Vua tôi nhà Tô – Lương, cặp “thầy bói mù” xem “voi” dân chủ ở Đức!

Chuyến công tác của Lương Tam Quang cuối tháng trước được chuẩn bị rất chu đáo. Tô Lâm chuẩn bị Trịnh Xuân Thanh và hợp đồng nhà máy điện hạt nhân giao cho nhà thầu Đức, để làm món hàng trao đổi. Hai món quà “đắt giá” được dùng để đổi lấy 1 nhân vật, mà Việt Nam cho là không có giá trị gì với nước Đức, đó là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Tuy nhiên, dù đã chuẩn bị 2 món “xa xỉ”, để đổi lấy 1 món “bình dân”, nhưng vua tôi nhà Tô – Lương lại thất bại. Câu hỏi là vì sao?

Đầu tiên là nhân vật bị mật vụ bắt cóc từ Đức đưa về Việt Nam – Trịnh Xuân Thanh – khi đang chờ cấp quy chế tị nạn tại Đức, khiến quan hệ ngoại giao Việt – Đức bị ảnh hưởng. Từ đó đến nay, suốt 7 năm qua, Đức vẫn luôn lên tiếng đòi trả Trịnh Xuân Thanh về vị trí ban đầu.

Với việc kiên trì đòi người dai dẳng từ Đức, nhà cầm quyền Cộng sản cho rằng, Trịnh Xuân Thanh là “món hàng quý” đối với Đức. Tuy nhiên, điều này là không đúng. Đức đòi người vì tuân thủ luật pháp của họ. Trịnh Xuân Thanh đang chờ quy chế tị nạn tại Đức, nên ông được sự bảo vệ của luật pháp Đức, chứ ông không phải là món hàng có giá trị lớn lao đối với nhà nước Đức.

Thứ nhì là việc Tô Lâm mang dự án điện hạt nhân ra để trao đổi. Dự án này, chắc chắn là dự án nhiều tỷ đô la Mỹ, rất lớn. Tuy nhiên, nếu dùng nó để phá vỡ quy tắc của một nhà nước pháp quyền như Đức, thì là điều không thể.

Ở Đức hay các nước dân chủ khác, bất cứ ai cũng không thể đứng trên luật pháp, kể cả nhà nước. Vậy nên, đem một dự án lớn làm mồi, để bảo phía Đức bẻ gãy một vài quy định của luật pháp Đức, để trao bà Nhàn cho vua tôi nhà Tô – Lương, là điều không thể.

Trong thất bại này, vua tôi nhà Tô – Lương xem trọng giá trị hiện vật, nên ỷ y rằng, phía Đức thấy lợi lớn thì sẽ đồng ý. Tuy nhiên, phía Đức lại xem trọng pháp quyền hơn là lợi ích trước mắt. Nền pháp quyền mang lại cho nước Đức sự hùng cường một cách bền vững. Còn dự án kia, nếu có mang lại lợi ích, thì cũng chỉ là cục bộ, đối với một vài doanh nghiệp Đức.

Như vậy, rõ ràng, tầm nhìn của Đức là bao quát, còn tầm nhìn của vua tôi nhà Tô – Lương là thiển cận, chỉ nhìn vào một góc nhỏ của vấn đề, kiểu thầy bói xem voi.

Thế giới văn minh phát triển từng ngày, trong đó, nền dân chủ của họ ngày càng hoàn thiện hơn, chính quyền ngày một trong sạch hơn, quốc gia ngày một thịnh vượng hơn. Họ không chỉ giàu có về tiền bạc, mà còn là quốc gia yên bình, hạnh phúc.

Ngược lại, ở Việt Nam, Đảng Cộng sản lại điên cuồng chống lại xu thế dân chủ hóa của thời đại. Họ tự đóng kín tai, không lắng nghe về dân chủ, họ tự nhắm chặt mắt, không hề đọc về dân chủ. Vì thế, họ trở nên đui mù trước những giá trị mà dân chủ mang lại.

Cũng vì thế, khi sang Đức đặt vấn đề hợp tác về tư pháp, lãnh đạo Việt Nam như người rừng, nhảy vào mâm cỗ của các quý ông, để cùng bàn chuyện. Vì thế, họ trở nên lạc lõng, và tất nhiên, họ thất bại trong mưu tính ấy.

Khi mới lên ghế Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cũng có những hành động được cho là khác biệt, so với ông Nguyễn Phú Trọng. Đó là việc thả nhiều nhà bất đồng chính kiến. Một số ý kiến lạc quan cho rằng, ông Tô Lâm cởi mở hơn người tiền nhiệm, và những ý kiến lạc quan hơn nữa, lại cho rằng, Tô Lâm có thể sẽ là Gorbachev của Việt Nam.

Tuy nhiên, với tư duy ấu trĩ, mù tịt về giá trị dân chủ, pháp quyền, ông Tô Lâm làm sao có thể hướng dẫn Đảng Cộng sản trở nên cởi mở hơn?

Nếu muốn có dân chủ, thì ít nhất, ông Tô Lâm phải hiểu về giá trị của dân chủ. Mà từ chỗ hiểu đến chỗ hành động, còn là khoảng cách vời vợi, chứ nói gì đến việc anh mù làm sao biết dân chủ hóa thế nào?! Sẽ rất khó.

 

Thái Hà – Thoibao.de