Tết Âm lịch có phải Tết Trung Quốc?

Ngày 6/2, BBC Tiếng Việt có bài “Tết Âm lịch có phải Tết Trung Quốc?”

BBC cho hay, theo truyền thống Trung Quốc, mỗi năm được đại diện bởi một trong 12 con giáp. Năm 2024 chuyển từ năm Mão sang năm Thìn.

Nhưng như vậy có nghĩa là gì?

Theo BBC, Tết Âm lịch và Tết Trung Quốc, mặc dù hai tên gọi có thể được sử dụng thay thế cho nhau trong một số cộng đồng, nhưng vẫn có sự khác biệt.

Theo đó, Tết Âm lịch thường được gọi là Lễ hội mùa xuân (Xuân tiết) ở Trung Quốc, vì nó đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu của mùa xuân. Đây là một trong bốn lễ hội truyền thống quan trọng nhất của nước này, đón mừng sự bắt đầu một năm mới theo âm lịch của Trung Quốc.

Tuy nhiên, vẫn theo BBC, một số nước Đông Á và Đông Nam Á cũng ăn mừng sự kiện này, với hình thức khác nhau tùy theo văn hóa và quốc gia.

Tết Âm lịch (hay Tết Nguyên đán) là khái niệm bao quát hơn, gồm tất cả các lễ kỷ niệm đón năm mới theo lịch âm.

Ở các quốc gia ngoài Trung Quốc, khái niệm Tết Nguyên đán được ưa chuộng hơn Tết Trung Quốc hoặc Lễ hội mùa xuân.

Tuy vậy, BBC cũng cho hay, nhiều người Trung Quốc phản biện rằng, ngày lễ này có nguồn gốc từ lịch âm dương của Trung Quốc (dựa trên chu kỳ của Mặt trăng và Trái đất), và ảnh hưởng lịch sử của Trung Quốc đối với các nước trong khu vực.

Do đó, việc lựa chọn từ ngữ có thể gây ra tranh cãi.

BBC cho biết, ở Việt Nam, dịp này được gọi là Tết Nguyên đán, hay gọi tắt là Tết. Nguyên đán có nghĩa là buổi sáng đầu tiên của năm.

Ở Bắc Hàn và Hàn Quốc, mọi người ăn mừng Seollal. Ở Mông Cổ, lễ hội có tên là Tsagaan sar, một số người tại nước này gọi nó là lễ hội Mặt Trăng Trắng.

Thông thường, vào những ngày trước Tết, các gia đình Trung Quốc thường dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ. Việc này nhằm mục đích quét đi những xui xẻo và chuẩn bị đón vận may vào nhà.

BBC cho biết thêm, Tết Âm lịch được cho là có từ thế kỷ 14 trước Công nguyên, vào thời nhà Thương (Trung Quốc). Nguồn gốc của nó mang đậm màu sắc thần thoại.

Theo đó, ngày lễ này bắt nguồn từ cuộc chiến chống lại Niên thú, một quái vật trong truyền thuyết dân gian Trung Quốc (“Niên” nghĩa là “năm” trong tiếng Trung).

Niên thú thường đến vào ngày đầu tiên của năm mới, để quấy phá dân làng. Tuy nhiên, người ta phát hiện ra, Niên thú sợ tiếng động lớn, ánh sáng chói và màu đỏ.

Vì vậy, vào dịp năm mới, dân làng bắt đầu treo đèn lồng đỏ và đốt pháo để xua đuổi con vật. Từ đó, Niên thú không còn xuất hiện nữa.

BBC dẫn truyền thống Trung Quốc, theo đó, mỗi năm âm lịch được đại diện bởi một trong 12 con giáp khác nhau, thuộc cung hoàng đạo Trung Quốc: chuột (Tí), bò (Sửu, ở Việt Nam là trâu), hổ (Dần), thỏ (Mão, ở Việt Nam là mèo), rồng (Thìn), rắn (Tỵ), ngựa (Ngọ), dê (Mùi), khỉ (Thân), gà (Dậu), chó (Tuất) và lợn (Hợi).

Mỗi con vật được gắn với một nguyên tố trong Ngũ hành – Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Các nguyên tố này có các năm riêng tương ứng, và cũng lặp lại theo chu kỳ 12 năm.

Năm 2024, đánh dấu sự chuyển đổi từ năm Mão sang năm Thìn Mộc.

Năm Thìn Mộc 60 năm mới lặp lại một lần. Gần đây nhất là năm 1964, và trước đó nữa là năm 1904.

BBC tiếp tục cho biết, người ta tin rằng, người sinh năm con giáp nào thì sẽ sở hữu những đặc điểm, tính cách riêng tương ứng, có ảnh hưởng đến cuộc sống của họ.

Rồng là con giáp thứ 5 trong 12 con giáp Trung Quốc. Trong văn hóa Trung Quốc, nó tượng trưng cho may mắn, sự mạnh mẽ, sức khỏe và tính dương (nam).

BBC liệt kê một số người nổi tiếng sinh năm Thìn Mộc, gồm:

Lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình (sinh năm 1904); Jack Ma, đồng sáng lập tập đoàn Alibaba (sinh năm 1964); nghệ sĩ người Tây Ban Nha Salvador Dali (sinh năm 1904); cựu Thủ tướng Anh Boris Johnson (sinh năm 1964).

 

Thu Phương – thoibao.de

6.2.2024