‘Khẩu chiến’ Mỹ – Trung về tên gọi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán

https://www.youtube.com/watch?v=Z9kPTbXjxjk

Trong ngày 17/3, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã lên tiếng phản đối cách sử dụng từ ngữ của ông Trump khi ông gọi virus corona là một loại “virus Trung Quốc” trong một dòng tweet.

Trong cuộc họp báo thường nhật vào ngày 17/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với các phóng viên rằng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã “bôi nhọ” Trung Quốc khi ông gọi virus corona là một loại “virus Trung Quốc” trong một dòng tweet và Bắc Kinh cực lực phản đối cách sử dụng từ ngữ đó.

Ông Cảnh Sảng cho rằng Hoa Kỳ trước tiên nên quan tâm đến các vấn đề của chính họ.
Phát ngôn viên Trung Quốc nhấn mạnh : “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ ngừng nhắm vào Trung Quốc. Ưu tiên cao nhất là cộng đồng quốc tế hãy hợp tác chống virus”.
Hoa Kỳ nên tập trung vào ưu tiên hàng đầu của mình và đóng vai trò xây dựng trong việc hợp tác quốc tế về an ninh y tế”.
Trước đó, cùng ngày 17/3, trong rất nhiều tweet ông Trump đề cập đến tình hình dịch bệnh, có 1 tweet ông viết : “Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngành công nghiệp như hàng không và các ngành khác, đặc biệt bị ảnh hưởng bởi virus Trung Quốc. Chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn bao giờ hết!” Đây là lần đầu tiên cụm từ nhạy cảm ‘virus Trung Quốc’ được sử dụng bởi nguyên thủ của siêu cường thế giới.
Tuần trước, nhà lãnh đạo thiểu số của Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy gọi dịch bệnh do virus corona gây ra là “virus Trung Quốc”, trong khi ngoại trưởng Pompeo gọi đó là “virus corona Vũ Hán”.
Về phần mình, cũng trong hôm 17/3 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục bảo vệ cụm từ ‘Virus Trung Quốc’ mà mình đã sử dụng.

Ảnh chụp tweet của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 17/3 trong đó sử dụng từ virus Trung Quốc như một kẻ xâm lược đang tấn công nước Mỹ

Trong một cuộc họp ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói : “Trung Quốc đã tung tin sai lệch rằng quân đội chúng tôi mang virus vào nước họ. Đây là thông tin sai. Tôi phải gọi virus này bằng cái tên mà nó xuất hiện đầu tiên hơn là tranh luận với họ. Nó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đó, tôi nghĩ đây là một cụm từ rất chính xác“.
Trước việc Bắc Kinh phát tán giả thuyết Mỹ mang virus corona vào Trung Quốc, ông Trump liên tục khẳng định : “Tôi không đánh giá cao việc Trung Quốc cho rằng quân đội Mỹ đưa virus vào Trung Quốc. Quân đội chúng tôi không đưa virus cho bất kỳ ai“.
Ông Trump cũng phản ứng với các ý kiến cho rằng sử dụng cụm từ “Virus Trung Quốc” là kỳ thị. Ông nhấn mạnh :”Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng chính việc (Trung Quốc) nói quân đội Mỹ đưa virus vào Trung Quốc mới tạo ra sự kỳ thị. “
Trước đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán là một con “virus nước ngoài“.

Tên gọi của dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán hoành hành trên toàn thế giới trong 3 tháng trở lại đây luôn là đề tài tranh cãi trong dư luận đặc biệt là trước âm mưu đặt lại tên cho virus mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện.

Các thành viên của Lực lượng đặc nhiệm chống coronavirus tổ chức họp báo.

Kể từ khi giới khoa học phát hiện ra loại virus lạ gây bệnh viêm phổi tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, tên gọi của virus này gắn liền với nơi bùng phát dịch, và được gọi virus Vũ Hán. Tuy nhiên Trung Quốc cho rằng cách gọi như vậy khiến nhiều người dân Vũ Hán bất bình và cảm thấy bị “động chạm”.

Ngày 8/2/2020, khi virus đang gây dịch viêm phổi đã có mặt tại gần 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã đề nghị đặt tên mới cho virus và thống nhất tên tạm thời là Novel Coronavirus Pneumonia – NCP (tạm dịch: Viêm phổi virus corona chủng mới).

Trong khi đợi Ủy ban quốc tế về phân loại virus quyết định tên gọi chính thức cuối cùng thì Trung Quốc đề nghị các chính quyền và truyền thông địa phương tạm thời áp dụng cách gọi trên.

Bản thân Tổ chức Y tế thế giới WHO cũng mất không ít thời gian để đi đến quyết định tên của virus và dịch bệnh này trước những áp lực từ Trung Quốc.

Tại cuộc họp báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào ngày 11/2 ở Geneva, Thụy Sĩ, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus công bố “COVID-19” là tên chính thức của loại virus nCoV xuất phát từ Trung Quốc.
Trong đó, “co” là viết tắt của corona, “vi” là để chỉ virus, “d” là viết tắt của chữ “disease” trong tiếng Anh (có nghĩa là “bệnh”), còn “19” là để chỉ năm 2019 – năm người ta phát hiện ra dịch bệnh này. Trước đó, WHO tạm gọi chủng virus corona mới là 2019-nCoV.
Theo người đứng đầu WHO cũng, cái tên “COVID-19” được chọn để tránh đề cập đến một vùng đất cụ thể, một loài động vật cụ thể hay một nhóm người nào đó nhằm tránh việc kỳ thị, gây tiếng xấu cho vùng đất, loài vật hoặc người đó.
Đến ngày 22/2/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tên chính thức cho virus corona mới gây bệnh COVID-19 là SARS-CoV-2. Tên này được chọn vì virus mới có sự tương đồng về gen với virus corona gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng – SARS năm 2003. Dù liên quan nhưng hai virus này là khác nhau.
Giải thích về tên chính thức của virus corona mới, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, virus và các bệnh do virus gây ra thường có tên khác nhau. Chẳng hạn, HIV là virus gây ra bệnh AIDS. Tuy nhiên, thông thường, mọi người chỉ biết tên của một căn bệnh mà ít để ý tên của loại virus gây ra bệnh đó.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, virus được đặt tên dựa trên cấu trúc gen của chúng để tạo điều kiện phát triển các xét nghiệm chẩn đoán, vắc xin và thuốc. Còn bệnh được đặt tên để cho phép thảo luận về phòng chống dịch bệnh, lây lan, mức độ nghiêm trọng và điều trị.

Không chỉ áp đặt tên gọi của virus trong lãnh thổ Trung Quốc, nước này còn giao nhiệm vụ mới cho các cơ quan đại diện của mình trên toàn thế giới là phải làm cho ngưới Trung Quốc ở nước ngoài tin rằng virus Viêm phổi Vũ Hán thực chất tới từ bên ngoài Trung Quốc. Tư đó, Trung Quốc đã cho ra đời những tên gọi mới là “virus Nhật Bản”, “virus Ý”, hay “virus Iran”.

Bài viết tổng hợp của nhà báo Minh Nhật cho biết Massimo Introvigne, một chuyên gia nghiên cứu về xã hội học và tôn giáo của Ý, từng làm việc trong Bộ Ngoại giao Ý, mới đây đã nhận được email của một đồng nghiệp Trung Quốc, hỏi rằng liệu ông có an toàn trong dịch “virus Ý” hay không. Lúc đầu, Introvigne rất bất ngờ vì không biết “virus Ý” là gì, nhưng rồi ông được biết các đồng nghiệp cũng nhận được email tương tự, và đồng nghiệp Nhật Bản thì nhận được email hỏi về “virus Nhật Bản”.
Ngày 9/3/2020 vừa qua, tờ La Croix của Pháp, đã công bố một báo cáo điều tra cho biết, các Đại sứ quán Trung Quốc và người Trung Quốc đang du lịch trên khắp thế giới đã nhận được các yêu cầu mật vào 1 tuần trước đó.
Họ được hướng dẫn để thuyết phục mọi người rằng Trung Quốc không phải là nơi virus Viêm phổi Vũ Hán khởi nguồn, và cần nhấn mạnh rằng: “Trong khi Vũ Hán bị virus tấn công nghiêm trọng, nguồn gốc của virus hiện vẫn chưa được biết. Chúng tôi đang thực hiện các nghiên cứu mới nhằm xác định nguồn gốc thật sự của virus.”
Cũng theo báo cáo của tờ La Croix, các Đại sứ quán Trung Quốc được yêu cầu phải làm “dấy lên nghi ngờ” trong đại chúng, rằng virus Viêm phổi Vũ Hán thực chất tới từ bên ngoài Trung Quốc.
Theo đó, các tài liệu tương tự của Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo thì hướng dẫn việc sử dụng cụm từ “virus Nhật Bản”. Tương tự đó mà cụm từ “virus Ý” hay “virus Iran” được ra đời.
Bởi vậy mà nhà nghiên cứu Massimo Introvigne nhận xét “Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn Hán hóa mọi thứ, bao gồm cả các tôn giáo. Chỉ có một thứ Đảng này không muốn nhận, chính là virus viêm phổi Vũ Hán”.

Nếu không gọi là virus Trung Quốc thì có thể gọi là virus Vũ Hán? Tác giả Nguyễn Quốc Tấn Trung đã có bài phân tích với tựa đề ‘Vì sao chúng ta nên dùng tên “virus Vũ Hán”’ trên Luật khoa tạp chí.

Theo tác giả, việc tên gọi của một loại dịch bệnh được lấy theo nguồn gốc xuất phát của nó không phải là mới, và nó cũng không bao hàm ẩn ý gì đặc biệt cả.
Chúng thường được báo chí và người dân bình thường sử dụng khi nói đến một loại bệnh nào đó, bởi ngôn ngữ khoa học quá phức tạp và không mang lại lợi ích gì. Thực tế này đã tồn tại từ thời trung cổ cho đến hôm nay.
Dịch bệnh đổ mồ hôi, còn được gọi là “mồ hôi Anh” (English Sweat) do được phát hiện lần đầu tiên tại Anh, là một dịch bệnh bí ẩn nhất và dễ lây lan nhất tại lục địa châu Âu những năm 1485.
Chủng cúm hoành hành thế giới 1918 – 1919 là chủng influenza, cho đến nay người ta vẫn còn gọi chúng là cúm Tây Ban Nha (Spainish flu), vì dịch bùng phát lần đầu tiên tại vùng đất này.
Dịch cúm Ebola kinh khủng từng đe dọa đến an ninh toàn cầu hồi năm 2014 mới đây được lấy tên của một con sông nhánh thuộc hạ lưu sông Congo, Cộng hòa Dân chủ Congo ở châu Phi, nơi xuất phát của dịch.
Tên gọi ‘virus Vũ Hán’ hay ‘virus Trung Quốc’ không hàm chứa sự kì thị bất kỳ người dân Vũ Hán hay người dân Trung Quốc nào. Hơn nữa, trước những sự lơ là, quan liêu, bưng bít của chính quyền Bắc Kinh làm bùng phát dịch bệnh trên toàn cầu gây nên cuộc khủng hoảng kép về y tế và kinh tế cho nhân loại và nhất là chiến dịch ‘phi Hán hóa’, rũ bỏ trách nhiệm trong dịch bệnh quái ác này của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì không chỉ cộng đồng quốc tế mà ngay cả cơ quan chuyên trách về y tế là Tổ chức Y tế thế giới càng phải gọi rõ tên ‘virus Vũ Hán’ hay ‘virus Trung Quốc’. Tác giả Tấn Trung còn gọi đó là một phản ứng chính trị cấp thiết, nhắc nhở chúng ta về những gì Bắc Kinh đã làm và đang cố gắng làm để tô hồng những điều tệ hại mà họ gây ra.
Lịch sử loài người đã gọi tên những bệnh gắn liền với địa danh xuất phát của nó như bệnh “mồ hôi Anh”, “đậu mùa Pháp”, “cúm Tây Ban Nha“, “cúm Hong Kong“, “viêm não Nhật Bản“, “cúm Ebola” và gần đây nhất là “tả lợn châu Phi” thì gọi “virus Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc” cũng là một việc hết sức bình thường.

Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)