Vào ngày 05/07/2018 vừa qua, nữ Dân biểu Gyde Jensen đã đến gặp và nói chuyện với Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Đây là một trong những nỗ lực vận động của bà Gyde Jensen nhằm trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.
Nữ Dân biểu Gyde Jensen -Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức- đang nỗ lực vận động để Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, người bị y án 11 năm tù và 3 năm quản chế tại phiên tòa phúc thẩm vào đầu tháng 6 vừa qua. Ông Truyển, người được biết tiếng với các hoạt động đấu tranh dân chủ, quyền đất đai và tự do tôn giáo, bị y án cùng với 3 nhà hoạt động khác của Hội Anh Em Dân Chủ hôm 4/6/2018 tại Hà Nội với tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Vào ngày 05/07/2018 vừa qua, nữ Dân biểu Gyde Jensen đã đến gặp và nói chuyện với Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin. Đây là một trong những nỗ lực vận động của bà Gyde Jensen nhằm trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển.
Bà Jensen kêu gọi chính phủ Việt Nam nhận thức ra rằng “đàn áp công dân của mình sẽ không giúp họ thành công hay trở thành một quốc gia tốt đẹp.”
Trong một Bản tin ngày 09/04/2018 đăng trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội CHLB Đức (xem bản dịch tại đây), bà Jensen đánh giá rằng việc vận động trả tự do cho ông Truyển sẽ không nhanh chóng. Tuy nhiên với vị thế Dân biểu bà có trong tay một số phương tiện hữu hiệu. Với vị thế Chủ tịch của một Uỷ ban trong Quốc hội Liên bang bà sẽ hẹn gặp và nói chuyện với Đại sứ Việt Nam tại Đức.
Bà đánh giá Đại sứ quán Việt Nam có thái độ “bưng bít”. Luận cứ chính thức của Đại sứ quán là người nào không tuân thủ pháp luật thì sẽ phải gánh chịu hậu quả. Bà Jensen đã phản bác: “Quyền tự do báo chí và ngôn luận không thuộc phạm vi này.” Ông Nguyễn Bắc Truyển đã dấn thân cho quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và một chế độ đa nguyên đa đảng và tam quyền phân lập tại nước ông. “Những việc làm này bị nhà nước suy diễn là tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Dù sao bà Jensen cũng ghi nhận rằng Đại sứ quán Việt Nam vẫn còn có ý muốn tiếp tục trao đổi với bà.
Sau khi ông Nguyễn Bắc Truyển vừa mới bị kết án tù hồi đầu tháng Tư năm nay, bà Gyde Jensen đã đứng ra bảo trợ cho ông Truyển trong chương trình “Dân biểu Bảo vệ Dân biểu” của Quốc hội Liên bang Đức, một chương trình đã được mở rộng để bảo vệ cho cả cho những Người Bảo vệ Nhân quyền trên thế giới chứ không riêng gì cho các vị dân cử.
Luật gia Nguyễn Bắc Truyển, 50 tuổi, là trường hợp đầu tiên bà Jensen, người được bầu vào Quốc hội Liên bang Đức tháng 10 năm ngoái, chọn để vận động trong chương trình này.
Giải thích lý do vì sao chọn ông Truyển vừa bị kết án ở Việt Nam, dân biểu Jensen nói trường hợp của ông Truyển là “tiêu biểu cho vấn đề nhân quyền”. Và qua chương trình này của Quốc hội Liên bang Đức sẽ góp phần vào việc không để số phận của ông Nguyễn Bắc Truyển bị trôi vào lãng quên.
Là một luật gia, ông Truyển đã giúp tư vấn pháp lý miễn phí cho những nạn nhân mất đất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ủng hộ nền dân chủ đa đảng và kêu gọi chính phủ Việt Nam thả tự do cho các tù nhân lương tâm. Ông Truyển từng làm việc tại Văn phòng Công Lý và Hòa Bình và là người đứng đầu Hội Hữu nghị Tù nhân Chính trị và Tôn giáo, một nhóm hội cho những cựu tù nhân lương tâm.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Truyển bị kết án, trước đây ông Truyển từng phải thụ án 3 năm 6 tháng trong nhà giam vì tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88 BLHS Việt Nam.
Nữ Dân biểu Gyde Jensen -Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức- mong muốn thấy dư luận và các mạng xã hội chú ý đến số phận của Nguyễn Bắc Truyển.
“Mục tiêu cuối cùng của tôi là giúp ông Nguyễn Bắc Truyển được tự do,” bà Jensen cho biết và nói rằng bà dự định trễ nhất trong năm tới bà sẽ đi Việt Nam. Bà sẽ nỗ lực để được vào thăm ông Nguyễn Bắc Truyển trong nhà tù và gặp gỡ luật sư cũng như gia đình của ông Truyển. Ngoài những mục đích khác, việc gặp và nói chuyện với Đại sứ Đoàn Xuân Hưng kể trên cũng nhằm chuẩn bị cho chuyến đi này.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)
>> Bị cáo Nguyễn Hải Long đã thú nhận tội hỗ trợ mật vụ Việt Nam bắt cóc TXT tại Đức
>> Đại sứ quán Đức tại Hà Nội từ chối cấp Visa cho lao động Việt Nam sang học nghề điều dưỡng
>> Trịnh Xuân Thanh phải ngủ trong Gara ô tô ở Brno đêm 25.7.2017 trước khi giao cho Tô Lâm ?