Kịch chiến cung đình, Tô muốn bứng một trụ để dọn đường hậu Bộ công an?
Còn chưa đầy 2 năm nữa là đến kỳ Đại hội ăn chia của Trung ương Đảng khóa 14. Ông Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an hiện nay, đã giữ chức Bộ trưởng 2 nhiệm kỳ và cũng đã quá tuổi. Vì vậy, đến năm 2026, nếu không có bến đỗ trong “Tứ trụ”, thì Tô Lâm buộc phải về vườn. Khi đó, Tô Lâm khó mà giữ an toàn cho bản thân. Tấm gương của ông Nguyễn Chí Vịnh vẫn còn đó. Dù không còn làm mưa làm gió trên chính trường, nhưng ông Vịnh vẫn bị nhiễm căn bệnh lạ, tương tự như các quan chức đã nhiễm bệnh mà chết khi đang tại chức.
Cách đây một năm, khi ông Nguyễn Xuân Phúc ngã ngựa, thông tin riêng cho biết, khi đó, ông Tô Lâm tránh né chiếc ghế Chủ tịch nước hữu danh vô thực. Có 2 nguyên nhân, thứ nhất, nếu ngồi vào ghế này thì khả năng tự bảo vệ sẽ yếu hẳn, bởi ông Tô Lâm có rất nhiều kẻ thù. Lý do thứ hai, có thể, ông Tô Lâm muốn ở lại Bộ Công an để “vơ vét” thêm, bởi ngân sách Trung ương cấp cho Bộ Công an đến hơn 100 ngàn tỷ mỗi năm. Ngồi ở ghế Bộ trưởng Bộ Công an 1 năm, thì có khi còn hơn ngồi bộ khác hàng chục năm.
Giờ đây, nhiệm kỳ thứ 2 của ông Tô Lâm đang đi đến điểm cuối. Ông cần chuẩn bị cho mình một bến đỗ mới, chỗ đó, chắc chắn là Tứ trụ. Vị trí mà ông Tô Lâm nhắm đến là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng vị trí này cũng có 3 ứng cử viên khác nhòm ngó, đó là Vương Đình Huệ, Phạm Minh Chính và Võ Văn Thưởng. Cho đến nay, chỉ có ông Nguyễn Phú Trọng là người 2 lần hưởng suất đặc biệt (suất dành cho người trên 65 tuổi được ở lại Bộ Chính trị) và ông Nguyễn Xuân Phúc được hưởng 1 lần. Vẫn chưa có trường hợp nào ngoài tứ trụ hưởng suất này. Như vậy, ông Tô Lâm cần phải vào được Tứ trụ ngay trong nhiệm kỳ này, để có thể được hưởng suất đặc biệt vào năm 2026.
Có hai cách thức để ông Tô có thể ngồi vào ghế Tổng. Cách thứ nhất, ông Tô Lâm đợi ông Nguyễn Phú Trọng từ bỏ quyền lực, và giới thiệu ông kế nhiệm. Tuy nhiên, khả năng này rất thấp, bởi ai cũng biết, ông Trọng quá tham quyền cố vị. Một khi còn thở, thì ông Trọng sẽ không nhường ghế cho bất kỳ ai.
Cách thứ hai là ông Tô Lâm phải bứng đi một trụ nào đấy, để ông trám vào ngay trong nhiệm kỳ này. Đến hết nhiệm kỳ, ông mới có thể được hưởng suất đặc biệt, để ở lại và tranh ghế Tổng Bí thư với các đối thủ khác.
Mới đây, ông Tô Lâm cho bắt một loạt lãnh đạo các tỉnh, gồm: ông Đặng Trung Hoành – Chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long; ông Đặng Văn Minh – Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi; ông Cao Khoa – cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi; bà Hoàng Thị Thúy Lan – Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc; và Lê Duy Thành – Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc. Tất cả những người này đều bị bắt do liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn.
Điều đáng nói là, Tập đoàn Phúc Sơn không có dự án nào tại huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long. Vậy, không rõ, vì sao ông Tô Lâm lại cho bắt Đặng Trung Hoành?
Theo một nguồn tin rò rỉ từ trong nội bộ Đảng mà Thoibao.de nhận được, thì Nguyễn Văn Hậu (tức Hậu “Pháo”) – Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, đã đưa cho ông Đặng Trung Hoành 60 tỷ, “để xây dựng nhà thờ tổ của ông Võ Văn Thưởng”. Đặc biệt là, “Tô Lâm đã nắm được đầy đủ bằng chứng”.
Được biết, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng quê ở xã An Phước, huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 2011, ông Võ Văn Thưởng được bố trí làm Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi, khi đó, ông Cao Khoa làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đến năm 2014, ông Thưởng rời ghế Bí thư Quảng Ngãi, thì ông Cao Khoa cũng rút khỏi ghế Chủ tịch, về hưu và an phận thủ thường từ đó đến nay. Vậy mà, giờ đây, ông Cao Khoa lại bị bắt. Điều này cho thấy, Tô Lâm đang nhắm đến vị Bí thư Tỉnh uỷ thời ông Cao Khoa làm Chủ tịch – đó chính là ông Võ Văn Thưởng.
Được biết, trong thời gian ông Thưởng làm Bí thư Quảng Ngãi, Tập đoàn Phúc Sơn được giao thực hiện dự án đường bờ nam sông Trà Khúc (nay là đường Trường Sa), dài hơn 8,7 km, với tổng vốn là 999 tỉ đồng, nối từ cầu Trà Khúc 2 đến đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh. Theo thông báo kết luận thanh tra vào tháng 9/2015 của Thanh tra Chính phủ, dự án nói trên “có vấn đề” và gây lãng phí hơn 11,3 tỷ đồng. Như vậy, Chủ tịch tỉnh lúc đó đã bị bắt, thì Bí thư làm sao vô can?
Với một loạt vụ bắt bớ mới đây, và xâu chuỗi sự kiện, thì sẽ hiện lên cái đích đang bị nhắm tới là ông Võ Văn Thưởng. Phải chăng, đây là cách để gây áp lực, buộc ông Thưởng rời ghế? Nếu ông Thưởng rời ghế, Tô Lâm trám vào, sẽ là một kịch bản không tồi. Lúc đó, ông Tô Lâm đủ điều kiện để hưởng suất đặc biệt vào năm 2026, đồng thời, ông cũng có thời gian để chiến với Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính.
Trà My – Thoibao.de