Ngày 21/3, RFI Tiếng Việt bình luận “Chủ tịch nước từ chức: Lo ngại bất ổn chính trị ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam”.
Theo đó, trong khuôn khổ chiến dịch bài trừ tham nhũng, chưa đầy 2 năm, 2 chủ tịch nước của Việt Nam đã “xin thôi giữ các chức vụ”. Tháng 3/2023, ông Võ Văn Thưởng thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc, để rồi chịu chung số phận sau quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng hôm 20/3/2024.
RFI cho hay, giới quan sát đồng loạt ghi nhận, đây là “dấu hiệu đáng lo ngại về ổn định chính trị” tại Việt Nam, vào lúc mà Việt Nam đang được “chiếu cố” trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế Mỹ – Trung dâng cao
Giới quan sát cho rằng, việc ông Thưởng bị Đảng “phạt” là dấu hiệu cho thấy, nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đang có những “đấu đá” khốc liệt, để chuẩn bị cho giai đoạn “hậu Nguyễn Phú Trọng”.
RFI đặt câu hỏi: Phải chăng, đấu đá nội bộ đã lan tới ngay cả một người được coi là thuộc phe của ông Trọng, như ông Võ Văn Thưởng ?
Chiến dịch “đốt lò” ở Việt Nam, dùng lá bài chống tham nhũng để triệt hạ các đối thủ chính trị theo mô hình của Trung Quốc, giờ đây, đã được mở rộng đến mức “không còn một ai được an toàn”. Nhưng việc trong chưa đầy 2 năm, Hà Nội 2 lần cách chức chủ tịch nước, một trong bốn nhân vật lãnh đạo hàng đầu của chế độ, được cho là có nguy cơ đẩy Việt Nam vào “giai đoạn bất ổn chính trị”.
Theo RFI, giới phân tích cảnh báo, bất ổn trên chính trường Việt Nam đó có thể sẽ “tác động đến môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam”, vào lúc mà Việt Nam đang có tham vọng mở rộng cửa đón đầu tư nước ngoài, và nhất là trở thành một “thung lũng công nghệ cao” của thế giới. Nhân chuyến công du Việt Nam hồi tháng 9/2023, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã hứa giúp Việt Nam phát triển công nghệ bán dẫn, và liền sau đó, các doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực này đã đặc biệt chiếu cố Việt Nam.
RFI phân tích, trước hết, cho đến nay, Việt Nam vẫn được coi là một điểm đến an toàn trong mắt các nhà đầu tư, chính là nhờ vào sự “ổn định chính trị”, vào lúc mà châu Âu và Mỹ tìm cách giảm mức độ lệ thuộc vào Trung Quốc, dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu khỏi Hoa Lục. Do vậy, việc đi quá đà trong chính sách “đốt lò”, coi chừng sẽ bất lợi cho Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài sợ rằng, chính sách kinh tế của Việt Nam cũng sẽ có những chuyển biến khó lường.
Điểm thứ nhì, vẫn theo RFI, vào lúc Việt Nam đang tìm một thế cân bằng trong cuộc đọ sức Mỹ – Trung, nhân vật quyền lực nhất trong chế độ Hà Nội là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì đã tuổi cao sức yếu, đương nhiên, Việt Nam phải tìm người thay thế. Chính yếu tố này càng châm thêm củi lửa cho các cuộc đấu đá chính trị gay cấn hơn, khốc liệt hơn, từ nay cho đến Đại Hội Đảng kỳ tới vào năm 2026. Đó không phải là điềm lành trong mắt các nhà đầu tư muốn chọn đến Việt Nam.
Điểm thứ ba, RFI tiếp tục phân tích, nhân sự lãnh đạo của Việt Nam có thể sẽ phản ánh đường lối đối ngoại của chính quyền Hà Nội. Vào thời điểm mà cuộc đọ sức giữa 2 siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc được báo trước là sẽ “tiếp tục gia tăng cường độ”, lại càng khó để Việt Nam giữ được “thế cân bằng”, mà chìa khóa được đặt trong tay Tổng Bí thư. Do vậy, nhiều nhà quan sát e rằng, cho dù Việt Nam nhanh chóng chỉ định tân Chủ tịch nước thay thế ông Thưởng, ngày nào mà quốc tế chưa biết ai sẽ kế nhiệm ông Trọng, thì vấn đề đối với Việt Nam vẫn nguyên vẹn.
RFI nhận định, giai đoạn chọn người lãnh đạo có thể kéo dài, và với nhiều tính toán ở bên trong. Một số nhà đầu tư có thể quyết định đợi thêm cho đến khi mọi việc rõ ràng hơn, và vấn đề nhân sự được ngã ngũ. Điều đó làm dấy lên lo ngại là, trong thời gian tới, Việt Nam ít có cơ hội thu hút các dự án đầu tư lớn.
Chủ tịch nước từ chức: Bất ổn chính trị ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam