Ai sẽ là Tổng Bí thư tại Đại hội 14?

Ngày 26/5, báo Tiếng Dân đăng bài bình luận “Tranh vòng tứ kết” của tác giả Lê Minh Nguyên.

Thoibao.de trích giới thiệu bài viết đến quý khán thính giả, nội dung như sau:

Chính trường của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 19 tháng tới, từ bây giờ cho tới Đại hội 14, còn lại 4 người tranh chức Tổng Bí thư. Đó là: Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm, Phạm Minh Chính và Lương Cường.

Ông Trọng muốn ngồi thêm nhiệm kỳ 4, nhưng lần này ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là lần trước ở Đại hội 13, khi ông phá vỡ luật chơi để ngồi thêm nhiệm kỳ thứ 3.

Có 3 chướng ngại lớn mà ông phải đương đầu so với lần trước.

Thứ nhất là sức khỏe của ông càng ngày càng tệ hơn trước đây và điều này ai cũng thấy.

Thứ hai là các phe nhóm đã chờ đợi 5 năm, các lãnh tụ của họ đã mỏi mòn và cũng đã lớn tuổi, không thể chờ đợi thêm được nữa.

Thứ ba là họ không còn tin ông Trọng nữa, và có thể, ông Trọng phải ở trong tình huống “ba chọi một, không chột cũng què”.

Vì thế, từ nay cho đến tháng 1/2026 có thể sẽ có xì căng đan nổ ra cho ông Trọng. Việc ông Trọng tiếp tục ngồi lại chỉ là một sự bất ổn chính trị.

Ông Tô Lâm vừa vào trong Tứ trụ. Phe công an có 5 người trong Bộ Chính trị, nhưng họ rời công an đã lâu, không chặt chẽ như 3 người bên quân đội. Con đường tiến tới chức Tổng Bí thư của ông tương đối chông chênh, bởi vì ông có khá nhiều kẻ thù.

Qua việc ông trực tiếp bổ nhiệm lãnh đạo công an tỉnh/ thành, ông có thể đã xây dựng được thế lực trong Bộ Công an, nên hồ sơ tham nhũng của các ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vẫn còn là một thứ sinh tử phù, để họ bỏ phiếu ủng hộ ông, cho dù tân Bộ trưởng Công an là ai.

Nếu không có sức mạnh này thì ông sẽ không thắng nổi trong cả 3 cơ chế Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư.

Hơn nữa, việc tướng công an lên làm Tổng Bí thư thì chưa có tiền lệ, chỉ có tiền lệ bên phía quân đội, qua trường hợp của ông Lê Khả Phiêu. Nếu ông không nắm được Bộ Công an, thì sân sau và hồ sơ đen của ông sẽ bị chiếu tướng.

Trong trò chơi quyền lực của Đảng Cộng sản, có 2 vũ khí được sử dụng để chiến thắng, đó là vận dụng cương lĩnh – nghị quyết và sức mạnh bạo lực.

Nhìn qua thế trận, thì nếu ông Tô Lâm chơi game cương lĩnh – nghị quyết thì chắc chắn ông sẽ thua.

Ông Phạm Minh Chính – trước khi sử dụng Hiến Pháp 2013 đề nghị Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Công an của ông Tô Lâm – thì làm kẻ ngồi hàng rào, hay “tọa sơn quan hổ đấu”, nên được lợi thế là không có nhiều kẻ thù. Nhưng lưỡi gươm AIC -Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn còn treo lơ lửng. Ông Chính có được lợi thế là phe của ông Nguyễn Tấn Dũng hậu thuẫn. Ông đang nắm quyền lực số 2 trong Tứ trụ, cho nên, dù ông không tranh được chức Tổng Bí thư, thì cũng có thể thoả hiệp với 1 trong 3 người còn lại, để họ thắng Tổng Bí thư.

Ông Lương Cường, Đại tướng, hiện là Thường trực Ban Bí thư. Ông phục vụ về mặt chính trị của Đảng và chưa bị điều tiếng gì. Do Đảng đang chấp nhận hy sinh sự phát triển kinh tế để giữ vững an ninh Đảng trị, nên ông Cường có lợi thế hơn ông Chính. Vì vậy, nếu không có gì xảy ra, thì cán cân có chiều hướng nghiêng về phía ông Cường. Ông có thể đi từ Thường trực Ban Bí thư thẳng lên Tổng Bí thư, như tiền lệ đã xảy ra với ông Lê Khả Phiêu. Tuy nhiên, đây chỉ là những ngoại suy từ những gì đã biết được.

Đảng đang muốn ổn định chính trị theo nguyên tắc “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý”, trong bối cảnh Nhà nước càng ngày càng bị vuột ra khỏi tầm tay của Đảng, do sự phát triển của kinh tế.

Để đi theo lối mòn cũ, Đảng phải cậy dựa vào an ninh và quân đội. Bộ Chính trị hiện giờ có 16 người, thì hết 8 người, tức là 1/2, xuất thân từ phía an ninh quân đội, phía đại diện cho Nhà nước thì hết sức là yếu ớt và thiểu số, chỉ chừng 3 nguời.

Với những tiền đề như vậy, thì có thể nói, ông Lương Cường có lợi thế nhất, nếu ông Trọng bước ra khỏi cuộc chơi.

 

Thu Phương – thoibao.de