Ngày 6/5, báo chí nhà nước đồng loạt loan tin, ông Đặng Trí Dũng – Bí thư Thành ủy Thành phố Đà Lạt, đã vắng ở nơi làm việc suốt 10 ngày qua, nhưng không báo cáo cơ quan. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã giao cho bà Ngô Thị Mỹ Lợi – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Lạt, tạm thời điều hành cơ quan này trong thời gian Bí thư Dũng vắng mặt.
Trước ông Dũng, đã có trường hợp ông Trần Đức Quận – Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng, cũng mất tích gần 2 tháng không rõ lý do. Tuy nhiên, sau đó, đến tối ngày 24/1, Bộ Công an đã chính thức phát đi thông báo khởi tố, bắt tạm giam ông Quận, với các tội danh “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến vụ án khu du lịch sinh thái Đại Ninh của đại gia Nguyễn Cao Trí.
Một vụ khác, cũng vắng mặt nhiều ngày tại nơi làm việc gần đây, là trường hợp của ông Dương Văn Thái – Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang. Theo thông tin chính thức từ tỉnh Bắc Giang, ông Dương Văn Thái đã không đến cơ quan từ ngày 7/4 đến ngày 4/5 – ngày Bộ Công an công bố về việc khởi tố, bắt tạm giam đối với ông Thái. Cũng từ ngày 7/4 đến nay, bà Lê Thị Thu Hồng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Bắc Giang, được phân công thay thế ông Thái.
Hiện nay, vẫn chưa rõ, việc ông Đặng Trí Dũng “mất tích” là như thế nào? Ông đã bị bắt cóc, bị giam giữ; hay ông đánh hơi thấy điều chẳng lành nên chạy trốn?
Giới thạo tin đánh giá, khả năng rất cao, ông Dũng đã bị Tô Lâm cho bắt cóc, để điều tra. Việc bắt cóc và không công khai trước công chúng, sẽ rất có lợi cho Tô Lâm. Bởi ông có thể thoải mái khai thác đối tượng trong bóng tối. Nếu không đủ bằng chứng, ông có thể thả người, và xem như không có chuyện gì xảy ra. Tất nhiên, người được thả phải cam kết câm họng theo yêu cầu của Tô Lâm.
Được biết, trước đó, cụ thể là từ ngày 4/1 đến 28/1, ông Đặng Trí Dũng cũng từng vắng mặt ở nơi làm việc, và cũng không có báo cáo cơ quan. Tuy nhiên, đến ngày 29/1, ông Dũng bất ngờ đi làm trở lại, mà cũng không trình bày lý do vì sao vắng mặt. Một nguồn tin riêng cho biết, lần đó, ông Dũng cũng đã bị “bắt cóc”, bị khai thác, nhưng do chưa đủ chứng cứ, nên công an thả ra cùng với lời cam kết không tiết lộ quá trình làm việc này.
Được biết, ông Đặng Trí Dũng, trước khi giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Lạt, từng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng. Trước đó nữa, ông làm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng. Khả năng rất cao, ông là mắt xích quan trọng, trong chuỗi sai phạm của dự án Đại Ninh, thuộc sở hữu của đại gia Nguyễn Cao Trí.
Hiện nay, các nguồn tin phi chính thống đang được mở hết công suất, nói rằng, bà Trương Thị Mai đã tác động đến dàn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, buộc phải trao dự án khu du lịch sinh thái Đại Ninh vào tay đại gia Nguyễn Cao Trí. Đây được xem là hướng đánh mà ông Tô Lâm nhắm vào Thường trực Ban Bí thư, kiêm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Đánh úp, không thông qua quy trình xử lý kỷ luật về mặt Đảng, đang là “thương hiệu” mới của Tô Lâm. Cách xây dựng “thương hiệu” cá nhân của Tô Lâm khác hẳn Tổng Trọng.
Giờ đây, Tô Lâm lại làm thêm một “thương hiệu” mới nữa. Đó là, cho công an bắt cóc các lãnh đạo địa phương để khai thác. Nếu lòi ra tội, thì sau đó cho khởi tố luôn. Nếu không lòi ra tội, hoặc không đủ bằng chứng, thì công an lặng lẽ tạm thả họ ra, và buộc họ câm miệng.
Với cách làm như vậy, nếu Tô Lâm mà lên Tổng Bí thư, thì đấy sẽ là ác mộng đối với người dân Việt Nam. Cách “bới lông tìm tội” theo kiểu bắt cóc để nặn cho ra tội, là cách làm rất nguy hiểm cho xã hội.
Hoàng Anh – Thoibao.de