Bất chấp vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, Việt Nam vẫn phớt lờ việc các công ty nội địa làm ăn với Triều Tiên

Ngày 13/11, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận: “Việt Nam tìm kiếm lợi ích gì khi duy trì làm ăn với Bắc Hàn?”.

Theo đó, RFA cho hay, cơ quan quản lý Tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ ra Thông báo hôm 17/10, cho biết, Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam đã trả khoản tiền phạt 860.000 USD, trách nhiệm dân sự thay cho một công ty con của mình, vì vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ với Bắc Triều Tiên.

Theo thông báo nói trên, từ năm 2016 đến năm 2018, một số công ty con của Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam đã bán đồ uống có cồn cho Bắc Triều Tiên, nhận về khoảng 1.141.547 đô la.

Theo RFA, năm 2017, Công ty Thái Lan là ThaiBev mua lại công ty Sabeco (Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn) thông qua Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam.

Năm 2019, dàn lãnh đạo mới của Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam đã phát hiện ra các giao dịch nói trên với Bắc Triều Tiên. Họ chủ động thông báo cho chính phủ Hoa Kỳ để xử lý vấn đề và nộp phạt.

RFA bình luận, sự kiện này đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích của Việt Nam khi duy trì mối quan hệ với Bắc Triều Tiên.

Thương vụ buôn bán đồ uống có cồn của Việt Nam với Bắc Hàn mà chính phủ Mỹ vừa công bố mức phạt hôm 17/10, chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong bức tranh thương mại Việt Nam – Triều Tiên rộng lớn hơn.

RFA cũng cho hay, theo công bố của chính phủ Mỹ, công ty con của Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam đã bán cho Bắc Hàn lượng hàng hóa trị giá hơn 1,1 triệu đô la từ 2016 đến 2018. Trong khi đó, chỉ tính riêng năm 2017, Việt Nam xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên hơn 7,3 triệu đô la.

Như vậy, ngoài công ty nước giải khát chủ động báo cáo với chính phủ Mỹ nêu trên, còn nhiều đơn vị khác đang làm ăn với Bắc Triều Tiên nhưng chưa được công bố.

Câu chuyện Công ty TNHH Nước giải khát Việt Nam bị chính phủ Hoa Kỳ bắt nộp phạt vì làm ăn với Bắc Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận Mỹ, cho thấy mối quan hệ Việt Nam – Bắc Triều Tiên về mặt thương mại như vậy có nguy cơ gây ra thiệt hại cho chính Việt Nam.

Trong khi đó, mặc dù có những tuyên bố về hợp tác quân sự giữa Hà Nội và Bình Nhưỡng, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Sài Gòn cho rằng, chúng ta “sẽ không thể biết cụ thể vì những hợp tác này hoàn toàn bí mật”.

RFA dẫn lời nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng, không thể tách rời các mối quan hệ làm ăn của Việt Nam với Bắc Triều Tiên ra khỏi các vấn đề chiến lược.

Theo ông Hoàng Việt, việc Việt Nam vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ, trong quan hệ làm ăn với Bắc Triều Tiên không phải là vấn đề với Việt Nam lúc này. Ông nói tiếp:

“Bởi vì lúc này là lúc cả Mỹ và Hàn Quốc đều không muốn một cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ, Nhật, Hàn đều rất khó có một kênh nào để đối thoại với Bắc Triều Tiên. Lúc này chỉ có Nga, Trung Quốc, Việt Nam là có thể nói chuyện với Bắc Triều Tiên. Nhưng Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản không thể nhờ cậy Nga và Trung Quốc, vì có thể chính Nga và Trung Quốc đứng sau những động thái gây căng thẳng gần đây của Bắc Triều Tiên. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đóng vai trò trung gian tuyệt vời. Đó là cái Việt Nam thu nhận được lần này”.

RFA cho biết, có một số nhà nghiên cứu nhấn mạnh đến vai trò của Việt Nam trong việc giải quyết căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, RFA cũng dẫn lời của ông Vũ Xuân Khang, từ Đại học Boston College, nhận định theo một góc nhìn khác. Theo đó, lập luận trên mặc dù không sai về lý thuyết nhưng sai về thực tiễn:

“Việt Nam không có vai trò gì đối với an ninh trên bán đảo Triều Tiên, nên Việt Nam sẽ không thể tham gia vào các tiến trình hòa giải như một bên liên quan”.

 

Thu Phương – thoibao.de