Chính sách độc quyền sản xuất, kinh doanh vàng của Nhà nước đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, và cuộc sống của người dân. Đây là một nghịch lý đã tồn tại từ rất lâu, liên quan gì đến chủ trương kiểm soát, và cưỡng đoạt của chính quyền khi nhìn nhận “vàng trong dân còn nhiều lắm”.
Truyền thông nhà nước, ngày 11/11, đưa tin, tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Đoàn Đồng tháp đã đặt câu hỏi: “Nếu người dân muốn bán vàng thì bán ở đâu, bởi khi ngân hàng không mua, các cửa hàng vàng khác cũng không dám mua?”.
Theo Đại biểu Hòa, việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước để “bình ổn giá vàng” là chủ trương được người dân rất đồng tình. Nhưng tại sao, các ngân hàng chỉ bán vàng ra, mà không mua vào?
Điều đó đã tạo ra dư luận xấu, khi người dân cho rằng, bên trong các bọc nhựa đựng vàng SJC 9999 chỉ là kim loại màu vàng, mà không biết chất lượng ra sao? Đó là chưa kể đến việc, các ngân hàng của Nhà nước chỉ bán vàng tại Hà Nội và Sài Gòn. Tại sao không được thực hiện trên cả nước, với mục đích tạo thuận lợi cho người dân?
Trước câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, từ năm 2014, do chủ trương độc quyền sản xuất vàng miếng, nên Ngân hàng Nhà nước không bán vàng miếng ra thị trường. Cho nên, Ngân hàng Nhà nước không có chủ trương mua lại, và theo bà Hồng, trong giai đoạn hiện nay các ngân hàng thương mại nhà nước chủ yếu tăng cung cấp vàng ra thị trường.
Về lý do, các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ bán vàng ở Hà Nội và Sài Gòn, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước không có quy định bắt buộc là phải bán vàng ở địa điểm nào.
Vẫn theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, trên thực tế, nhu cầu mua bán vàng chủ yếu là ở Hà Nội, Sài Gòn và các thành phố lớn. Các tỉnh thành trong cả nước hầu như không có hiện tượng người dân giữ vàng hoặc xếp hàng mua vàng.
Không đồng tình với phần trả lời của Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, việc ngân hàng bán vàng miếng nhưng không mua lại từ người dân là “vấn đề hệ trọng”. Đây là điểm rất bất hợp lý.
Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, vàng không như ngoại tệ. Việc kiểm định phẩm chất, hàm lượng vàng rất phức tạp. Trong khi đó, nhiều loại vàng, không thể chứng minh được nguồn gốc, xuất xứ. Đây là một trong những khó khăn vướng mắc.
Được biết, từ hồi đầu tháng 6/2024, Ngân hàng Nhà nước chỉ bán vàng miếng nhãn hiệu SJC cho bốn ngân hàng quốc doanh, trong đó có Công ty SJC. Trong năm đơn vị trên, chỉ có duy nhất công ty SJC thực hiện mua lại vàng miếng của Công ty SJC sản xuất, còn 4 ngân hàng thương mại khác không mua vào.
Trong một nền kinh tế thị trường tự do, vàng đóng vai trò như một loại tài sản bảo đảm, là phương tiện đầu tư, và là yếu tố quan trọng trong ổn định kinh tế. Vàng không chỉ là một kim loại quý mà còn mang lại sự an tâm, và bảo vệ giá trị tài sản của người dân trong bối cảnh kinh tế biến động, và lạm phát tăng quá cao như ở Việt nam.
Nhưng trong một nền kinh tế “nửa dơi, nửa chuột” mang tên Kinh tế Thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại chủ trương chống “vàng hóa”, nhằm ngăn chặn việc sử dụng vàng như một phương tiện thanh toán, và tích trữ phổ biến trong nền kinh tế, là điều trái quy luật.
Những nghịch lý trong phiên Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, về việc từ năm 2014 đến nay, Nhà nước Việt Nam vẫn duy trì chủ trương độc quyền sản xuất vàng miếng, cho thấy, việc Hoa kỳ và các quốc gia Tây phương vẫn xếp Việt Nam vào danh sách các nước có nền kinh tế phi thị trường là quá xứng đáng.
Trà My – Thoibao.de