Các nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) để hoàn tất một Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam (EVFTA) đang có nguy cơ bị thất bại do thành tích nhân quyền yếu kém của chính phủ Việt Nam.
Hôm qua ngày 17/09/2018 trong một bức thư chung, 32 Dân biểu Quốc hội châu Âu đã đưa ra một loạt các mối quan ngại „nghiêm trọng“ về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, bao gồm cả việc bắt giam các nhà bất đồng chính kiến, hạn chế quyền tự do ngôn luận và thành lập hiệp hội, không có quyền tự do báo chí và internet bị kiểm duyệt. Các Dân biểu Quốc hội châu Âu cảnh báo rằng nếu tình trạng nhân quyền không được cải thiện, thì “sẽ rất khó khăn” để họ có thể đồng ý phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam. Việc phê duyệt này là bước cần thiết cuối cùng để Hiệp định có hiệu lực.
Bức thư chung này được gửi đến bà Cecilia Malmström, Cao ủy Thương mại của Liên minh châu Âu (EU) và bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại (tương đương Bộ trưởng) và là Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, kêu gọi EU hãy thiết lập một loạt các tiêu chí nhân quyền mà quốc gia châu Á này phải đáp ứng trước khi Hiệp định EVFTA được đệ trình lên Quốc hội phê duyệt, đặc biệt trong các lĩnh vực quyền tự do ngôn luận và thành lập hiệp hội, tự do tôn giáo và quyền của người lao động.
Sau cuộc họp với đối tác Việt Nam vào tháng 6 vừa qua, Cao ủy Thương mại Malmström gọi Việt Nam là “một ví dụ điển hình của một nước đang phát triển nắm bắt cơ hội thương mại tự do toàn cầu, với những cam kết rõ ràng để tôn trọng nhân quyền.” Nhưng những “cam kết” này với EU vẫn chưa được thực hiện, vì chỉ một vài tuần sau đó một nhà hoạt động nhân quyền – cũng như hơn một trăm người trong nước – bị kết án vì các hoạt động ôn hòa.
Ủy ban châu Âu và Cơ quan đối ngoại (External Action Service) cần tuân thủ nguyên tắc: chính sách thương mại của EU được thiết kế như là một công cụ để thúc đẩy quyền con người ở các nước thứ ba, và các Bộ trưởng ngoại giao EU có nghĩa vụ sử dụng công cụ này. Đây là thời gian tốt nhất để thực hiện.
Vừa rồi là bản tóm tắt của tổ chức Human Rights Wacht về nội dung bức thư của 32 Dân biểu Quốc hội châu Âu, trong thời gian tới sẽ có bản dịch toàn văn bức thư này.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>> Cảnh sát liên bang Đức phát hiện 26 người Việt được giấu trong xe bus
>> Tuyên bố của Will Nguyen sau khi rời khám Chí hòa tại TP.Hồ Chí Minh
>> Tuyên bố của EU tại Việt Nam về việc kết án gần đây đối với ông Lê Đình Lượng
>> Cách mạng tháng 8 năm 1945 „Cướp chính quyền tại Việt Nam“ và ngày nay „Cướp người tại Đức“
>> Trịnh Xuân Thanh có được trao trả về Đức hay không?