Vụ Vạn Thịnh Phát: Những bất thường khó hiểu và vì sao Trương Mỹ Lan phản cung?
Ngày 5/3, Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành phiên sơ thẩm xét xử vụ án Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và bà Trương Mỹ Lan, cùng 85 đồng phạm. Theo kế hoạch, phiên tòa dự kiến kéo dài gần 2 tháng, từ ngày 5/3 đến 29/4.
Theo giới quan sát, chỉ trong vài ngày đầu của phiên tòa, vụ án Vạn Thịnh Phát đã phát sinh quá nhiều mâu thuẫn giữa kết luận điều tra và cáo trạng, so với lời khai và lập luận của các bị cáo tại tòa.
Tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các bị cáo trong vụ án này đều đã nhận tội. Chỉ riêng bà Trương Mỹ Lan vẫn phủ nhận cáo trạng và tiếp tục phản cung. Giới quan sát đánh giá rằng, bà Trương Mỹ Lan đã và đang thể hiện bản lĩnh với những thông tin phản bác. Rất có thể, bà sẽ gây ra nhiều bất ngờ trong những ngày xét xử sắp tới.
Nhà báo Hoàng Linh, cựu phóng viên báo Tuổi Trẻ, mới đây đưa ra cảnh báo đối với hệ thống truyền thông nhà nước, khi cho rằng, các phóng viên đưa tin với thái độ ác ý, cố tình đổ tội cho bà Lan. Hoàng Linh viết:
“Trên Facebook cá nhân của một số phóng viên, bày tỏ ác cảm rõ rệt với bà Trương Mỹ Lan, đề nghị các tòa soạn kiểm tra lại tính bất thiên vị khi tường thuật phiên tòa và đổi phóng viên khác.”
Kiến trúc sư Dương Quốc Chính – một Facebooker có đông người theo dõi, trong status với tiêu đề “Vụ Vạn Thịnh Phát – SCB”, đã nhận xét rằng:
“Cho đến giờ, thông tin về vụ này mới là một chiều, từ phía công an và viện kiểm sát (qua kết luận điều tra và cáo trạng), tức là từ phía buộc tội. Chưa có thông tin từ chiều bên kia, là từ phía luật sư và bị cáo. Vì thế, dư luận hiện mới bị định hướng lòng căm thù vào bà Lan. Chắc đa số đang bị như vậy?”
Vẫn theo Dương Quốc Chính, việc bà Lan có những phản ứng đầu tiên, là phản cung cũng như bác bỏ một phần cáo trạng, không công nhận mình sở hữu trên 90% cổ phần SCB, không công nhận đã chỉ đạo lãnh đạo SCB, thì chắc, bà Lan sẽ còn phản cung nhiều vấn đề khác nữa.
Những điều kể trên cho thấy, phải chăng, có những thế lực trong nội bộ lãnh đạo cấp cao, trên thượng tầng của Ban lãnh đạo Việt Nam, đang nỗ lực giải cứu cho bà Trương Mỹ Lan cùng các đồng phạm? Tất nhiên, đây là những kẻ có dính líu đến vụ án này, và lo sợ “cháy thành vạ lây” đối với họ.
Những phản cung của bà Trương Mỹ Lan trước tòa cho thấy, kết luận điều tra của Bộ Công an, cũng như cáo trạng của Viện Kiểm sát Tối cao, khi cho rằng, “từ năm 2012 đến tháng 10/2022, bà Trương Mỹ Lan – Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát, đã thâu tóm, nắm giữ từ 85% đến 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB, trở thành cổ đông lớn nhất có quyền chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng SCB”, là không có cơ sở.
Trước tòa, bà Lan khẳng định, cổ phần của Ngân hàng SCB là do những người khác nhờ bà tìm người đứng tên giúp.
Giới chuyên gia thấy rằng, đây là tình trạng phổ biến. Thậm chí, 100% các ngân hàng thương mại cổ phần đều có tình trạng tương tự. Và dư luận đặt câu hỏi, vì sao, đã bắt vụ Ngân hàng SCB, mà lại không bắt vụ khác? Nguyên nhân sâu xa dẫn tới vụ bắt bớ này là gì?
Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, bà Trương Mỹ Lan và một số lãnh đạo của Ngân hàng SCB đã hối lộ cho Đoàn Thanh tra liên ngành của Chính phủ, do bà Đỗ Thị Nhàn làm Trưởng đoàn. Tất cả 18 thành viên trong Đoàn thanh tra đều nhận tiền hối lộ, để thay đổi kết quả thanh tra và che giấu sai phạm của ngân hàng này. Riêng cá nhân bà Đỗ Thị Nhàn đã nhận hối lộ tới 5,2 triệu Mỹ Kim, một khoản hối lộ cho cá nhân lớn chưa từng thấy.
Công luận cho rằng, chỉ một lãnh đạo cấp Cục, Vụ của Ngân hàng Nhà nước, đã nhận hối lộ lên tới 5,2 triệu Mỹ Kim. Thì chắc chắn, các cấp lãnh đạo cao hơn, không chỉ trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước, mà cả trong Chính phủ, không loại trừ Tổng Trọng, đã nhận bao nhiêu tiền từ bà Lan? Dư luận cần có câu trả lời thỏa đáng.
Có những ý kiến của giới phân tích, từng cảnh báo rằng, việc khởi tố, bắt giam và xét xử bà Trương Mỹ Lan, có thể sẽ dẫn đến những diễn biến khó lường cho tình hình chính trị Việt Nam. Đó là lý do khiến cho những lãnh đạo cấp cao phải tránh né.
Đừng quên, Ban lãnh đạo Bắc Kinh cũng hết sức chú ý đến diễn biến của phiên tòa này./.
Trà My – Thoibao.de