nhóm dùng hai loại thuốc hydroxychloroquine và azithromycine chỉ có sáu bệnh nhân là quá ít. Vì sao độ tuổi nhóm đối chứng trẻ hơn (37,3 tuổi) trong khi nhóm bệnh nhân được điều trị lớn tuổi hơn (51,2 tuổi)?
20 bệnh nhân dùng thuốc không có tình trạng lâm sàng của bệnh như nhau. 16,7% không có triệu chứng, 61,1% viêm đường hô hấp trên và 22,2% viêm đường hô hấp dưới. Như vậy, một số người sẽ khỏi bệnh tự nhiên, số khác lại chờ đến đỉnh nhiễm trùng, do đó khó chứng minh bệnh được cải thiện nhờ thuốc điều trị. Nhóm đối chứng lại không được theo dõi cùng một nơi với nhóm dùng thuốc. Cần lưu ý nghiên cứu được công bố trên tạp chí The International Journal of Antimicrobial Agents mà chủ biên là Jean-Marc Rolain, một thành viên trong nhóm của GS Raoult và đồng tác giả nghiên cứu.
Giới khoa học đánh giá nghiên cứu thứ nhất của GS Raoult không phải là thử nghiệm lâm sàng, mà đúng ra là nghiên cứu về virus học nhằm kiểm tra lượng virus trong dịch tiết mũi sau khi dùng hydroxychloroquine. Song không có virus trong dịch tiết mũi không có nghĩa là khỏi bệnh vì virus vẫn có thể còn trong phổi.
Trong lần nghiên cứu thứ hai của GS Raoult, WHO và giới nghiên cứu chỉ ra đây vẫn chưa phải là công trình nghiên cứu nghiêm túc vì số bệnh nhân quá ít, không có nhóm đối chứng và không tôn trọng quy trình khoa học. Cả hai lần nghiên cứu đều không tuân thủ phương pháp “mù đôi“, tức các nhà nghiên cứu và bệnh nhân hoàn toàn không biết dùng thuốc gì.

Cả thế giới vẫn đang nỗ lực thử nghiệm các phương thuốc điều trị viêm phổi Vũ Hán.

Ngày 22/3, châu Âu khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị viêm phổi Vũ Hán mang tên Discovery. Thử nghiệm được thực hiện trên 3.200 bệnh nhân ở bảy quốc gia châu Âu (Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Hà Lan, Tây Ban Nha và Luxembourg).
Thử nghiệm Discovery nhằm đánh giá hiệu quả và tính an toàn của bốn phương pháp điều trị gồm: thuốc remdesivir (thuốc kháng virus dùng để điều trị nhiễm virus Ebola, chưa lưu hành trên thị trường); kết hợp hai phân tử kháng virus HIV lopinavir và ritonavir; kết hợp lopinavir, ritonavir với beta interferon (thuốc điều trị viêm phổi); thuốc hydroxychloroquine (trị sốt rét).
Trước đó vào ngày 20/3, WHO bắt đầu chương trình thử nghiệm lâm sàng thuốc điều trị viêm phổi Vũ Hán mang tên Solidarity. Một số nước như Pháp, Tây Ban Nha, Na Uy, Thụy Sĩ, Canada, Argentina, Iran, Bahrain, Nam Phi và Thái Lan đã đăng ký tham gia.
WHO thử nghiệm bốn phương pháp điều trị như châu Âu với quy trình thử nghiệm được tinh giản hơn bình thường. Bệnh nhân nhiễm viêm phổi Vũ Hán sẽ được bác sĩ phụ trách điều trị giới thiệu tham gia thử nghiệm. Nếu đồng ý họ sẽ ký tên vào mẫu đơn. Bác sĩ sẽ chuyển đơn qua Internet cho WHO và thông báo loại thuốc thử nghiệm nào có sẵn tại bệnh viện.
Các bệnh viện tại Mỹ còn đang tăng tốc thử nghiệm xem cách chữa trị có từ một trăm năm nay để chống bệnh cúm và bệnh sởi bùng phát trong thời kỳ trước khi có vaccine, và đã được dùng gần đây đế chống bệnh SARS và Ebola, có thể thành công đối với viêm phổi Vũ Hán hay không: Đó là dùng máu hiến tặng của những bệnh nhân đã bình phục.
Và cuộc chạy đua tìm ra phương thuốc hữu hiệu nhất để điều trị viêm phổi Vũ Hán đến từ Trung Quốc vẫn chưa đi đến hồi kết.

Với các thông tin nhận được cho thấy, trong bối cảnh khẩn trương đối phó dịch như thời chiến hiện nay, thay vì nghiên cứu thuốc điều trị mới, giới nghiên cứu hiện đang dùng lại các loại thuốc đã được phê duyệt điều trị cho các bệnh khác như sốt rét, HIV/AIDS, Ebola nhằm điều trị viêm phổi Vũ Hán đến từ Trung Quóc.

Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)