Thích Chân Quang “mua bằng” hay Đại học Luật Hà Nội “cúng dường” bằng tiến sĩ?

Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao về bằng tiến sĩ luật mà ông Thích Chân Quang đã tốt nghiệp ở Đại học Luật Hà Nội. Câu hỏi đặt ra là, ông Thích Chân Quang tốt nghiệp Đại học Luật vào năm 2019 hệ tại chức, nhưng chỉ 2 năm sau, ông đã có bằng tiến sĩ, không qua đào tạo hệ thạc sĩ. Điều đáng nói là, thời gian học tiến sĩ ngắn kỷ lục, chỉ có 2 năm.

Ngày 28/6/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào đã tạo ban hành Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT, về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ. Theo đó, yêu cầu chung đối với người dự tuyển đào tạo trình độ tiến sĩ như sau:

– Đã tốt nghiệp thạc sĩ hoặc tốt nghiệp đại học hạng giỏi trở lên, ngành phù hợp;

– Đáp ứng yêu cầu đầu vào theo chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục Đào tạo ban hành, và của chương trình đào tạo tiến sĩ đăng ký dự tuyển;

– Có kinh nghiệm nghiên cứu thể hiện qua luận văn thạc sĩ của chương trình đào tạo định hướng nghiên cứu; Hoặc bài báo, báo cáo khoa học đã công bố; Hoặc có thời gian công tác từ 2 năm (24 tháng) trở lên, là giảng viên, nghiên cứu viên của các cơ sở đào tạo, tổ chức khoa học và công nghệ. Có 01 bài báo hoặc báo cáo thuộc lĩnh vực nghiên cứu đăng tạp chí khoa học, hoặc kỷ yếu hội nghị, hội thảo khoa học chuyên ngành, có phản biện trong thời hạn 36 tháng, tính đến ngày đăng ký dự tuyển.

Cũng trong Thông tư này, Bộ Giáo dục Đào tạo quy định, thời gian đào tạo tiến sĩ tối thiểu là 3 năm.

Như vậy, câu hỏi đặt ra là, vì ông Thích Chân Quang không qua hệ đào tạo thạc sĩ, thì ông phải tốt nghiệp đại học loại giỏi chuyên ngành luật. Qua các bài thuyết giảng Phật pháp của ông lưu truyền trên mạng xã hội, cho thấy, khả năng phân tích của ông rất kém cỏi, thiếu tính khoa học, hơn nữa, một học viên đại học hệ tại chức, có thể nhận được bằng tốt nghiệp loại giỏi hay không?

Giả sử, bằng cử nhân luật của ông Thích Chân Quang là loại giỏi, thì Đại học Luật Hà Nội giải thích như thế nào trước công luận, khi ông Thích Chân Quang nhận bằng tiến sĩ luật chỉ sau 2 năm tốt nghiệp đại học? Liệu ông Thích Chân Quang có thực sự học hay không? hay chỉ mua bằng rồi bảo vệ luận án tiến sĩ một cách qua loa, như các “lò ấp” tiến sĩ khác?

Đề tài luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang là “nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và Việt Nam”. Đề tài này được đăng công khai trên mạng xã hội, cùng với đó là clip về ông Thích Chân Quang trình bày trước Hội đồng Khoa học của nhà trường.

Ông Thích Chân Quang lập luận rằng, nghĩa vụ luôn phải đi đôi với quyền, và ông cũng cho rằng, luật pháp quốc tế nói về quyền quá nhiều, mà quên mất nghĩa vụ. Theo quan điểm của ông, nghĩa vụ và quyền luôn đi kèm với nhau, dính liền nhau. Đây cũng là điều mà chế độ Cộng sản luôn tuyên truyền.

Thực tế, quyền con người là quyền phổ quát, không đi kèm với bất cứ nghĩa vụ nào, đã là con người thì đương nhiên được hưởng quyền con người. Quyền con người bao gồm quyền của những nhóm yếu thế, như quyền trẻ em, quyền của người thiểu số, quyền của người bản địa… Đã là nhóm yếu thế, không có hoặc rất ít khả năng tự vệ, nên không thể đòi hỏi nghĩa vụ ở họ. Ngoài ra có những quyền lớn lao hơn, như quyền độc lập dân tộc, cũng không thể đi kèm điều kiện.

Trong Bản Tuyên ngôn Độc lập mà ông Hồ Chí Minh đọc vào ngày 2/9/1945, có trích Tuyên ngôn Độc lập Mỹ 1776, như sau: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền  ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Như vậy, rõ ràng, ông Hồ Chí Minh đã thừa nhận những quyền phổ quát của con người, không cần phải có nghĩa vụ mới được hưởng những quyền này. Vậy, luận án tiến sĩ của ông Thích Chân Quang, khác nào vả vào mồm ông Hồ Chí Minh?

Có thể nói, lối tư duy của ông Thích Chân Quang cũng mang hơi hướm tư duy Cộng sản, lệch lạc và áp đặt. Có lẽ vì vậy mà ông được nâng tầm thành tiến sĩ chăng?

Tuy nhiên, dư luận vẫn đợi câu trả lời từ phía chính quyền, về quá trình làm nghiên cứu sinh tiến sĩ của ông này, có gì khuất tất hay không?

 

Thái Hà – Thoibao.de