Ngày 4/4, RFA Tiếng Việt nêu thắc mắc “Sao số vụ chống lại Cảnh sát Giao thông ngày càng tăng?”
RFA dẫn thống kê từ Cục Cảnh sát Giao thông, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2024, toàn quốc có 51 vụ người tham gia giao thông chống đối lực lượng cảnh sát giao thông, tăng hơn 140% so với cùng thời gian năm ngoái. Những vụ tấn công này khiến 21 cán bộ, chiến sĩ bị thương. Cảnh sát đã bắt giữ 55 người, khởi tố 50 vụ với tội danh chống người thi hành công vụ.
RFA dẫn ý kiến của nhà báo Nguyễn Khắc Toàn cho rằng, chuyện người vi phạm chống đối cảnh sát, là bức tranh phản ánh hiện thực “thượng bất chính hạ tắc loạn” trong xã hội hôm nay.
Ông nói thêm:
“Bộ công an đưa ra những chủ trương, chính sách ngặt nghèo quá, máy móc quá.”
“Một xã hội văn minh, kỷ cương phép nước được tôn trọng, thì cả hai phía đều ý thức. Nhân dân phải tôn trọng pháp luật và Nhà nước phải gương mẫu, trong sạch. Người dân có sự coi thường cảnh sát giao thông bởi những hình ảnh nhận tiền công khai trên đường phố.”
RFA dẫn dự thảo “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” đang được Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến, có thể thấy, lực lượng này có rất nhiều quyền hạn. Chẳng hạn như, có quyền dừng phương tiện tham gia giao thông để kiểm tra việc chấp hành các quy định về quy tắc giao thông đường bộ; có quyền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật…
RFA cho biết, có nhận định rằng, việc lực lượng cảnh sát giao thông tiến hành những chiến dịch gọi là “đợt kiểm soát để chấp hành nghiêm các quy định về giao thông”, cũng gây bất bình cho người đi đường, dẫn đến việc dồn nén và chống đối lại lực lượng này. Với những đợt kiểm soát như vậy, cảnh sát giao thông có quyền dừng tất cả các loại xe khách, container, xe hơi, xe máy để kiểm tra, mà không cần có lỗi ban đầu.
Mới đây, theo RFA, Cục Cảnh sát giao thông thuộc Bộ Công an cho biết, sẽ có lực lượng cảnh sát giao thông hóa trang, mặc thường phục, thường xuyên di chuyển, bí mật nắm tình hình, để ghi nhận vi phạm trên các tuyến đường không có hệ thống camera giám sát. Điều này cũng gây bất bình cho công chúng, bởi chuyện giả danh công an để lừa đảo đã từng xảy ra.
Vẫn theo RFA, chuyện cảnh sát giao thông ăn hối lộ, nhũng nhiễu người tham gia giao thông, từng được báo chí nhà nước nhiều lần lên tiếng, một số cảnh sát giao thông bị cảnh cáo.
RFA dẫn quan điểm của một cựu công an:
“Các cụ đã nói “giọt nước tràn ly”… lực lượng cảnh sát giao thông Việt Nam đẻ ra lỗi để bắt, cho nên người dân hết sức là bức xúc. Thêm vào đó, nhà nước trao cho lực lượng cảnh sát giao thông quá nhiều quyền hạn, vượt quá mức cần thiết.”
RFA nhắc lại một số vụ tấn công cảnh sát giao thông, như:
Tháng 4/2023, một video ở Long An cho thấy, cảnh sát giao thông đã chặn xe 2 người đi đường, để chặn xe chở ma túy. Hai người này cùng với một cảnh sát giao thông đã bị thiệt mạng, vì bị xe chở ma túy tông vào.
Tháng 4/2019, có một clip cảnh sát giao thông chĩa súng, đánh người vi phạm giao thông tại Sài Gòn.
Tháng 4/2022, có clip cảnh sát giao thông vật người bị cho là vi phạm giao thông xuống đường, rồi dùng chân đạp vào mặt người này khi ông nằm dưới đường, tại Sài Gòn.
Tháng 9/2022, có clip 4 cảnh sát giao thông đánh tới tấp thiếu niên chạy xe máy ở Sóc Trăng…
RFA cho biết thêm, người tham gia giao thông chống đối lực lượng cảnh sát giao thông thì bị bắt giam, bị khởi tố với tội “chống người thi hành công vụ” khi họ chỉ có tay không. Trong khi, lực lượng này được trang bị vũ khí và công cụ hỗ trợ, bao gồm súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn hơi cay, dùi cui điện, áo giáp và còng số 8.
Thu Phương – thoibao.de