“Mì gói có rất nhiều dinh dưỡng” – câu chuyện càng lên cao càng đuối sức

Ngày 3/1, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận ‘“Mì gói có rất nhiều dinh dưỡng” – câu chuyện càng lên cao càng đuối sức” của tác giả Nguyễn Nhơn.

Tác giả đề cập đến câu chuyện ăn chặn khẩu phần ăn của học sinh tại một trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học ở Lào Cai, đang tràn lan trên mạng.

Theo đó, bữa ăn của các em nhỏ ở trường Hoàng Thu Phố 1 chỉ có cơm và 2 gói mì làm canh, nấu với rau.

Hiệu trưởng trường này đã bị đình chỉ chức vụ và nộp đơn từ chức. Còn vụ việc thì được cơ quan chức năng chuyển sang cho công an để điều tra.

Tác giả cho biết, trong những bản làng đơn độc, sâu tít trong rừng thẳm, một giọt dầu ăn đỏ sẫm trong gói mì rẻ tiền cũng trở thành mỹ vị. Ở miền núi, thiếu các gia vị cơ bản, nên dù có thịt cá thì chế biến các món ăn cũng không ngon.

Do đó, tác giả nhận xét, những đứa trẻ hồn nhiên bưng bát cơm trắng chan nước mì với mấy lá rau xanh, chúng vẫn ngon miệng thật sự. Một phần, do bọn trẻ đã quen nghèo khó và thiếu thốn, nên được ăn cơm no đều đặn đã là tròn mơ ước. Phần khác, so với những bữa ăn thiếu thốn, tùy tiện và nhạt nhẽo ở gia đình chúng, thì nước mì đã rất ngon.

Tác giả cho hay, các cơ quan chức năng đã xử lý vụ việc này rất nhanh chóng, gọn ghẽ. Chỉ vài ngày sau khi bị phanh phui, bữa cơm của đám trẻ đã có thịt heo, có xương nấu bí đỏ… đúng như tiêu chuẩn và thực đơn.

Nhưng, theo tác giả, sâu trong rừng núi, vẫn còn rất nhiều trẻ em chưa được đến trường hoặc gia cảnh chưa đủ cực cùng nghèo khổ, để được nhà nước nhận nuôi trong các trường bán/nội trú. Với gia đình chúng, mì gói vẫn “rất nhiều dinh dưỡng”, có thể thay cho tất cả các bữa ăn trong ngày.

Tác giả cũng cho biết, phần lớn người dân tộc thiểu số ở nhiều vùng miền Bắc, miền Trung đều sống rất nhàn rỗi. Nhàn rỗi trong nghèo khó. Đất đai mênh mông nhưng vô cùng hiếm người trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, dê, bò… để tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn gia đình. Gạo được phát, đồng bào còn trồng thêm ngô (bắp), nhưng có không ít người đem phần lớn ngô, gạo nấu thành rượu, uống triền miên.

Tác giả nhận xét, thói quen chờ đợi được người khác giúp đỡ, cho tặng, có lẽ đã ăn sâu vào tâm thức của không ít người dân vùng núi.

Có nhiều ngôi trường vùng núi khiến người ta nhìn vào rất dễ đau lòng. Vách thưng bằng phên tre lâu ngày mục nát, thưa rểnh, ngồi trong lớp không khác gì ngồi ngoài trời. Bọn trẻ tí xíu ngồi học trong lớp, chân trần, tay và má đỏ au lên vì lạnh, khiến bao nhiêu trái tim người miền xuôi chớp tắt liên hồi. Lại tiền, lại áo ấm cho em, lại giày mũ đổ lên để bù đắp.

Tác giả đặt câu hỏi: Tại sao tre nứa và gỗ tạp trong rừng sẵn như thế, nhưng phòng học vẫn bị để cho thủng lỗ hết năm này qua tháng nọ? Tại sao mỗi em nhỏ các vùng cao hầu như đều được các đoàn thiện nguyện tặng ít cũng phải hai ba chiếc áo ấm mới, mà chúng vẫn cởi truồng, chỉ mặc áo vải rách?

Đồng bào quen sống chất phác, tâm tính hồn nhiên hay đã tập thói quen ỷ lại?

Vẫn theo tác giả, sau rất nhiều năm xa gần, bóng gió, quanh co, cuối cùng (hết chịu nổi), các báo cáo về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo, nói toẹt móng heo: “Một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững…”

Hay như Bộ trưởng Bộ Lao động Đào Ngọc Dung ví von: “Công cuộc giảm nghèo như cuộc leo núi, càng lên cao càng đuối sức”.

Nên, tác giả kết luận, hiện tượng 11 cháu bé được cho ăn cơm trắng chan với hai gói mì nấu canh, chưa phải chuyện bức xúc nhất đâu. Bức, là bức tại sao mấy chục năm với hàng dãy trường sơn tiền của đổ vào rồi mà miền núi vẫn sâu, vẫn xa, vẫn nghèo, vẫn đói, vẫn khao khát trông mong cơm có thịt?

Minh Vũ – thoibao.de

4.1.2024