Lần ‘ẩn-hiện” mới nhất của ông Trọng và những đồn đoán liên quan!

Ngày 16/1, RFA Tiếng Việt “Lần “ẩn – hiện” mới nhất của ông Nguyễn Phú Trọng và những đồn đoán liên quan!”

RFA đề cập đến việc ông Nguyễn Phú Trọng “biến mất” từ ngày 26/12/2023, đến khi xuất hiện lại ngày 15/1/2024, gây ra nhiều đồn đoán.

RFA dẫn lời bác sĩ Đinh Đức Long, cho rằng:

“Theo luật, sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia, cho nên họ không có nghĩa vụ phải cung cấp cho người khác biết. Vì bí mật, nên họ làm gì là quyền của họ, người dân không có quyền được biết; không có quyền giám sát. Mà chính vì không được biết nên dân mới bàn tán, có thể đúng có thể trật, có thể vừa đúng vừa trật. Ở Việt Nam đó là chuyện bình thường… chính quyền có thể căn cứ vào chuyện nói sai để bắt, với tội tuyên truyền sai sự thật gây hoang mang dư luận.  

Ở Trung Quốc ngày xưa, khi ông Đặng Tiểu Bình lên, ổng để “bức tường dân chủ” ở Bắc Kinh. Ai có ý kiến gì thì viết lên. Thời ông Mao thì có “trăm hoa đua nở” ai muốn nói gì thì nói. Nhưng khi dân nói ra, biểu lộ chính kiến, thì bị bắt với lý do ý kiến đó gây hoang mang, gây dao động hay xúc phạm lãnh đạo chẳng hạn”.

RFA cho biết, cuối tháng 8/2020, Thủ tướng Chính phủ lúc đó là ông Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Quyết định 1295 của Chính phủ, về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực y tế. Theo đó, hồ sơ bệnh án, thông tin, kết quả khám bệnh, chữa bệnh, kiểm tra sức khỏe… của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư trung ương Đảng thuộc danh mục ‘tối mật’.

RFA dẫn tiếp ý kiến của ông Trần Tiến Đức, cựu cố vấn của Ủy ban các Vấn đề xã hội của Quốc hội Việt Nam, nhận định:

“Chuyện các vị lãnh đạo biến mất rồi lại xuất hiện, thì cũng cần tìm hiểu xem lý do là gì. Nhưng chính trường Việt Nam, họ cũng quen với việc đó rồi. Nhiều khi, thật ra đấy là những trò chơi chính trị nội bộ… Ở Việt Nam bây giờ cũng như Liên Xô trước đây, sức khỏe lãnh đạo bao giờ cũng là tuyệt mật. Chính vì thế, nên chuyện nội bộ lãnh đạo họ có chuẩn bị lực lượng thay thế hay không, thì cũng không ai biết.

Công chúng thì không biết nhiều thông tin về sức khỏe của họ. Chỉ khi nào họ xuất hiện trước công chúng thì cứ nghĩ là họ khỏe. Nhưng công chúng có sự quan sát, thấy ông đi đứng không vững vàng, phải dựa vào cái này cái nọ, thì họ nghĩ ông không được khỏe lắm. Cũng có vị lãnh đạo thừa nhận sức khỏe họ không đủ, nhưng họ vin vào bây giờ được Đảng tín nhiệm, nên buộc phải thực hiện trọng trách Đảng giao… Những chuyện như thế không phải chỉ một lần mà đã xảy ra đến hai lần nên công chúng cũng chẳng quan tâm lắm”.

RFA nhắc lại lần “biến mất” của ông Trọng vào tháng 4/2019, khi ông Trọng, trong vai trò Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, bị đột quỵ trong chuyến thăm Kiên Giang. Khi đó, báo chí nhà nước hoàn toàn im lặng, không đưa bất cứ thông tin nào về sức khỏe của ông.

Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí được RFA dẫn quan điểm, nói rằng:

“Tôi thấy rằng, ở Việt Nam, về mặt phẩm chất, năng lực, thì tất cả các cán bộ họ cũng na ná như nhau. Mục đích hoạt động của từng cá nhân cán bộ cũng như của cả Đảng Cộng sản Việt Nam không phải vì lợi ích của đất nước Việt Nam, của nhân dân Việt Nam. Thế cho nên, việc người này hay người kia đi chữa bệnh vài ba tháng, nửa năm, thậm chí qua đời, thì cũng không ảnh hưởng gì đến lợi ích của đất nước, của nhân dân cả. Thực tế là khi công chúng nghe tin lãnh đạo cao nhất nước bị ốm hay sắp mất thì người ta tỏ ra vui mừng”.

Ông Trí nói thêm, chuyện sinh – tử là chuyện rất bình thường của mỗi con người, nhưng Chính phủ cũng phải nói dối. Chẳng hạn như, ông Hồ Chí Minh chết ngày 2/9/1969, nhưng lại công bố chết vào ngày 3/9. Ông Trí kết luận, những điều đó khiến công chúng ngày càng mất niềm tin vào thông tin từ cơ quan chính thống.

Thu Phương – thoibao.de

17.1.2024