Vì sao Tổng Trọng và phe cánh phải chặn bằng được tham vọng của Tô Đại?

Bất kể Chủ tịch Quốc Hội Vương Đình Huệ đang ở thăm Bắc Kinh, cuộc chiến cung đình Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo giới quan sát, tại thời điểm hiện nay, cuộc đua vào chiếc ghế Tổng Bí thư nhiệm kỳ tới, chỉ còn 2 ứng viên có tiềm năng là Vương Đình Huệ và Tô Lâm.

Mới nhất, truyền thông nhà nước đưa tin, Ban Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam vừa ra quyết định kỷ luật, bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng, đối với một số đảng viên là lãnh đạo và cựu quan chức, ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Yên… do “có sai phạm”.

Theo giới quan sát, đáng chú ý, tuyệt đại đa số các nhân vật vừa kể, đều là nạn nhân của Tô Lâm. Đây là những người thân cận, hay có mối quan hệ tốt với Tổng Trọng.

Điều đó cho thấy, các quyết định xử lý kỷ luật vẫn do Ban lãnh đạo Đảng, thuộc quyền chỉ huy của Tổng Trọng kiểm soát. Đó là lý do, Bộ trưởng Tô Lâm bất chấp Điều lệ Đảng, sẵn sàng khởi tố, bắt giam, các lãnh đạo do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quản lý, theo lối “tiền trảm, hậu tấu”.

Ngược dòng thời gian về sau Đại hội 12 (năm 2016), sự bành trướng thế lực nhanh chóng của ngành Công an, gắn liền với vai trò và quyền lực của Bộ trưởng Tô Lâm. Vào đầu nhiệm kỳ khóa 12, Tô Lâm chưa có vai trò nổi bật, và chưa được Nguyễn Phú Trọng tin cậy. Tổng Trọng vẫn phải tự chen mình vào danh sách nhân sự của Đảng uỷ Công an Trung ương, với vai trò Đảng ủy viên.

Tuy nhiên, sau “chiến công” bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về quy án, Tô Lâm dần dần đã tạo được niềm tin đối với ông Nguyễn Phú Trọng.

Kết quả, niềm tin này không chỉ mang lại cho Bộ trưởng Công an quân hàm Đại tướng, mà quan trọng hơn, đã giúp Tô Lâm trở thành Bộ trưởng Công an quyền lực nhất.

Ông Tô Lâm phá bỏ một truyền thống đã thành nguyên tắc của ngành công an, từ khi thành lập đến nay. Đó là, bổ nhiệm giám đốc công an các tỉnh không còn là người địa phương. Trước đây, giám đốc công an các tỉnh do Đảng bộ tỉnh bầu chọn, Bộ chuẩn y. Nhưng giờ đây, Bộ trưởng Tô Lâm trực tiếp bổ nhiệm các giám đốc sở công an.

Đây là lý do, vì sao, có nhiều đồn đoán về sự thay đổi cơ cấu vừa kể, và dư luận đưa ra cáo buộc, đây là những thương vụ “mua quan bán chức”, đem lại cả núi tiền về cho Bộ trưởng Tô Lâm. Trong lúc, có nhiều ý kiến nói rằng, ông Tô Lâm đang Hưng Yên hóa bộ máy lãnh đạo công an, với hơn 30 lãnh đạo người Hưng Yên, từ Thứ trưởng đến giám đốc công an ở các tỉnh.

Không chỉ vậy, Bộ Công an từ thời cố Bộ trưởng Trần Đại Quang tới nay, đã và đang bành trướng sức mạnh quân sự, không ngại tranh chấp quyền lực với quân đội. Việc Bộ Công an tăng cường đầu tư xe bọc thép, máy bay trực thăng chiến đấu, không đơn giản chỉ nằm trong giới hạn đàn áp nhân dân, mà còn để cạnh tranh với Bộ Quốc phòng.

Gần đây nhất, Bộ Công an đã được Quốc hội thông qua Luật Lực lượng Tham gia Bảo vệ An ninh Trật tự, tăng cường gần 750,000 dân phòng, công an bán chuyên trách. Đây sẽ là một lực lượng đáng kể. Biên chế của Bộ Công An hiện đã lên đến hơn 1.5 triệu người, cho thấy, sức mạnh của ngành Công an dưới thời Bộ trưởng Tô Lâm đã bao trùm xã hội, và lấn lướt quân đội.

Đó cũng là lý do vì sao, Tổng Trọng và đa số các uỷ viên Bộ Chính trị và quan chức cấp cao, đã và đang hết sức lo ngại về sự bành trướng quyền lực mà Tô Lâm đã thiết lập được qua cơ chế này. Theo đó, tới khi kết thúc nhiệm kỳ Đại hội 13, lãnh đạo 63 tỉnh thành và các bộ ngành, từ Trung ương đến địa phương, sẽ trở thành con tin trong tay Tô Lâm.

Trong số các ứng viên cho ghế Tổng Bí thư hiện nay, quyền lực của Tô Lâm là vô đối. Ủy ban Kiểm tra Trung ương của bà Trương Thị Mai có quyền nhưng không có thực lực. Các ban khác trong Đảng cũng chỉ nhân danh lãnh đạo Đảng để kết luận những chuyện “gạo đã nấu thành cơm”.

Việc Bộ Công an hạ bệ cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng – nhân vật thân cận của ông Trọng, mà Tổng Bí thư đành bất lực, khoanh tay đứng nhìn. Điều đó cho thấy, các ban Đảng của ông Tổng, cũng như phe cánh Nghệ Tĩnh, không đủ nhân sự, không đủ uy lực, không có tài liệu tàng thư “nhúng chàm”, như Bộ Công an đã có. Trong lúc này, trong tay Tổng Trọng chỉ có cơ chế quyền lợi để ban phát, nhưng không đủ uy lực như Tô Lâm.

Dẫu Tổng Trọng đang giữ thế thượng phong, nhờ chuyến đi Bắc Kinh của Vương Đình Huệ, nhưng nếu thiếu thận trọng, ông Trọng vẫn lãnh đủ. Những điều này cho thấy, việc thay thế, thậm chí xử lý hình sự đối với Tổng Trọng, theo tính toán của Tô Lâm và phe cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là điều hoàn toàn có cơ sở.

Đó là lý do vì sao, Tổng Trọng và phe cánh bằng mọi giá phải chặn đứng tham vọng trở thành Tổng Bí thư của Tô Lâm./.

 

Trà My – Thoibao.de