Sự “ra đi” bí ẩn của nhiều người liên quan Vạn Thịnh Phát
Mới đây, RFA Tiếng Việt đã đăng bài bình luận của blogger Gió Bấc, với tựa đề “Phiên tòa Vạn Thịnh Phát: tấu hài trên những xác người”.
Tác giả nhắc đến cái chết của 3 cấp dưới của bà Lan: Nguyễn Tiến Thành (ngày 7/10/2022), Nguyễn Phương Hồng (ngày 9/10/2022) và Nguyễn Ngọc Dương (ngày 14/10/2022).
Tác giả cho biết, theo tường thuật phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát sáng ngày 5/3, báo chí không đưa tin về việc 3 bị cáo Trương Mỹ Lan, Nguyễn Cao Trí, và Chu Lập Cơ đồng loạt khai thời điểm bị bắt khác với hồ sơ vụ án.
May mắn là BBC đã thông tin chi tiết, cụ thể, bà Lan khai “bị bắt vào 8 giờ đêm ngày 6/10/2022 tại ngoài đường”, trong khi, cáo trạng ghi ngày bắt giữ bà Lan là ngày 8/10/2022.
Nguyễn Cao Trí khai bị bắt ngày 15/1/2023, nhưng tới tận tháng 8/2023, Bộ Công an mới thông báo đã khởi tố, bắt tạm giam ông này từ 15/1/2023.
Chu Lập Cơ nói ông bị bắt ngày 1/11/2022, trong khi, công an thông báo việc bắt giữ ông này là vào tháng 11/2023.
Tác giả phân tích, đối chiếu với lời khai của bà Trương Mỹ Lan, thì ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Chứng khoán Tân Việt, thành viên Hội đồng Quản trị Ngân hàng SCB, đã chết bí ẩn 1 ngày sau khi bà Lan bị bắt.
Tác giả đặt câu hỏi: Với vai trò quan trọng trong vụ án, liệu ông Nguyễn Tấn Thành có thể tại ngoại khi bà Lan đã bị bắt không? Ông Thành thật sự đã chết ở đâu, vì sao chết, ông đã tiết lộ điều gì trước khi chết? Vì sao cơ quan tố tụng đã có độ trễ 2 ngày khi xác định thời điểm khởi tố, bắt giam bà Trương Mỹ Lan?
Theo tác giả, những câu hỏi tương tự cũng có thể đặt ra với bà Nguyễn Phương Hồng và ông Nguyễn Ngọc Dương. Đặc biệt, bà Phương Hồng chết trong thời điểm đang bị tạm giam thì càng khó hiểu.
Tác giả tiếp tục đề cập đến 2 cái chết bí ẩn khác của các cựu quan chức. Đó là, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Minh, được cho là “đột tử” tại nhà riêng ngày 4/3/2023; và Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Nguyễn Văn Hùng nhảy lầu ngày 21/11/2022.
Trong khi đó, mạng xã hội dẫn thông tin nội bộ cho hay, “ông Trần Văn Minh đã treo cổ tự tử tại nhà riêng, vào rạng sáng ngày 4/3/2023”.
Công an vào cuộc, nhưng theo hướng bịt miệng và dẫn dắt dư luận đi theo thông tin chính thống của Đảng, là ông Trần Văn Minh tử vong do đột quỵ vì bệnh lý.
Tuy nhiên, tác giả cũng cho biết, theo thông tin rò rỉ, ông Minh đã nhận hàng chục tỷ đồng từ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và các quan chức tại các tỉnh thành. Vụ việc đang bị các cơ quan nội chính của đảng soi kỹ, nên ông Minh bị dồn đến đường cùng. Ông Trần Văn Minh cùng với ông Nguyễn Văn Hùng, đều là nhóm theo phe cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.
Vẫn theo tác giả, ông Nguyễn Văn Hùng thì nhảy lầu ngay tại trụ sở của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, được cho là bị các đồng chí của ông bức tử, vì liên đới đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Sai phạm của ông Trần Văn Minh liên quan đến kết luận thanh tra và sửa đổi kết luận thanh tra dự án Đại Ninh của Nguyễn Cao Trí. Lùm xùm tại dự án này đã kéo theo Bí thư, Chủ tịch và hàng loạt quan chức Lâm Đồng bị khởi tố bắt giam. Hơn nữa, quyết định của ông Minh còn liên quan đến Phó Thủ Tướng Thường trực lúc ấy là Trương Hòa Bình.
Tác giả cho rằng, ông Minh có tự tử vì nhận hối lộ của Vạn Thịnh Phát hay không vẫn còn là bí mật, những ai nữa có liên quan đến ông Minh và Vạn Thịnh Phát cũng là bí mật chôn theo nấm mộ của ông
Tác giả cũng nhắc lại cái chết của Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ vào ngày 18/2/2014, sau khi Dương Chí Dũng khai tại toà (ngày 8/1/2014) về việc ông Dũng đưa 500.000 USD của bà Lan cho ông Ngọ. Sau cái chết của ông Ngọ, vụ việc này được khép lại.
Tác giả kết luận, từ cái chết của Phạm Quý Ngọ đến hàng loạt cái chết bí ẩn mới đây cho thấy, phiên tòa Vạn Thịnh Phát vẫn là vở tấu hài trên xương máu người dân và vận mệnh dân tộc. Trùm vai, trùm đầu, trùm cuối của vụ án vẫn đang ngồi yên hưởng.
Minh Vũ – thoibao.de