Nghị viện EU hôm 12/2 đã chính thức thông qua Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam EVFTA bất chấp vấn đề nhân quyền.
Tỉ lệ bỏ phiếu cho EVFTA là: 401 ủng hộ, 192 chống, và 40 phiếu trắng.
Với Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA), Nghị viện châu Âu bỏ phiếu, 407 ủng hộ, 188 chống, 53 trắng.
EVFTA được EU gọi là “thỏa thuận tham vọng, chi tiết, hiện đại nhất mà EU từng ký với một nước đang phát triển“. Nghị viện châu Âu tuyên bố rằng thỏa thuận thương mại với Việt Nam “có thể bị tạm ngừng nếu có vi phạm nhân quyền” trong tương lai.
Còn với hiệp định bảo hộ đầu tư, thì trước khi có hiệu lực, còn đòi hỏi quốc hội của từng quốc gia trong EU bỏ phiếu.
Sau cuộc bỏ phiếu hôm nay, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện EU, Bernd Lange, tuyên bố: “Lịch sử cho thấy sự cô lập không làm thay đổi một quốc gia. Đó là lý do tại sao Nghị viện EU đã bỏ phiếu ủng hộ hiệp định thương mại này với Việt Nam. Với nó, chúng tôi tăng cường vai trò của EU tại Việt Nam và khu vực, đảm bảo rằng tiếng nói của chúng tôi có trọng lượng hơn trước. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các vấn đề mà chúng tôi bất đồng quan điểm, chẳng hạn như vai trò của tự do báo chí hoặc tự do chính trị. Chúng tôi đồng thời cũng mở rộng sự tham gia cho xã hội dân sự. Công việc của chúng tôi từ giờ trở đi là đảm bảo các thỏa thuận được thực thi trong thực tế.”
68 tổ chức phi chính phủ hôm 10/02/2020 đã ra tuyên bố chung kêu gọi các nghị sĩ châu Âu không phê chuẩn thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Liên Hiệp Châu Âu với Việt Nam (EVFTA), vì tình trạng nhân quyền và quyền lao động tại Việt Nam vẫn còn « đáng lo ngại ».
AFP cho biết 68 tổ chức phi chính phủ trong tuyên bố chung, nhận định Hiệp định tự do mậu dịch Liên Âu – Việt Nam không đáp ứng được trước « các thách thức khẩn cấp mà hiện nay Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đang phải đối phó », chẳng hạn giảm bất bình đẳng, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu …
Cũng theo các tổ chức này, dưới chế độ độc đảng, không có đủ đảm bảo là chính quyền Việt Nam sẽ tôn trọng nhân quyền : « Việc trấn áp về chính trị và của công an đặc biệt nhắm vào các nhà bảo vệ nhân quyền, môi trường và tất cả những người chỉ trích chế độ ».
Đồng thời, các tổ chức này yêu cầu Nghị Viện nên có cách tiếp cận tương tự như với Uzbekistan và Turkmenistan trước đây, hoãn lại Hiệp định cho đến khi chính quyền Việt Nam thỏa mãn các đòi hỏi về bảo vệ nhân quyền và các quyền của người lao động « một cách cụ thể và có thể kiểm chứng được ».
Thư ngỏ đề nghị EU đưa ra một nghị quyết song song, đặt ra các điều kiện mà Hà Nội phải đáp ứng. Trong đó có việc đưa ra lộ trình sửa đổi những điều khoản khắc nghiệt trong Luật Hình sự như điều 109, 116, 117, 318 thường được vận dụng để trấn áp những người bất đồng chính kiến ; trả tự do cho các tù nhân chính trị trong đó có nhà báo Phạm Chí Dũng, người đã bị bắt giam sau khi kêu gọi EU không phê chuẩn Hiệp định.
Bên cạnh đó Nghị Viện Châu Âu cần đòi hỏi Việt Nam cam kết phê chuẩn Công ước ILO số 87 (về quyền tự do hội họp và lập hội) trễ nhất là năm 2021 ; thành lập một cơ chế độc lập để giám sát.
Theo báo Le Soir, cuộc bỏ phiếu rất gay go, cuộc tranh luận cho thấy Nghị Viện Châu Âu bị chia rẽ sâu sắc. Hiệp định được nhiều nghị sĩ ủng hộ vì mở ra viễn cảnh lớn với thị trường Việt Nam 100 triệu người, tuy nhiên số khác chống đối vì tình hình nhân quyền và sự thiếu vắng một số tiêu chí xã hội, môi trường.
Đảng Xanh và nhóm cánh tả GUE vào đầu tuần đã yêu cầu hoãn lại cuộc bỏ phiếu nhưng không thành công (đề nghị này được 121 phiếu thuận, 231 phiếu chống, 12 vắng mặt).
Đó là một cơ hội tuyệt vời – nghị sĩ Christophe Hansen của Luxembourg thuộc nhóm PPE tỏ ra phấn khởi. Ông vui mừng trước việc dỡ bỏ toàn bộ thuế hải quan.
Ông Hansen nói : Hiện nay Việt Nam đánh thuế từ 20 đến 30% đối với sản phẩm nhập từ châu Âu, làm cho sản phẩm của chúng ta ít tính cạnh tranh hơn so với những nước khác. Theo ông, đây cũng là cơ hội để Việt Nam phát triển.
Tuy nhiên tình hình chính trị tại Việt Nam khiến một số nghị sĩ bất bình: Việt Nam chưa phê chuẩn các công ước chủ chốt của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), như công ước về lao động cưỡng bức. Nhà nước cũng bắt giam một số nhà đối lập chính trị, hiện nay có 128 người đang bị tù. Các tổ chức phi chính phủ còn tố cáo nạn phá rừng và tình trạng cưỡng đoạt đất đai, rất xa vời so với mục tiêu sinh thái của Ủy Ban Châu Âu.
Như vậy, sau 10 năm đàm phán, thương thảo, rà soát pháp lý và giải quyết nhiều phát sinh liên quan đến thẩm quyền phê chuẩn..vv. nhiều người đang đặt hy vọng EVFTA sẽ giúp nâng tầm kinh tế, đẩy nhanh tiến trình cải cách chính trị Việt Nam và cải thiện đời sống người lao động!
Theo đó, thì ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Và sau 07 năm thì tất cả các mặt hàng đều được xóa bỏ thuế. Lợi ích cụ thể này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của VN hiện nay!
Bên lề Hiệp định, bà Svenja Hahn – thành viên Nghị viện châu Âu cho hay, bà ủng hộ EVFTA vì thỏa thuận này đem đến nhiều sự bảo vệ hơn cho người dân, mặc dù Việt Nam vẫn là nước Cộng sản.
“Việt nam là một nước Cộng sản không phải quốc gia dân chủ. Hiệp định tự do thương mại EVFTA không thể giúp Việt Nam trở nên dân chủ trong một đêm. Nhưng thỏa thuận sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế cho Việt nam, nó sẽ giúp người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và mang lại cho họ nhiều quyền và sự bảo vệ hơn. Bộ luật lao động mới giúp bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương. Công đoàn được chấp nhận và sau đó là quyền tự do lập hội. Sẽ giúp tăng tính minh bạch trong sự giám sát quốc tế và là tiềm năng to lớn để bảo vệ nhân quyền tốt hơn. Chúng ta đã giao thương với VN và vấn đề ko phải là bạn có muốn giao thương hay không mà là vấn đề cải thiện tình hình. Chúng ta hãy hợp tác mạnh mẽ với toàn bộ khu vực Châu Á, để cải tổ các lực lượng tin tưởng vào hợp tác với EU.”
Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà nhận định rằng còn có một số lo ngại về các tác dụng ngoài ý muốn của EVFTA đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN.
Tính đến cuối 2019, FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng đột biến, vốn đăng ký cấp mới từ Trung Quốc trong 11 tháng đạt hơn 2,28 tỷ USD; gấp đôi 2018.
Theo giới phân tích, một phần nguyên nhân đến từ sự dịch chuyển dòng vốn do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, nhưng lý do khác còn là sự thay đổi về chính sách môi trường của Trung Quốc. Và EVFTA có thể cũng là một trong các nguyên nhân, khi Trung Quốc có ý định khai thác các thỏa thuận mà Trung Quốc hiện không được hưởng lợi.
Ví dụ như: Nhà máy chế tạo lốp xe ACTR ở tỉnh Tây Ninh là một trong các dự án đầu tư khủng của Trung Quốc vào VN, trị giá 280 triệu USD; vừa vận hành 11/2019. Dự kiến mỗi năm sẽ cung ứng 2,4 triệu bộ lốp radial toàn thép cho thị trường. Sau khi EVFTA có hiệu lực, tận dụng môi trường pháp lý mới cho thị trường châu Âu, Trung Quốc giờ đây có thể cạnh tranh trực tiếp với nhà sản xuất lốp xe vật lý lớn nhất châu Âu, Michelin.
Nhưng hôm nay vẫn còn phải chờ xem, khi dịch cúm viêm phổi Covid-19 đang đe dọa phá hủy chính trị, kinh tế Trung Quốc, đẩy Trung quốc vào một thảm họa suy thoái lớn.
Sau khi EVFTA được thực thi, Việt Nam là địa điểm hấp dẫn và tiết kiệm chi phí nhất cho đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI so với các nước khác
Luật sư Lê Công Định ở TpHCM thì cho rằng:
Tin Nghị viện Âu châu phê chuẩn EVFTA và EVIPA thực sự là điểm sáng mang đến niềm hy vọng cho đất nước giữa nỗi lo lắng về nạn dịch virus Corona đang hoành hành ở Trung Quốc và trên thế giới, bởi 5 lý do:
- 1) EVFTA buộc nhà nước Việt Nam phải thừa nhận quyền thành lập các công đoàn độc lập của người lao động, nhờ đó họ không còn là công cụ của đảng cầm quyền nhân danh “đội quân tiên phong của giai cấp vô sản”. Giai cấp vô sản thực sự ở Việt Nam rồi đây sẽ có tổ chức đại diện đúng nghĩa cho quyền lợi của mình, chứ không phải công đoàn giả hiệu của nhà nước.
- 2) Các cam kết quốc tế của nhà nước Việt Nam sẽ là cơ sở pháp lý để các nước Âu châu dựa vào yêu cầu Việt Nam tôn trọng quyền con người và quyền công dân nếu không muốn đánh mất các lợi ích kinh tế mà sự hợp tác thương mại và đầu tư quốc tế mang lại.
- 3) EVIPA sẽ buộc nhà nước Việt Nam cải cách hệ thống pháp luật theo hướng hiện đại hóa và tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền quốc tế hơn, nếu không muốn bị các nhà đầu tư Âu châu khởi kiện tại các cơ quan phân xử tranh chấp đầu tư quốc tế.
- 4) EVFTA và EVIPA sẽ giúp Việt Nam bớt lệ thuộc vào quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhờ đó từng bước giải thoát vận mệnh dân tộc khỏi chiếc vòng kim cô mà Trung Cộng đang gắn trên đầu đảng cầm quyền hiện nay. Hy vọng thoát Trung vì vậy có tiền đề quan trọng để thực hiện.
- 5) Nhờ thương mại và đầu tư, các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng cường nội lực, qua đó ngoài việc giúp gia tăng tiềm lực quốc gia trong bang giao với các lân quốc, còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp trở thành đối trọng quyền lực đáng kể với đảng cầm quyền trong khuôn khổ thể chế toàn trị về chính trị và kinh tế hiện nay.
Năm niềm hy vọng nêu trên đủ để chúng ta dứt khoát ủng hộ việc phê chuẩn EVFTA và EVIPA.
Cần phải thấy tương lai của quốc gia và nền dân chủ đang ở trong tay các doanh nghiệp Việt Nam. Đất nước có tiềm lực chống chọi các thách thức quốc tế trong tương lai hay không, câu trả lời sẽ thuộc về các doanh nghiệp Việt Nam.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Đối với hàng xuất khẩu của EU, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu).
Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Các lĩnh vực mà Việt Nam cam kết thuận lợi cho các nhà đầu tư EU gồm một số dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
Hai bên cũng đưa ra cam kết về đối xử quốc gia trong lĩnh vực đầu tư, đồng thời thảo luận về nội dung giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và nhà nước.
Việt Nam ngày càng giao thương và hội nhập với thế giới. Những Hiệp định song phương được ký kết cũng nằm trong lộ trình đó, dù Đảng cộng sản mà người đứng đầu là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không muốn, thì công đoàn độc lập sẽ ra đời trên cả nước để bảo vệ quyền lợi của hàng triệu người lao động Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt nam hiện nay đang do Đảng cộng sản độc tài cầm quyền, họ đặt Đảng quyền cao hơn Pháp quyền, thì môi trường quốc tế cũng là một cơ hội, để những nhóm người từng đi cướp chính quyền từ những năm 1945 có thể trở về với thế giới văn minh.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)