Vì sao không thể cứu VinFast?

Ngày 11/2, nhà giáo Kim Van Chính tiếp tục có bài phân tích về hãng xe VinFast trên trang Facebook cá nhân của mình. Bài viết có tựa đề “TẠI SAO KHÔNG CÓ HÃNG XE NÀO CÓ NHÀ MÁY SẢN XUẤT XE HƠI Ở VIỆT NAM?”.

Theo tác giả, thị trường xe hơi cá nhân ở Việt Nam, dù là thị trường mới nổi, kinh tế vẫn tăng trưởng, nhưng tổng thể vẫn là nền kinh tế nghèo, thu nhập dân cư vào loại thấp, phân hóa giàu – nghèo mạnh, do vậy quy mô thị trường xe hơi chỉ loanh quanh ở mức 300 nghìn đến 400 nghìn xe/ năm (bằng 1/2 Thái lan và 1/4 Indonesia).

Tác giả nhận xét, do sự cạnh tranh và sở thích tiêu dùng trong lĩnh vực xe hơi cũng có sự phân hóa mạnh, nên thị phần 300 nghìn hơi/ năm buộc phải chia sẻ cho khoảng 10 hãng xe hơi khác nhau, mỗi hãng vài chục nghìn chiếc.

Với quy mô bán hàng như vậy, không một công ty nào dại dột đặt nhà máy sản xuất xe tại thị trường Việt nam cả. Lý do là điểm hòa vốn sẽ không đạt.

Hai ngày trước, tác giả đã có bài phân tích, theo đó, hòa vốn toàn cầu của một nhà máy xe hơi (thường có 1 thương hiệu chính), ít nhất phải đạt 400.000 xe/năm. Một hãng xe hơi thường chỉ có từ 1 đến 5 nhà máy sản xuất trên toàn cầu là cùng. Và họ buộc phải chọn các thị trường trọng điểm để đặt nhà máy sản xuất. Nếu tại nơi họ đặt nhà máy sản xuất, quy mô bán xe thấp, họ buộc phải vận chuyển xe sang các thị trường khác và chịu chi phí vận tải và chi phí thuế nhập khẩu cao hơn…, và như vậy là không có sức cạnh tranh về giá với các hãng xe khác. Tại các nước quy mô thị trường thấp (như Việt Nam), họ chỉ có nhà máy lắp ráp, và “nội địa hóa” tỷ lệ thấp các cấu kiện không quan trọng…

Tác giả cho rằng, VinFast đã phát triển ô tô xăng, rồi ô tô điện, trong điều kiện vừa chạy vừa xếp hàng, không biết quy mô thị trường của mình ở các thị trường sẽ là bao nhiêu. Ngay cả tại thị trường Việt nam, VinFast cũng không rõ quy mô ổn định bán xe trong tương lai sẽ là bao nhiêu.

Vẫn theo tác giả, khi sản xuất xe điện, VinFast chọn phương án “Asanzo” để ra đời xe. (Tác giả sử dụng cụm từ “phương án Asanzo” để chỉ phương thức sản xuất dối trá, đánh lừa khách hàng, khi dùng 100% linh kiện Tàu, về thay nhãn mác thành hàng Việt, rồi lắp ráp sản phẩm. Đây là phương thức sản xuất gian dối mà Tập đoàn Asanzo đã thực hiện đối với các sản phẩm điện tử, như điện thoại, tivi…)

Về lâu dài, tác giả phân tích, VinFast sẽ có nhà máy sản xuất pin là linh hồn của xe (giống động cơ xe xăng). Tuy nhiên, Vin bị khống chế bởi quy mô toàn cầu, cũng như quy mô các thị trường trọng điểm phải đạt mức hòa vốn cho nhà máy sản xuất…

Đó là chưa nói, Vin sản xuất xe trên cơ sở hầu như không có một sáng chế, bí quyết gì, toàn bộ 100% là mua công nghệ, tất yếu chịu giá thành cao và không tạo ra được sản phẩm khác biệt…

Tác giả đánh giá, Vin đang xúc tiến để mở rộng thị trường sang Ấn, Indo, Philippines… là vậy. Rồi xúc tiến hy vọng thị trường Mỹ đạt quy mô trên 100 nghìn xe/ năm để có cơ sở mở “nhà máy sản xuất”, làm như chuyện phát triển thị trường xe hơi dễ như bán nhà condotel Phú Quốc!!!

Tác giả kết luận, các nỗ lực đó không cứu được niềm tin thị trường.

Giá cổ phiếu VinFast vẫn tiếp tục giảm…

Quả thật, như tác giả Kim Văn Chính đã phân tích qua loạt bài của ông, thì VinFast, do không hiểu rõ thị trường xe hơi, do thói quen duy ý chí Cộng sản, hướng đầu tư xe công nghệ của VinFast đã sai ngay từ đầu và đến nay đã không còn cách cứu chữa. Dù Vin có giở thêm bao nhiêu chiêu trò nữa thì cũng không thể cứu vãn nổi niềm tin của khách hàng đối với VinFast – ngày tàn của VinFast đã điểm.

 

Thu Phương – thoibao.de

11.2.2024