Ngày 13/11, BBC Tiếng Việt có bài: “Cận vệ Chủ tịch nước Lương Cường bị tố “lạm dụng tình dục”: phản ứng của các bên”.
Theo đó, BBC cho hay, dư luận Chile đã có những phản ứng mạnh mẽ sau vụ một cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường bị cáo buộc lạm dụng tình dục, trong khi đoàn Việt Nam đang có chuyến thăm chính thức Chile từ ngày 9 đến 12/11.
Tuy nhiên, hiện chính phủ Việt Nam vẫn chưa chính thức lên tiếng và báo chí do Đảng Cộng sản Việt Nam quản lý không đăng một tin nào về sự việc này.
Tin tức về vụ sĩ quan an ninh này bị một phụ nữ Chile tố cáo có hành vi lạm dụng tình dục đến nay chỉ được đăng tải trên BBC Tiếng Việt, một số báo tiếng Việt ở hải ngoại và trên mạng xã hội như Facebook.
Trong khi đó, bên cạnh việc Bộ Ngoại giao Chile đã lập tức có thông cáo báo chí về vụ việc hôm 11/11, báo chí tại quốc gia Nam Mỹ này đã đăng tải rất rầm rộ, thậm chí có đài truyền hình còn phát trực tiếp phiên xét xử của tòa án tại thủ đô Santiago.
Kênh truyền hình do nhà nước Chile tài trợ là 24 Horas – TVN Chile có gần 2 triệu người đăng ký trên YouTube, đã phát một video dài bảy phút về vụ việc và mở phần bình luận cho người xem.
BBC lưu ý rằng, Chile là một nền dân chủ ổn định, đã chứng kiến sự mở rộng đáng kể về quyền chính trị, và quyền tự do dân sự, kể từ khi chính quyền dân sự được khôi phục vào năm 1990, theo báo cáo vào năm 2024 của tổ chức nhân quyền Freedom House của Hoa Kỳ.
Theo BBC, quá trình xử lý cáo buộc nhằm vào một sĩ quan an ninh trong đoàn đại biểu của Chủ tịch nước Lương Cường, đang ở thăm Chile cho thấy sự độc lập của hành pháp, và tư pháp trong một vụ việc được coi là nhạy cảm chính trị.
Vẫn theo BBC, trong vụ lạm dụng tình dục này, người bị cáo buộc là một sĩ quan công an 59 tuổi, thuộc đội cận vệ của Chủ tịch nước Lương Cường – người vừa có chuyến thăm chính thức Chile từ ngày 9 đến ngày 12/11.
Viên sĩ quan Việt Nam, sau khi hầu tòa hôm thứ Hai 11/11, đã được tại ngoại với điều kiện lập tức rời khỏi Chile, không được quay lại nước này trong vòng 2 năm và không được tiếp xúc với nạn nhân.
BBC cho biết thêm, cách giải quyết “rút gọn” này được Công tố viên phụ trách vụ án Félix Rojas gọi là “giải pháp thay thế”, đó là một thỏa thuận với sự đồng ý của cả nạn nhân lẫn người bị cáo buộc và luật sư của họ.
BBC cũng cho hay, Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn chưa phản hồi đề nghị bình luận về vụ việc.
Sự im lặng này tương phản hoàn toàn với một số vụ tương tự trong quá khứ, chẳng hạn vụ việc năm 2022, khi 2 nam nghệ sĩ ở Hà Nội vướng vào cáo buộc “tấn công tình dục” một nữ du khách 17 tuổi, trong một khách sạn ở Majorca, Tây Ban Nha.
Vào thời điểm đó, dù mới chỉ là cáo buộc, và chỉ có một số báo tiếng Tây Ban Nha đưa tin nhưng không nêu tên, mà chỉ đề cập đến “2 nghệ sĩ nổi tiếng của Việt Nam”, truyền thông Việt Nam đã lập tức đăng tải rầm rộ và nêu đích danh họ, thậm chí có nhiều báo còn đưa tin về người thân của họ.
Nhân vụ này, nhiều người đã nhắc lại vụ việc Đại sứ quán Việt Nam tại Chile phơi vây cá mập trên sân thượng bị phát hiện.
BBC dẫn status của nhà báo Đinh Bá Truyền viết trên Facebook rằng, vụ việc ở Chile đã xảy ra hơn 3 ngày, các hãng truyền thông quốc tế có uy tín đều đã đưa tin, “nhưng sao chưa thấy bất cứ 1 trong 600 tờ báo quốc doanh Việt Nam đưa tin nhỉ?”.
Ông Truyền dẫn lời cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, để bình luận: “Một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng. Một đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính.”
Ý Nhi – thoibao.de