Việt Nam hiện có 884 cơ quan báo chí các thể loại, với số lượng người làm việc trong lĩnh vực này khoảng 41.000 người. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến nhận thấy rằng, bộ máy truyền thông do nhà nước quản lý, đều có chung một Tổng Biên tập là Ban Tuyên giáo.
Lý do là vì, tất cả đều hoạt động dưới sự lãnh đạo và quản lý chặt chẽ của Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua các cơ quan như: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông, cũng như cơ quan chủ quản.
Trong đó, Ban Tuyên giáo đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng nội dung, và kiểm soát hoạt động của báo chí. Điều này hạn chế sự đa dạng thông tin và quyền tự do ngôn luận.
Những năm gần đây, chính sách tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Trung ương, dưới sự lãnh đạo của viên tướng quân đội Nguyễn Trọng Nghĩa, đã có nhiều thay đổi mang tính cực đoan, gây chia rẽ với mục đích để bảo vệ chế độ.
Tướng Nguyễn Trọng nghĩa từng là Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Chính trị. Theo giới thạo tin, ông Nguyễn Trọng Nghĩa chính là cha đẻ của Lực lượng Dư luận viên AK47, cũng như Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng.
Theo đó, Lực lượng Dư luận viên AK47, thường được gọi là Lực lượng 47, và Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng (Bộ Tư lệnh 86), đều là các đơn vị trực thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam, với nhiệm vụ chính là bảo vệ an ninh và chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Trong đó, Lực lượng 47 có hơn 10.000 thành viên hoạt động trên toàn quốc. Nhiệm vụ của lực lượng này là bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và Nhà nước độc tài theo xu hướng toàn trị, để tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động của nhân dân.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây Ban Tuyên giáo đã tham gia cuộc chiến quyền lực trong nội bộ của Đảng, cụ thể là trong vụ việc liên quan đến Đại học Fulbright Việt Nam. Điều đó đã cho thấy sự phức tạp trong cuộc đấu đá giữa các lực lượng ủng hộ cải cách, và những người thuộc phe bảo thủ. Nhằm phản đối các nỗ lực cải cách, và mở cửa của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Theo giới phân tích, lãnh đạo Ban Đảng và các tướng lĩnh quân đội có xu hướng thân Trung Quốc. đã lấy lý do kiên định với con đường “chủ nghĩa xã hội”, để chống lại các nỗ lực của Tổng Bí thư Tô Lâm, với chủ trương cải cách thể chế, và tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ.
Đánh giá về hệ thống truyền thông của nhà nước Việt Nam hiện nay, theo giới quan sát quốc tế, điều đáng buồn là người dân ở trong nước nếu muốn theo dõi các thông tin chính xác, trung thực, thì buộc phải tìm kiếm các thông tin trên mạng xã hội, hay từ truyền thông không chính thống.
Đây là điều mà hệ thống truyền thông do nhà nước quản lý không quan tâm. Với lý do, họ chỉ có trách nhiệm đảm bảo nội dung truyền tải phù hợp với chính sách và lợi ích của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Theo tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam đã bị bóp nghẹt. Đồng thời, tổ chức này thường xuyên xếp hạng Việt Nam ở vị trí thấp trong bảng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới.
Trong các xã hội văn minh và phát triển, truyền thông không chỉ là công cụ truyền tải thông tin, mà còn là một phần không thể thiếu để duy trì sự cân bằng quyền lực, và tạo điều kiện để mọi tiếng nói trong xã hội được lắng nghe.
Hiện tại, Việt Nam không có số liệu công khai cụ thể về ngân sách nhà nước Việt Nam, chi cho công tác tuyên truyền nói chung. Theo suy đoán, con số đó có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Hệ thống truyền thông của nhà nước đồ sộ, và tiêu tốn ngân sách vô cùng lớn như thế, nhưng đều có chung một Tổng Biên tập, chính là Ban Tuyên giáo của Đảng Cộng sản. Vậy chính quyền còn bày vẽ ra quá nhiều cơ quan báo chí để làm gì?
Trà My – Thoibao.de