Phương Ngô “mất tích”, Vin mượn tay Công an ra tay?
Mới đây, trên Facebook cá nhân của Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, “Phương Ngô đã “tàng hình”, cả Facebook và người”. Trong status, Luật sư viết:
“Cho đến gần đây, khi cô ấy lên tiếng vạch trần những thủ đoạn kinh doanh gian dối của Tập đoàn VinGroup trên trang Facebook cá nhân, thì xem ra, Phuong Ngo đã tự đưa tay vào tổ ong vò vẽ, nên đã bắt đầu phải trả giá. Vào thượng tuần tháng 10/2023, khi đến sân bay Tân Sơn Nhất để xuất cảnh đi công việc ở nước ngoài, thì cô ấy mới biết, mình đã bị Bộ Công an ban hành quyết định cấm xuất cảnh.
Chưa hết, liên tiếp, lần 1 vào ngày 19/1, rồi lần 2 vào ngày 30/1, cô ấy bị Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Bộ Công an triệu tập làm việc. Trong giấy triệu tập, họ đã ghi rõ lý do có đơn tố cáo của Tập đoàn VinGroup.”
Cuối bài, Luật sư có viết thêm, “không chỉ Facebook Phuong Ngo tàng hình, mà chính bản thân của cô ấy cũng đang tàng hình”.
Chữ “tàng hình” của Luật sư Mạnh mang nhiều ẩn ý, không rõ, chính xác ý của Luật sư là gì. Có thể, Phương Ngô đã bị “bắt cóc”, hoặc cũng có thể cô đã “té” đi đâu đó, theo ngôn ngữ của giới hoạt động, nghĩa là, cô đã rời nhà, đi ẩn nấp, tránh sự truy bức của công an.
Khả năng thứ nhất – Phương Ngô đã bị “bắt cóc” – điều này có thể xảy ra. Bởi việc bắt cóc, giam giữ người trái phép, công an, an ninh Việt Nam đã thực hiện vô số lần, nhất là với giới hoạt động xã hội.
Có thể kể đến một vài vụ điển hình như: Nhà hoạt động Phan Văn Bách bị bắt cóc cuối năm 2023, gần một tháng sau, Công an Hà Nội mới xác nhận vụ bắt giữ này. Nhà hoạt động Ngô Văn Dũng, tức Facebooker Biển Mặn, cách đây 5 năm đã “mất tích”. Rồi sau đó, chính quyền đã công bố việc bắt giữ nhà hoạt động này.
Tuy nhiên, khả năng thứ hai, Phương Ngô đã đi lánh, tránh sự truy bức của công an cũng có thể xảy ra. Bởi thông thường, nếu một người bị “bắt cóc”, thì người người thân cận với họ sẽ dùng từ “mất tích”, ở đây, Luật sư Mạnh dùng từ “tàng hình”, nghĩa là, có khả năng cô không bị bắt. Tất nhiên, điều chắc chắn là cô đang gặp nguy hiểm.
Trong một nhà nước pháp quyền, nếu dân không làm gì sai, thì không sợ cơ quan chức năng. Bên nào sai bên đó phải sợ pháp luật, dù cho đó là dân hay quan chức.
Tuy nhiên, ở Việt Nam thì khác, mặc dù Đảng cho Tuyên giáo ra rả rằng, họ là “nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”, nhưng sự thật thì chỉ có quan quyền và Đảng quyền. Cho nên, dù công dân không làm gì sai luật pháp, thì vẫn có thể gặp nguy hiểm, nếu bị chính quyền nhắm vào.
Cuối năm ngoái, Facebooker Sonnie Tran, tức Trần Mai Sơn, đã đề cập đến nghi vấn về tình hình tài chính của VinFast, khi ông lần theo việc hãng này dùng các công ty vỏ bọc, chỉ ra các số liệu về lượng xe bán ra gây hiểu nhầm, cũng như, nêu ra việc hãng thuê các đối tác Trung Quốc và Ấn Độ thiết kế xe, chứ không như lời VinFast quảng bá là họ làm việc với hãng Pininfarina lừng danh.
Kết quả, ông Sơn đã bị Công an thành phố Hồ Chí Minh thẩm vấn trong 35 giờ, trong 4 ngày khác nhau, hồi tháng 12/2023. Ông bị công an tra hỏi về “động cơ chỉ trích VinFast”, cũng như, “ai đứng sau” các hoạt động của ông. Đồng thời, công an đã thu giữ các thiết bị điện tử của ông và sao chép các dữ liệu trong đó.
Được biết, phía công an thông báo với ông Sonnie Tran rằng, ông bị VinFast cáo buộc là các bài viết của ông trên mạng xã hội có nội dung tiêu cực, gây tác động xấu đến hãng, vi phạm vào Điều 331 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Có thể nói, Ban Tuyên giáo và Bộ Công an sinh ra là để phục vụ 2 ông chủ. Ông chủ thứ nhất là Đảng Cộng sản, ông chủ thứ nhì là VinGroup. Nếu là người đang sống trên lãnh thổ Việt Nam mà dám bóc phốt Đảng, và bóc phốt Vin, đều sẽ gặp nguy hiểm, cho dù việc làm của người đó là không sai.
Chưa rõ, chính xác việc Phương Ngô “tàng hình” là thế nào, tuy nhiên, không loại trừ khả năng VinGroup mượn công an, để ra tay đàn áp như trường hợp của Sonie Trần.
VinGroup quả là đáng sợ!
Trà My – Thoibao.de