Tháng đầu tiên của năm 2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án đăng ký đầu tư ở Việt Nam, chiếm gần 19%. Đây được xem là con số tăng đột biến. Đây là kết quả của những thoả thuận trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Hà Nội vào ngày 12 và 13/12 năm ngoái. Trong chuyến thăm này, ông Nguyễn Phú Trọng đã ký với ông Tập Cận bình 36 văn kiện.
Mở cửa cho đầu tư nước ngoài là điều kiện cần để đất nước phát triển. Nhưng điều này chưa đủ, điều kiện đủ là phía Việt Nam phải có cơ chế phù hợp để doanh nghiệp trong nước có thể tiếp nhận chuyển giao công nghệ, và từ đó lớn mạnh.
Một nền kinh tế khỏe mạnh là phải lấy doanh nghiệp trong nước làm trụ cột, chứ không phải chỉ dựa vào doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như Hàn Quốc, họ mạnh vì có Hyundai, Samsung, LG… chứ không phải nhờ Apple hay Toyota.
Nếu Trung Quốc mang sang Việt Nam những công nghệ tốt, và đừng làm những điều mờ ám ẩn dưới chiêu bài “đầu tư”, thì Việt Nam vẫn có thể hoan nghênh chào đón họ như bao nguồn đầu tư khác.
Trung Quốc là nền kinh tế mới nổi, công nghệ của họ đi trước Việt Nam nhưng không phải quá xa. Nếu tận dụng được thì doanh nghiệp Việt Nam có thể học hỏi được từ họ. Tuy nhiên, vấn đề không đơn giản như thế. Doanh nghiệp Trung Quốc lâu nay đầu tư vào Việt Nam thường đem theo những công nghệ lạc hậu, những thứ mà chính nước họ vứt đi, kèm theo đó là việc đưa lao động từ Trung Quốc sang, gây nên lo ngại về vấn đề nhập cư. Ngoài ra, trong một thời gian dài, các doanh nghiệp Trung Quốc đã mượn đường từ Việt Nam, xuất khẩu sang Mỹ và EU, để hưởng nhiều chính sách ưu đãi mà các nước này dành cho Việt Nam.
Ngoài những doanh nghiệp FDI của Trung Quốc, thì những dự án công của Việt Nam hiện nay cũng đang bị “Hán hóa”. Ngày 18/1 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tập đoàn Xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc), Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu đầu tư, xây dựng một số dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố. Tuy là “biên bản ghi nhớ” nhưng chắc chắn nhà thầu Trung Quốc sẽ được nhận các gói thầu. Điều đặc biệt là, chính quyền Hà Nội mời nhà thầu Trung Quốc vào thực hiện dự án, khi chưa được duyệt vốn đầu tư.
Người Việt không kỳ thị Trung Quốc, nếu các dự án Trung Quốc không để lại hậu quả. Dự án Cát Linh Hà Đông cùng với nhiều dự án khác đã cho thấy, ban đầu nhà thầu Trung Quốc nhận thầu giá rẻ, nhưng đến khi kết thúc thì Việt Nam phải trả một cái giá đắt, mà công trình thì lại kém chất lượng. Điều đáng nói là, dù để lại những hậu quả xấu, nhà thầu Trung Quốc vẫn được dọn đường bởi những văn bản ký kết giữa ông Tập Cận Bình và ông Nguyễn Phú Trọng.
Chỉ đến đầu năm 2017, một clip ghi lại phát biểu trong nội bộ của Thiếu tướng Trương Giang Long – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, kiêm Giám đốc Học viện chính trị Công an Nhân dân – bị rò rỉ ra ngoài. Trong clip, ông Long cho biết, tình trạng gián điệp Trung Quốc kéo theo nhiều quan chức Việt Nam liên đới, đang nằm ngay trong bộ máy Đảng và chính quyền Việt Nam.
Sau khi bài phát biểu này bị lộ, ông Trương Giang Long bị cho “về hưu” sớm.
Việc mở cửa cho đầu tư nước ngoài vào không có gì sai, nhưng với nguồn đầu tư từ Trung Quốc, nếu không thận trọng, thì có ngày mang họa. Không chỉ người Việt lo ngại về nguồn đầu tư Trung Quốc, mà các quốc gia khác cũng tương tự. Người ta ngán nhất là tình trạng gián điệp Trung Quốc.
Hiện nay, thị trường lao động Nhật Bản đang chuộng lao động Việt hơn Trung Quốc, bất chấp các tệ nạn như ăn cắp vặt, xung đột vùng miền, và nhập cư lậu – lao động Việt Nam vẫn là lựa chọn tốt cho Nhật Bản. Nguyên nhân chính là người Nhật e ngại nạn gián điệp từ lao động Trung Quốc. Bởi Trung Quốc là “trùm” ăn cắp ý tưởng, ăn cắp công nghệ. Ngoài lý do đó ra thì lao động Việt Nam chẳng có yếu tố nào tốt hơn lao động Trung Quốc. Và Hàn Quốc cũng chuộng lao động Việt Nam theo cách tương tự.
Ý Nhi – Thoibao.de
31.1.2024