Vụ Thuận An: cựu Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bị đề nghị kỷ luật

Ngày 13/11, RFA Tiếng Việt loan tin “Cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể bị đề nghị kỷ luật Đảng trong vụ Thuận An”.

Theo đó, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đề nghị kỷ luật, vì những sai phạm liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

RFA dẫn tin từ truyền thông nhà nước, cho biết, quyết định này được đưa ra tại kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, diễn ra từ ngày 11 đến ngày 13/11 vừa qua.

Tập đoàn Thuận An hoạt động trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, bất động sản. Tập đoàn này đang bị công an điều tra về một loạt các sai phạm trong những gói thầu xây lắp ở nhiều tỉnh, thành.

RFA cho biết, kết luận được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, xác định, Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021 – 2026, đã có “vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Giao thông vận tải và nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tổ chức thực hiện các gói thầu, dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện”.

Kết luận cũng xác định, những vi phạm đã “gây hậu quả nghiêm trọng, nguy cơ thất thoát rất lớn tiền, tài sản của Nhà nước, gây dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức Đảng và cơ quan quản lý nhà nước, đến mức phải thi hành kỷ luật”.

Theo RFA, những vi phạm và khuyết điểm này, được xác định thuộc về nguyên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Thứ trưởng Lê Đình Thọ, và một số tổ chức Đảng, đảng viên khác.

Sau cuộc họp này, 14 cán bộ thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã bị thi hành kỷ luật Đảng. Các hình thức kỷ luật bao gồm, khai trừ Đảng, cách các chức vụ trong Đảng, cảnh cáo, khiển trách.

RFA cũng cho biết, riêng trường hợp ông Thể – người giữ nhiệm kỳ Bộ trưởng từ tháng 10/2017 đến tháng 10/2022 – bị đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật.

Vẫn theo RFA, vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An hiện thuộc diện do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.

Những sai phạm tại Tập đoàn Thuận An đã khiến nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam bị khởi tố, bắt giam và bị kỷ luật. Các trường hợp điển hình được báo chí trong nước chú ý, gồm: ông Phạm Thái Hà – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang. Cả 2 bị đề bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ.

Đặc biệt, RFA cho biết thêm, vụ án tại Tập đoàn Thuận An cũng khiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phải kết thúc nhiệm kỳ sớm, vào tháng 5/2024 vừa qua.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Thuận An, báo chí nhà nước loan tin, chiều 9/11, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, ngày 17/10, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án đưa hối lộ và nhận hối lộ xảy ra tại tỉnh Đắk Lắk.

Đồng thời, khởi tố 3 bị can, gồm: ông Phạm Văn Hạ – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp nông thôn tỉnh Đắk Lắk, về tội nhận hối lộ; ông Lê Đình Hải – Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Xây dựng và Thương mại Sài Gòn; và ông Hoàng Đình Chương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn An Nguyên, về tội đưa hối lộ.

Người phát ngôn của Bộ Công an cho biết, đến nay, sau quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã thu giữ 122 tỉ đồng, 130 ngàn USD. Cơ quan điều tra đang tiếp tục củng cố tài liệu, chứng cứ, để có thể điều tra vụ án trên địa bàn cả nước.

 

Xuân Hưng – thoibao.de