Đảng trưởng tự rút súng bắn vào chân mình khi “nhóm lò”

Ngày 28/4, blog Lê Quốc Quân trên VOA bình luận ‘“Vũ khí Pháp quy” đã vượt khỏi tầm kiểm soát?”

Theo tác giả, chính trường Việt Nam chưa bao giờ xáo trộn dữ dội như bây giờ.

Có rất nhiều đồn đoán xung quanh sự việc, nhưng dân chỉ biết đến thông báo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, với nội dung gần như giống nhau cho tất cả những người vi phạm. Con người là khác nhau về xuất thân, tính cách, vị trí công tác và hành vi vi phạm… nhưng Đảng chỉ dùng một “form” để đưa ra cho công chúng.

Vẫn theo tác giả, cũng vì tính đồng phục trong quản lý báo chí, đã khiến tin đồn và báo chí phi chính thống tha hồ bình luận, dẫn dắt và suy đoán… Và rồi, mọi nỗ lực tìm hiểu đều dẫn đến “Các quy định của đảng”.

Chưa bao giờ, Đảng công khai sử dụng các công cụ “nội bộ” để “hạ bệ” hàng loạt nhân vật cao cấp của nhà nước một cách chóng vánh, trước đôi mắt tròn xoe của nhân dân như bây giờ. Có lẽ, cũng chưa bao giờ, sự chuyên chính tung ra những cú “phản công” dứt điểm và nảy lửa vào khái niệm “Nhà nước pháp quyền” và sự độc lập của nền tư pháp như hiện nay?.

Tác giả cho rằng, càng bế tắc về lý luận soi đường, Đảng càng cực đoan chui sâu vào lý luận, đồng thời xây dựng hệ thống văn bản cho riêng mình, song hành cùng một hệ thống “Quy phạm pháp luật” của Nhà nước.

Bộ 3 “đao kiếm” được tung ra gần đây nhất để hạ bệ nhau là:

  • Quy định số 08/QĐ/TW ngày 25/10/2018 về Trách nhiệm nêu gương của Đảng viên;
  • Quy định số 37/QĐ-TW ngày 25/10/ 2021 về những Điều đảng viên không được làm;
  • Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3/11/2021 về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ.

Tác giả cho hay, tất cả các Quy định này đều khá ngắn, vừa mơ hồ vừa cụ thể, như những vũ khí vô cùng ảo diệu trong đánh nhau, có khả năng phình to, thu nhỏ; lúc cần thì tạo độ bao phủ lớn, sức công phá mạnh, nhưng cũng có thể khoanh vùng, đánh nhẹ và sâu, chỉ cần trúng một mục tiêu nhỏ.

Tác giả nhận xét, quy trình đánh một “mục tiêu”, ban đầu Đảng sử dụng Quy định 37/QĐ-TW, dựa vào 19 Điều đảng viên không được làm để xác định hành vi vi phạm. Tiếp đến, Đảng sử dụng Quy định số 08/QĐ-TW về Trách nhiệm nêu gương của đảng viên, để quy trách nhiệm “gây dư luận xấu và ảnh hưởng đến uy tín của Đảng”, rồi cuối cùng rút ra Quy định số 41/QĐ-TW, buộc phải từ chức hoặc đối mặt với pháp luật của Nhà nước.

Để làm được điều đó, Bộ Công an luôn theo dõi và khởi tố, bắt tạm giam các lãnh đạo công ty sân sau, thu thập bằng chứng để sẵn, và tiến hành mặc cả. Cần “nhẹ” thì bỏ qua, nếu “cương” thì thọc lên khai trừ, bắt, xét xử, kết án tù theo Luật Hình sự.

Tác giả nhận định, lẽ ra, các văn bản này chỉ là công cụ nội bộ của Đảng, để giám sát và kỷ luật lẫn nhau trong Đảng, nhưng Điều 1 Quy định số 41-QĐ/TW ghi rõ “Áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị”, nghĩa là, áp dụng cho toàn bộ đất nước, trên mọi vị trí mà đảng viên đang nắm giữ, dù là vị trí dân sự được dân bầu.

Như vậy, tác giả đánh giá, bằng quy định nội bộ của mình, Đảng đã tước lấy quyền lực trong tay nhân dân, tự chọn cho nhân dân những người lãnh đạo, từ cấp thôn cho đến Chủ tịch nước. Đảng đã công nhiên đứng trên pháp luật Việt Nam, cao hơn ý chí và nguyện vọng của nhân dân, tự chọn rồi lại tự phế truất.

Nhân dân chỉ biết đứng nhìn như xem Tivi, mà không được biết lý do.

Tác giả bình luận, đã một thời, Việt Nam nói rất nhiều về xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp, nhưng nó thực sự đã bị quy định của Đảng và cả các tác phẩm của ông Trọng chặn đứng lại.

Tác giả kết luận, với tư cách là Đảng trưởng, ông đã tự rút súng bắn vào chân mình khi nhóm lửa. Ông không thể ngờ được rằng, hàng loạt uỷ viên Bộ Chính trị có thể ra đi, và toàn bộ bộ máy cán bộ công chức như “đóng băng” vì sợ như bây giờ.

Nghiêm trọng hơn, nhân dân và doanh nghiệp sẽ luôn tự hỏi “điều gì đang xảy ra” trong “hội kín đó”, và tương lai thực sự sẽ ra sao?

 

Xuân Hưng – thoibao.de