Có thể nói, sức mạnh của ông Nguyễn Phú Trọng bao lâu nay là dựa vào Ban Bí thư và Bộ Công an. Ban Bí thư, Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra Trung ương hỗ trợ mạnh cho ông Trọng trong việc tìm củi để ông đốt lò. Ban Tuyên giáo thực hiện công tác truyền thông cho phe lò, Ban Tổ chức thực hiện sắp xếp nhân sự, trám vào chỗ trống do phe củi để lại. Ngoài ra, kẻ hốt củi quẳng vào lò không ai khác chính là Tô Lâm.
Đấy là bộ máy làm nên sức mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giờ đây, bộ máy này đã rã ra một mảng lớn, đấy là Bộ Công an. Tuy lò vẫn cháy rực, nhưng cách đốn củi hiện nay đã khác trước rất nhiều. Những vụ bắt bớ gần đây cho thấy, vai trò của Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú đứng đầu, khá mờ nhạt. Quy trình biến quan tham thành củi đã bị đảo lộn. Bộ Công an xuống tay thừng, mà không thèm đợi Ban Bí thư thực hiện phần việc của họ.
Phe lò chắc chắn sẽ rã đám, tuy nhiên, trước đây, nhiều người nghĩ, phe lò chỉ rã đám khi ông Trọng chết hoặc rời khỏi quyền lực. Tuy nhiên, thực tế thì phe này đã tan rã sớm hơn dự đoán. Điều này khiến cho ông Trọng mất đi thanh “bảo kiếm” bao lâu nay. Hiện nay, thanh “bảo kiếm” vẫn đang chém xuống đầu hàng loạt quan tham, nhưng nó đang ở trong tay Tô Lâm. Tô Lâm đang “tiền trảm hậu tấu”, và thậm chí, ông ta trảm mà chẳng cần tấu với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với cách thức tiến hành từng bước trên con đường thâu tóm quyền lực của Tô Lâm, cho thấy, ông đang học lại công thức thành công của Nguyễn Phú Trọng. Đầu tiên là cầu viện Bắc Triều, xin đỡ đầu, sau đó là công thức ngồi Tứ trụ nắm Bộ Công an. Tuy nhiên, thành công đối với Tô Lâm vẫn đang ở phía trước, và chưa chắc đã đến như mong đợi. Vì hiện nay, Vương Đình Huệ vẫn đang làm mọi cách để ngăn cản Tô Lâm đoạt quyền lực.
Cả dư luận quốc tế và trong nước đều cho rằng, hiện nay là thời bất ổn chính trị nhất trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Cho đến nay, ghế Chủ tịch nước vẫn đang để trống, và các bên vẫn đang làm mọi cách, kể cả đánh dưới thắt lưng, chuốc thuốc và sang Bắc Kinh cầu viện.
Rõ ràng, Tô Lâm đang học theo công thức thành công của Nguyễn Phú Trọng, dù ông phản lại ông Trọng. Còn ông Vương Đình Huệ, liệu ông có theo đuổi một công thức khác, hay vẫn học theo cách làm của ông Trọng?
Công thức mà ông Trọng đưa ra đã chứng minh sự thành công thông qua thực tế. Ông Huệ sẽ không mạo hiểm để theo đuổi một công thức mới chưa được kiểm chứng. Thật ra, ông Huệ cũng đang theo đuổi công thức của Tổng Trọng, giống Tô Lâm. Ông cũng đi sứ sang Tàu cầu viện, cũng muốn phe Nghệ An của ông nắm Bộ Công an. Việc đẩy Phan Đình Trạc ra để tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an với đàn em Hưng Yên của Tô Lâm, có 2 mục đích: thứ nhất là phá thế cờ của Tô Lâm, và thứ nhì là tạo sức mạnh cho Vương Đình Huệ.
Hiện cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ, nhưng dù ai ngồi vào ghế Tổng Bí thư, thì cũng sẽ lặp lại những điều mà ông Trọng đã làm. Việc bê nguyên công thức của ông Trọng, chính là đoạt lấy thanh bảo kiếm trong tay ông. Với bản chất tham quyền cố vị, khó có chuyện ông Trọng chịu bàn giao quyền lực cho người khác. Những người này chỉ có thể tự thân đoạt lấy mà thôi.
Với đà đấu đá khốc liệt như thế này, hai đối thủ ngang tài ngang sức Tô Lâm và Vương Đình Huệ rất khó để còn “nguyên vẹn” cả 2, cho đến Đại hội 14.
Còn 20 tháng nữa mới đến Đại hội ăn chia, nhưng xem ra, sẽ có thêm người ngã ngựa trước vạch đích. Bởi rất khó để Vương Đình Huệ và Tô Lâm cùng về đích một lúc.
Trần Chương – Thoibao.de