Ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư đến nay đã là năm thứ 13. Kế thừa “ngôi vị” từ ông Nông Đức Mạnh, nhưng thời điểm ông Nguyễn Phú Trọng “lên ngôi” Tổng Bí thư, quyền lực của “ghế vua” này lại yếu hơn Thủ tướng.
Trong 5 năm đầu, ông Trọng lo củng cố quyền lực cho vị trí của “ngai vàng” của mình. Mãi đến cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông mới hoàn toàn vượt qua được ông Nguyễn Tấn Dũng.
Sau khi củng cố được quyền lực, ông Trọng lập nên cái “lò” để “dọn rác”, hay còn gọi là “củi” – là những quan chức không thuộc hệ sinh thái quyền lực của ông. Kể từ nhiệm kỳ thứ 2, ông Trọng mới thực sự vững vàng trên chiếc ghế của mình. Công thức để ông tạo nên thế vô đối trong Đảng là: “Tứ trụ cộng với kiểm soát Bộ Công an”.
Khi đã nắm chắc quyền lực tuyệt đối trong tay, thế là, ông ban bố luật chơi của riêng mình. Bất chấp điều lệ Đảng về giới hạn tuổi, giới hạn nhiệm kỳ, và quy định nghiêm ngặt về sức khỏe, ông Trọng tự xé rào và tự ban phát “suất đặc biệt” cho chính mình, để thực hiện tham vọng quyền lực.
Bề ngoài, ông tỏ ra là người hành động vì sự trong sạch của nhà nước, của Đảng, nhưng kỳ thật, đấy là cách để ông dọn sạch những mầm mống chống đối ông trong Đảng. Bởi nếu ông không trừ khử những kẻ không ưa ông trong Đảng, thì họ sẽ ý kiến ý cò, sẽ dị nghị những điều không hay về ông, sẽ chống lại những chính sách mà ông muốn thực hiện… khiến ông bực mình, đồng thời cũng làm ông mất lòng dân.
Kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ 2 của ông, năm 2016, Tô Lâm lên làm Bộ trưởng Bộ Công an, thì đấy cũng là lúc quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng mạnh nhất. Tô Lâm là con người có bản chất gian hùng, không thích tuân thủ luật pháp, tàn bạo và phàm ăn (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng). Với một người như vậy, khi được bật đèn xanh, cho phép không cần tuân thủ luật pháp, thì đấy chính là phần thưởng không gì lớn bằng, đối với Tô Lâm.
Người Việt có câu “chơi dao có ngày đứt tay”, để cảnh báo những người muốn sử dụng mưu mô bất chính, sử dụng công cụ bạo lực, thì có ngày, chính công cụ ấy lại làm tổn thương chính mình. Từ năm 2016, ông Trọng dùng Tô Lâm như là công cụ, và nay, đến lúc công cụ của ông tấn công ngược lại ông.
Vừa tham vọng, vừa dã tâm, vừa manh động đó là con người của Tô Lâm. Có lẽ, trước đây, ông Tổng chỉ thấy sự manh động, bất chấp của Tô Lâm, nên mới dùng Tô Lâm như là công cụ để thanh trừng đối thủ, mà quên đi tham vọng và dã tâm của ông này. Vì vậy, ông Trọng mới rơi vào bị động, khi bị chính Tô Lâm trở mặt.
Tuy nhiên, công bằng mà nói, thì rõ ràng, ông Trọng cũng đối xử bất công với Tô Lâm. Bởi ông Vương Đình Huệ là người luôn trốn tránh những nơi nguy hiểm, những trò thư hùng sinh tử, nhưng lại được ưu ái chọn làm người “kế vị”. Còn Tô Lâm thì “vào sinh ra tử” để xây dựng sức mạnh quyền lực cho ông Tổng, thì lại không được ưu ái. Vì vậy, việc Tô Lâm “tạo phản” chỉ là vấn đề thời gian.
Sức khỏe của ông Trọng đang ngày một yếu dần, có khả năng, ông không thể kéo dài đến hết nhiệm kỳ. Vậy mà, ông không chịu ban “suất đặc biệt” ra bên ngoài Tứ trụ. Rất có thể, chính điều này khiến Tô Lâm không yên, bởi Tô Lâm còn muốn ở lại Bộ Chính trị để tranh hùng tranh bá với những đối thủ khác.
Cú ra đòn của Tô Lâm đang khiến “triều đình Cộng sản” rối ren. Từ nhiều ngày qua, Bộ Chính trị họp kín nhưng vẫn chưa ngã ngũ. Không chỉ ông Võ Văn Thưởng ngã, mà có khả năng bà Trương Thị Mai cũng đổ theo, khiến ông Trọng tuổi cao sức yếu phải tự mình chống đỡ trước “cọp dữ” Tô Lâm. Nếu lúc này, ông Tổng “băng hà”, thì sẽ có nhiều phim hay để xem.
Năm Trọng Phú thứ 13, vua sắp băng hà, phản thần họ Tô nổi loạn, triều đình rối ren!
Xuân Hưng – Thoibao.de