Ngày 31/1, một loạt tờ báo nhà nước đã đăng bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng, nhân dịp 94 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết có tựa đề: “Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng”.
Bài viết rất dài, được chia làm 2 phần: Phần thứ nhất “Đảng ta ra đời đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Phần thứ hai là “Đảng lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, xây dựng đất nước ta càng ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Chỉ cần đọc tiêu đề thì đã biết là “ta tự ca tụng ta”. Có thể nói, loại bài viết này vô giá trị đối với việc hoạch định chính sách cho đất nước phát triển. Bởi để đất nước phát triển, cần nhìn rõ và phân tích cả những khuyết điểm, chứ không phải chỉ vẽ ra ưu điểm, rồi tự sướng với những điều đó.
Phần một của bài viết, chủ yếu là “ông Trọng” “ăn mày quá khứ”. Thực chất, cuộc chiến 1954 – 1975 là không cần thiết, Đảng đã dùng núi xương, biển máu của đồng bào, để đánh đổi những gì?
Thứ đổi được, là sự đói nghèo, lạc hậu, là sự độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản trên toàn cõi Việt Nam. Ngày nay, người dân Việt Nam bị thế giới khinh rẻ, hộ chiếu Việt Nam bị thế giới tránh “như tránh hủi”, cũng bởi vì có Đảng lãnh đạo mà ra.
Trước 1975, trên thế giới có 3 nước bị chia đôi, đó là nước Đức chia ra Đông và Tây, Triều Tiên chia Nam Bắc và Việt Nam cũng chia Nam Bắc.
Nước Đức là may mắn nhất. Họ thống nhất trong hòa bình và theo hướng văn minh hoá. Sự khác biệt Đông – Tây trước năm 1991 ở Đức là rất lớn, đến nay, đã 33 năm đi qua, nhưng dấu ấn Đông – Tây vẫn chưa được xóa hẳn.
Nước thứ nhì bị chia cắt là Triều Tiên, cũng phân thành Nam – Bắc. Sự chênh lệch giữa Hàn Quốc và Bắc Hàn ngày càng lớn. Một bên giàu có văn minh, một bên đói nghèo lạc hậu và bị nhồi sọ.
Người Bắc Hàn phải ca tụng dòng họ Kim, từ ông nội đến bố và đến con, mặc dù những người này chính là thủ phạm mang lại sự đói nghèo.
Còn Hàn Quốc là quốc gia công nghiệp phát triển. Hiện nay, người Việt Nam chấp nhận xếp hàng đến hàng giờ ngoài trời rét, tranh nhau để xin một suất visa đi Hàn làm lao động tay chân. Qua đó đủ thấy, những gì mà miền Nam Việt Nam đã mất là quá lớn. Tuy Hàn Quốc chưa thống nhất, nhưng may mắn hơn Việt Nam rất nhiều.
Còn Việt Nam, sau ngày 30/4/1975, người dân cả 2 miền đã liều chết, trốn chạy khỏi nanh vuốt Cộng sản, tạo ra làn sóng tị nạn lớn mà thế giới gọi là “thuyền nhân”. Nếu Đảng biết lo cho dân, thì tại sao lại khiến người dân sợ hãi đến vậy? Trên thực tế, những người từng phục vụ dưới chế độ cũ, đã bị Cộng sản trả thù rất tàn bạo. Trại tập trung cải tạo là một loại nhà tù không án, mà Cộng sản lập ra để trả thù chính đồng bào mình.
Ngày nay, mỗi dịp Tết đến thì Đảng Cộng sản ca bài ca “hòa hợp, hòa giải dân tộc”. Tuy nhiên, Đảng vẫn ăn mày quá khứ, vẫn xem những ngày chiến thắng trước chính đồng bào mình là ngày lễ lớn, thì đấy không phải là “hòa hợp, hòa giải dân tộc”, mà là Đảng đang chia rẽ dân tộc.
Quá khứ đã xảy ra, không thể thay đổi được, điều cần thiết là Cộng sản phải nhìn nhận vấn đề thật trung thực, thì khi đó, các bên mới có được tiếng nói chung.
Tương lai mới là quan trọng, cần mở mắt ra và nhìn thẳng vào các vấn đề, rằng đất nước đang mất đi cơ hội bắt kịp các nước láng giềng, bởi bàn tay cai trị của Đảng Cộng sản.
Đổi mới đã 38 năm mà đất nước vẫn không thể có công nghệ, không có một nền kinh tế mạnh, bền vững, là do đâu? Tại sao dân phải chui vào container để chạy trốn khỏi đất Việt? Tại sao học sinh bỏ học, giáo viên bỏ dạy để đi xuất khẩu lao động?
Đấy là sự thất bại ê chề, chứ chẳng có thành công nào cả.
Ông Nguyễn Phú Trọng năm nay đã 80 tuổi, tuy nhiên, ông đã mù từ nhiều năm rồi. Nếu mù đôi mắt thì không đáng sợ, cái đáng sợ là ông đang mù về trí tuệ. Dân Việt Nam còn tiếp tục ngập trong tăm tối vì Đảng.
Trà My – Thoibao.de
6.2.2024