Cứ mỗi lần người đứng đầu Đảng Cộng Sản sang thăm Bắc Kinh thì đấy là mỗi lần những người yêu nước chân chính quan ngại Việt Nam lại bị tròng thêm thòng lọng. Tuy nhiên, dù quan ngại nhưng cũng đành bất lực vì Đảng Cộng Sản không nghe dân, nó chỉ hành động vì quyền lợi của nó chứ không vì quyền lợi quốc gia. Điều này đã được minh chứng từ Công hàm Phạm Văn Đồng 1958 chứ không phải mới đây. Vì giang sơn nằm trong tay Đảng Cộng Sản nên giờ đây Trung Quốc mới có “bằng chứng pháp lý” của họ với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Quan hệ giữa 2 quốc gia thì người ta dựa trên quyền lợi quốc gia. Quan hệ giữa 2 Đảng thì người ta chỉ quan tâm tới quyền lợi của Đảng, cho nên họ có thể hy sinh quyền lợi quốc gia cho những toan tính riêng của Đảng. Quan hệ giữa 2 cá nhân như thiên triều và thái thú thì lại càng nguy hiểm. Sẽ không có sự công bằng nào cả. Cấp trên chỉ có đòi hỏi và cấp dưới chỉ có vâng lệnh.
Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc là mối quan hệ có nhiều lớp. Lớp ngoài là tấm mặt nạ. Tấm mặt nạ ấy là quan hệ giữa 2 nhà nước. Tuy nhiên, bên trong đấy là quan hệ giữa 2 Đảng Cộng Sản. Mà nguy hiểm nhất là 2 Đảng Cộng Sản này xưng tụng với nhau là “anh em”. Chắc chắn Đảng Cộng Sản Việt Nam là em, và em thì chỉ có vâng lệnh anh chứ chẳng có đủ thẩm quyền để đòi hỏi.
Cho đến lúc này, quan hệ giữa 2 Đảng cũng chỉ là bình phong, thực tế là quan hệ giữa 2 cá nhân và trá hình bằng mối quan hệ 2 Đảng. Tô Lâm là người kế thừa nhiệm kỳ dang dở của Nguyễn Phú Trọng, nếu là quan hệ giữa 2 Đảng thì Tô Lâm không cần lặp lại công việc của Nguyễn Phú Trọng đã làm mà chỉ cần nối tiếp là đủ. Tuy nhiên, Tô Lâm lại nhanh nhảu sang Bắc Kinh “diện kiến” Tập Cận Bình, Tô Lâm có ý đồ gì?
Những người bị chết bí hiểm trong khoảng 10 năm trở lại đây như Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang, Lê Văn Thành vv… đều là những người từng đi Trung Quốc trước khi ngã bệnh. Rồi những người đi Trung Quốc thường nhưng không ngã bệnh thì sao? Nguyễn Phú Trọng đi Trung Quốc nhiều lần lại được Trung Quốc tận tình cứu chữa để kéo dài tuổi thọ cho ông. Lẽ ra Nguyễn Phú Trọng đã chết tại Kiên Giang vào năm 2019 nhưng nhờ y bác sĩ hàng đầu từ Trung Quốc cử sang, ông sống thêm 5 năm nữa và có nhiều chuyến thăm Trung Quốc để ký những hiệp nước quan trọng.
Ông Nguyễn Phú Trọng là người rất được lòng Tập Cận Bình và ông đã ngồi lại chiếc ghế Tổng bí thư cho đến chết mà không ai dám mở lời đề nghị ông nghỉ ngơi dưỡng bệnh. Ắt hẳn cái giá mà ông Nguyễn Phú Trọng có được cũng khiến cho Tô Lâm thèm thuồng. Những cái được cho là “hay ho” của ông Trọng đều được Tô Lâm kế thừa. Đấy là chiến dịch đốt lò không có vùng cấm, đấy là kết nối chặt chẽ với thiên triều.
Nếu vì quyền lợi quốc gia, chắc chắn Tô Lâm sẽ làm phật ý Bắc Kinh. Và nếu Bắc Kinh muốn thay Tô Lâm thì ông có yên mà ngồi đó được không? Lúc đó Tô Lâm sẽ đối diện với viễn cảnh thù trong giặc ngoài. Vậy thì, để có đủ sức mạnh đánh bại những thế lực thù trong thì tốt nhất là “thần phục” giặc ngoài. Điều đó sẽ đảm bảo hơn.
Với việc mới lên chức đã vội sang “chầu” sớm thì chắc chắn người dân Việt Nam khó có hy vọng nào ở ông Tổng bí thư mới về chính sách đối ngoại. Việt Nam đang là cái bóng của Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị, vì phụ thuộc chính trị mà sinh ra phụ thuộc kinh tế rất nặng nề.
Để phát triển, Việt Nam cần phải độc lập về chính trị với Trung Quốc. Độc lập về chính trị thì mới ký được những hiệp định có lợi cho đất nước và từ đó nền sản xuất trong nước mới được bảo hộ. Còn cứ quan hệ bất bình đẳng với Trung Quốc mãi, Việt Nam không thể nào thoát ra được để phát triển như Đài Loan, hay chí ít cũng như Thái Lan cũng khó.
Hoàng Phúc-Thoibao.de