Ngày 15/5, RFA Tiếng Việt bình luận “Vì sao báo chí nhà nước tránh nhắc về “hiện tượng” sư Thích Minh Tuệ?”’.
Theo đó, một vị sư với y áo chắp vá bằng những mảnh vải rách, cầm nồi cơm điện thay bình bát, đi khất thực. Hình ảnh nhận diện ông là đầu trần, chân đất, ông phát nguyện bộ hành dọc đất nước để tập học Phật pháp, được người dân khắp nơi tôn kính, dõi theo.
RFA cho biết, ông xưng pháp danh là Thích Minh Tuệ, tu theo 13 hạnh Đầu Đà. Không tự nhận mình là sư thầy, không theo một giáo hội nào, cũng không thuyết pháp, nhưng hành trình của sư đã thu hút được sự chú ý và mến mộ từ rất nhiều người dân trong nước.
Truyền thông Nhà nước không nhắc đến ông, nhưng hàng chục YouTuber đã đi theo sư Minh Tuệ, ghi lại từng nẻo đường mà vị sư này đi qua. Do đó, ông đang trở thành một “hiện tượng”.
RFA dẫn lời ông Thành Đỗ, từng là Trưởng ban nghiên cứu Phật học, giảng viên trường Đại học Phật giáo ở Paris, giải thích:
“Cái cốt lõi của đạo Phật, của một người tu sĩ là “Giới, Định và Tuệ”. Khi một người tu sĩ giữ chặt những giới luật của một người tu sĩ, thì cái “Giới” sẽ sinh ra cái “Định”, và cái “Định” sẽ sinh ra cái “Tuệ”.
Cái “Tuệ” khi đã có rồi, thì giống như ngọn đèn được thắp sáng trong bóng đêm. Từ xa, người ta nhìn thấy ngọn đèn đó sẽ tìm đến. Một vị sư mà giữ “Giới” thật là chặt, thì tự nhiên sẽ tỏa sáng và mọi người sẽ đến với ông ta.”
RFA cũng dẫn lời một nhà báo trẻ trong nước, nói rằng:
“Các ông thầy ở Việt Nam được hậu thuẫn bởi Nhà nước, nói tầm bậy để thuyết phục cúng dường, rồi vẽ ra những chuyện mê tín, điên khùng để thao túng người dân đi vào những hố sâu của mê muội. Cho nên, bản thân câu chuyện thanh bạch và đi hành đạo của thầy Thích Minh Tuệ, cho thấy một sự khác biệt rất rõ.”
“Và cái sự ủng hộ đối với thầy Thích Minh Tuệ, cũng cho thấy thái độ của người dân, đối với Giáo hội Phật giáo quốc doanh là đã quá chán.”
Đồng quan điểm với nhà báo này, RFA dẫn lời bà Tố Nga nhận định thêm:
“Có nhiều tăng ni trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam xảy ra tình trạng kêu gọi Phật tử cúng dường quá nhiều, nên khi sư Minh Tuệ không nhận tiền cúng dường, thì người dân sinh lòng thần tượng.”
“Người dân sống trong một cơ chế chính trị độc tài, giáo dục xuống cấp, tôn giáo cũng bị nhà cầm quyền thao túng, nên họ mất niềm tin vào tổ chức tôn giáo của nhà nước, nên khi sư Minh Tuệ xuất hiện, với pháp tu tự do, không nhận tiền bố thí, thì người dân cảm thấy thầy là chân tu.”
Lý giải về việc báo chí nhà nước không đưa tin về sư Minh Tuệ, nhà báo trẻ cho rằng:
“Việc từ chối tham gia một hệ phái do Nhà nước lập ra, và thực hiện việc tu tập tự thân, không có liên quan đến bất kỳ ai, là một điều mà nhà nước hay là Giáo hội Phật giáo Việt Nam không thích, không công nhận.”
Còn ông Thành Đỗ thì nhìn nhận rằng:
“Tôi nhận thấy một điều là, vừa rồi có những vị sư mà mình hay gọi là sư quốc doanh của Giáo hội Phật giáo Nhà nước, bắt đầu đăng đàn và phán như là một bề trên phán xuống, là thầy Minh Tuệ làm như vậy là đúng, là sai, là không được quyền, không được phép… Có một ông trắng trợn nhất là Thích Chân Quang còn kêu thầy là “thằng ba trợn”, thì những điều đó rất đáng lo ngại.
Nhà nước cho tới giờ này vẫn đứng ngoài đứng ngó thôi, nhưng mà khi bắt đầu có một áp lực từ phía bên Phật giáo Việt Nam, thì tôi e rằng, sẽ dữ nhiều lành ít cho sư Minh Tuệ.”
RFA cho biết thêm, Thượng toạ Thích Chân Quang – Phó trưởng ban Kinh tế Tài chính Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì Chùa Phật Quang, từng phát biểu chỉ trích sư Minh Tuệ trong một bài thuyết pháp của mình.
Phát biểu của ông sư này ngay lập tức nhận được hàng loạt chỉ trích trên mạng xã hội, khiến ông phải gỡ bỏ video.
Quang Minh – thoibao.de