Đằng sau việc Kê khai tài sản: Tô Đại tự “vạch áo cho người xem lưng” là gì?
Công khai minh bạch tài sản của quan chức, là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công của công cuộc phòng chống tham nhũng ở mọi quốc gia, kể cả ở Việt Nam.
Song, ở Việt Nam, cũng như mọi vấn đề khác, kê khai tài sản chỉ mang tính hình thức và chỉ nhắm vào giới chức ở cấp thấp, còn những cán bộ đảng viên có chức có quyền, ít khi họ kê thật.
Báo Người Lao Động ngày 23/2 cho hay “Xác minh thu nhập, tài sản của 8 trưởng phòng thuộc Bộ Công an”. Bản tin cho biết, ngày 23/2, Thanh tra Bộ Công an công bố quyết định về việc xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong ngành Công an, năm 2024.
Theo đó, qua bốc thăm ngẫu nhiên, Thanh tra Bộ Công an đã chọn ra 8 trưởng phòng để xác minh tài sản, thu nhập. Các vị này thuộc các đơn vị như: Cục An ninh điều tra; Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra; Cục Cảnh sát hình sự v.v…
Theo giới quan sát, đây là năm thứ 3 Thanh tra Bộ Công an tiến hành xác minh kê khai theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng. Nhưng việc tiến hành không đại trà theo quy định, mà chỉ bốc thăm để chọn ra 8 cá nhân. Điều này cho thấy, việc kê khai tài sản vẫn chỉ nặng về tính hình thức.
Nhất là, vào thời điểm này, chuyện cựu Giám đốc Công an, Hải Phòng, Đỗ Hữu Ca lại sở hữu một khối tài sản khổng lồ. Đặc biệt là, những bất động sản lớn, sang trọng, bị thâu tóm trong suốt một thời gian dài. Tại sao không bị phát hiện?
Hay như trong vụ án chuyến bay giải cứu, Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội, bị khởi tố bắt giam về tội nhận hàng chục tỷ để chạy án. Trong quá trình khám xét tư gia, công an đã thu giữ hàng trăm cây vàng, một số lượng tiền USD không nhỏ.
Đó là những minh chứng cho thấy, việc kê khai tài sản cũng giống như kiểm tra nguồn gốc của tài sản của Bộ Công an lâu nay rất có vấn đề.
Trong khi, việc công khai minh bạch tài sản của quan chức là một yêu cầu bắt buộc, được quy định cụ thể của Bộ Chính trị, và việc kê khai tài sản là điều bắt buộc đối với cán bộ lãnh đạo.
Dù rằng, các cơ quan của Đảng và Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, yêu cầu lãnh đạo phải kê khai đúng, đủ, các biến động về tài sản hàng năm, thậm chí là 6 tháng đối với các công chức công tác trong những ngành nghề dễ tham nhũng.
Tuy nhiên, theo giới thạo tin, việc Bộ Công an chủ động “vạch áo cho người xem lưng”, là điều không bình thường. Tình trạng che dấu tài sản, kê khai không trung thực của các quan chức, công chức, là phổ biến. Thậm chí, lãnh đạo cao cấp nhất là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng không gương mẫu nêu gương.
Giới thạo tin tiết lộ, căn biệt thự số 5 ở phố Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, đứng tên chủ sở hữu là vợ Tổng Bí thư – bà Ngô Thị Mân, do Văn phòng Trung ương Đảng thanh lý với giá 96 triệu đồng, thời điểm năm 2011, hiện có giá thị trường không dưới 3,6 triệu USD.
Ngoài ra, Tổng Bí thư còn nhận những món quà giá trị lớn, do đàn em thân cận cống nộp. Ví dụ, căn biệt thự ở Khu đô thị Ciputra Nam Thăng Long, mà con trai Tổng Bí thư là ông Nguyễn Phú Trường đang ở, hiện nay là một trong 2 căn biệt thự, là quà biếu của Tập đoàn Ciputra Indonesia, có giá trị hơn 2 triệu USD. Và chắc chắn, Tổng Bí thư sẽ không kê khai tài sản này.
Hơn thế nữa, nếu kiểm tra việc kê khai tài sản của bất kỳ quan chức nào, thì dễ dàng phát hiện ra những sai phạm. Nhất là, chỉ thị của Đảng đã nhấn mạnh rằng, nếu không trung thực kê khai với tổ chức, sẽ là vi phạm nghiêm trọng.
Như việc, Hội nghị Trung ương 8 khóa 13 (tháng 10/2023), Ban Chấp hành Trung ương đã ra nghị quyết thi hành kỷ luật, cách tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Lý do, ông Thọ đã vi phạm nghiêm trọng quy định trong việc khai tài sản. Ông này có đến hơn 3 ngàn tỷ gửi tại ngân hàng, và một số cổ phiếu trị giá khoảng một ngàn tỷ đồng.
Đó là những động thái cho thấy, việc chủ động tấn công các đối thủ chính trị của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm là điều sẽ xảy ra trong một tương lai gần.
Xin được nhắc lại, Thường trực Ban Bí thư, khóa 12, ông Trần Quốc Vượng, trước đây đã từng cảnh báo về sự tha hóa, biến chất của lực lượng bảo vệ chế độ, cũng như lãnh đạo các cấp, các ngành, từ Trung ương tới địa phương.
Tại Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã nói rằng:
“Đây là vấn đề quan trọng. Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay, sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi.”
Trà My – Thoibao.de