Xây tượng đài nghìn tỷ – 17 địa phương đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết âm lịch

RFA Tiếng Việt ngày 23/1 loan tin “17 địa phương đề nghị hỗ trợ gạo cứu đói dịp Tết âm lịch”.

RFA dẫn tin từ truyền thông nhà nước cho biết, tính đến ngày 18/1, có 17 địa phương để nghị Chính phủ Trung ương hỗ trợ gần 15.500 tấn gạo; trong số này, gần 13.000 tấn hỗ trợ cho 17 tỉnh nhân Tết âm lịch Giáp Thìn; và hơn 2.600 tấn cho 5 tỉnh vào mùa giáp hạt 2024.

Danh sách cụ thể, gồm: Sóc Trăng, Cà Mau, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Quảng Bình, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Bình Phước. Hai tỉnh mới nhất đề nghị gạo cứu đói, chưa được truyền thông nhà nước nêu rõ.

RFA dẫn Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, tính đến ngày 10/1 vừa qua, chỉ mới có tỉnh Sóc Trăng được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định hỗ trợ hơn 3.500 tấn gạo.

Theo RFA, vào dịp Tết âm lịch năm ngoái (Quý Mão), Chính phủ Hà Nội hỗ trợ gạo cứu đói cho 8 tỉnh, gồm: Bình Định, Hà Giang, Đắk Nông, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Bình Phước, Quảng Trị, Kon Tum. Bốn tỉnh được Bộ Lao động đề nghị hỗ trợ gạo dịp giáp hạt, gồm: Lạng Sơn, Lai Châu, Đắk Nông và Kon Tum.

Việc một số tỉnh xin cứu trợ gạo dịp Tết, dường như đã thành thông lệ, nhưng năm nay, số lượng tỉnh xin cứu trợ tăng đột biến. Liệu đây có phải là tín hiệu báo trước một sự bất ổn trong tương lai gần hay không?

Trước đó, ngày 14/9/2023, RFA đã loan tin, Việt Nam xuất cấp hơn 3.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 5 tỉnh phía Bắc và một tỉnh Tây Nguyên. Đó là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Bắc Kạn, Đắk Lắk và Cao Bằng.

Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam chủ yếu là Philippines, Indonesia và Trung Quốc. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu gạo 4,2 triệu tấn, bất chấp những cảnh báo về việc thiếu lương thực do El Nino, và đi ngược với xu hướng thế giới về dự trữ lương thực.

Ở chiều ngược lại, truyền thông nhà nước cũng cho biết, những năm gần đây, Việt Nam gia tăng nhập gạo từ Ấn Độ, Campuchia. Tháng 7/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 367,5 nghìn tấn gạo Ấn Độ, trong 5 tháng đầu năm 2023, đứng thứ 8 trong số các nước nhập khẩu gạo Ấn Độ. Năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu gần một triệu tấn gạo từ Ấn Độ, Campuchia.

Việc xuất khẩu gạo ồ ạt, rồi lại nhập khẩu gạo với số lượng lớn có thể dẫn đến nguy cơ về an ninh lương thực, một khi gạo Việt Nam đã xuất, nhưng gạo các nước khác đột nhiên ngừng xuất vì một lý do nào đó, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước e ngại El Nino gây thiếu lương thực hiện nay.

Thực tế, tháng 7/2023, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu gạo trắng do lo ngại sản xuất lương thực sụt giảm, do ảnh hưởng biến đổi khí hậu. Chính phủ Thái Lan cũng kêu gọi nông dân giảm diện tích trồng lúa để tiết kiệm nước do hạn hán. Những điều này đã khiến an ninh lương thực thế giới bị đe doạ hơn.

Vào tháng 8/2023, Bộ Công thương Việt Nam đã yêu cầu các doanh nghiệp không mua gom gạo ồ ạt, trước tình hình giá gạo đang lên nhanh, để bình ổn thị trường và đảm bảo cung ứng cho giai đoạn Tết Giáp Thìn 2024.

Không rõ, các doanh nghiệp có thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công thương hay không, nhưng một nguồn tin riêng cho hay, trong vài tháng gần đây, việc thu mua lúa trong dân và trên thị trường tự do rất khó khăn, do thiếu hụt nguồn cung (?!)

Trong khi đó, báo Công Thương cuối năm 2023 cho biết, nhiều đối tác nhập khẩu chủ động tìm đến các doanh nghiệp trong nước để hỏi mua gạo và đặt cọc cao. Liệu đây có phải là lý do khiến lúa bị hụt nguồn cung hay không?

Nếu Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam không có tầm nhìn dài hạn, và không có phương án dự phòng tốt, thì việc Việt Nam trở thành một quốc gia thiếu lương thực sẽ là tương lai không xa.

Ý Nhi – thoibao.de

23.1.2024