Ngày 5/6, RFA Tiếng Việt cho hay “Sư Thích Minh Tuệ mất tích: Dân biểu Hạ viện California và tổ chức quốc tế bày tỏ quan ngại”.
RFA cho hay, tung tích của sư Thích Minh Tuệ đến nay vẫn chưa rõ, sau cuộc bố ráp của công an vào rạng sáng ngày 3/6, đối với đoàn bộ hành hơn 70 người, ở xã Hương Thọ, Thừa Thiên Huế, khiến một Dân biểu Hạ viện tiểu bang California (Mỹ), nơi có số đông người Việt hải ngoại sinh sống, bày tỏ quan ngại.
Theo đó, Dân biểu Tạ Đức Trí của Hạ viện tiểu bang California, ngày 4/6 đã gửi thư đến Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ để bày tỏ sự lo ngại về việc chính quyền Việt Nam đối xử với sư Thích Minh Tuệ (thế danh là Lê Anh Tú).
Nhắc lại hành trình bộ hành của sư Minh Tuệ dọc đất nước Việt Nam, ông Tạ Đức Trí cho rằng nó đã thu hút được nhiều người theo dõi, được truyền cảm hứng từ hành trình đạo đức của sư và khơi dậy một phong trào xã hội ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông và nhân chứng gần đây cho biết rằng chế độ Cộng sản ở Việt Nam đã tùy tiện buộc ông phải chấm dứt hành trình của mình và chấm dứt các hoạt động tôn giáo đã thu hút rất nhiều người theo ông. Kể từ đó, ông ấy đã biến mất khỏi công chúng và không rõ tung tích,” bức thư bằng tiếng Anh được công bố trên Facebook cá nhân viết.
RFA cũng cho biết, trong thư gửi chung cho Ngoại trưởng Antony Blinken, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Michael McCaul, và Chủ tịch Tiểu ban Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Young Kim, Dân biểu Tạ Đức Trí nói rằng, Hà Nội đã viện cớ về việc kiểm soát giao thông để đàn áp quyền tự do tôn giáo của nhà sư và các tín đồ Phật tử, tuỳ tiện buộc sư Thích Minh Tuệ phải ngưng hành trình của mình.
Theo RFA, sáng 3/6, truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa cùng một bản tin, về việc sư Thích Minh Tuệ đã tự nguyện dừng cuộc hành khất.
Ngày hôm sau, báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh dẫn lời lãnh đạo Công an Thừa Thiên Huế, cho biết, đã đưa sư Minh Tuệ đến nơi cần đến, và Công an Gia Lai đã hỗ trợ ông làm căn cước.
RFA cho biết, việc sư Minh Tuệ mất tích khiến nhiều người nhớ lại việc đột nhiên vắng bóng của 2 lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng trong thế kỷ trước.
Đầu tiên là sự mất tích của người sáng lập Phật giáo Hoà Hảo, Đức Huỳnh Phú Sổ, vào đêm 16/4/1947.
Trường hợp thứ hai là sự mất tích của Tổ sư Minh Đăng Quang, người khai sáng hệ phái Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam. Theo một bài báo đăng trên trang Phật Giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ông bị một nhóm người ngoại đạo bắt đi biệt tích, vào đầu năm 1954, ở khu vực tỉnh Vĩnh Long, sau khi thu hút nhiều tín đồ bởi lối tu theo kiểu bộ hành khất thực.
RFA dẫn nhận định của ông Phil Robertson, Giám đốc tổ chức Những người vận động Nhân quyền và Lao động Châu Á, cho rằng, không ai tin vào câu chuyện lố bịch bịa ra bởi chính quyền, rằng Thích Minh Tuệ bỏ cuộc và về nhà.
“Các quyền tự do tôn giáo cũng như quyền tự do ngôn luận và hội họp của Thích Minh Tuệ bị chà đạp một cách trắng trợn” – ông nói.
“Vấn đề cốt lõi là Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ nhìn thấy những âm mưu, kế hoạch chống lại họ trong mọi việc, nên dùng đến biện pháp đàn áp liên tục, đối với bất cứ thứ gì mà chính quyền không kiểm soát được.”
“Sự hoang tưởng này trực tiếp dẫn đến cuộc đàn áp nghiêm trọng đang diễn ra, đối với tất cả các cá nhân và nhóm độc lập trong xã hội, khiến Việt Nam trở thành quốc gia vi phạm nhân quyền tồi tệ nhất ở Đông Nam Á, sau chế độ quân sự Myanmar.”
Bên cạnh đó, RFA cũng cho biết, ngày 4/6, Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đã ra Thông bạch về vụ việc, và nói, sư Thích Minh Tuệ “đúng là một tu sĩ Phật giáo”.
Thông bạch nói, tình yêu và sự ngưỡng mộ của người dân dành cho thầy Minh Tuệ, làm lu mờ tất cả mọi thần tượng của chế độ, làm sụp đổ tương lai của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được thành lập và nuôi dưỡng bởi nhà cầm quyền, và đe dọa sự tồn vong của nhiều thế lực khác.
Do vậy, nhà cầm quyền đã quyết định vô hiệu hóa thầy Minh Tuệ, bằng cách tách ông ra khỏi Phật tử và người dân, an trí thầy một nơi để họ dễ kiểm soát.
Tăng đoàn cũng yêu cầu Nhà nước Việt Nam tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn trọng sự chọn lựa tu hạnh đầu đà của sư Minh Tuệ, mà không can thiệp, để ông vân du tứ phương, khai hoá người dân, làm cho xã hội từ đó tốt hơn, tử tế hơn và văn minh hơn.
Xuân Hưng – thoibao.de