Ngày 21/12, báo chí quốc doanh đồng loạt đưa tin, ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công thương bị bắt, với cáo buộc sai phạm trong vụ án liên quan Công ty xăng dầu – Xuyên Việt Oil. Ông Tô Ân Xô cho biết, ông Hải, 60 tuổi, bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố, tạm giam để điều tra tội “Nhận hối lộ”.
Vụ bắt ông Đỗ Thắng Hải liên quan đến vụ án Công ty Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil. Hồi tháng 9, bà Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Công ty, và cấp phó của bà là Nguyễn Thị Như Phương bị bắt, với cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo Khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự.
Đầu tháng 12, ông Lê Đức Thọ, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre bị bắt, với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”; ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, bị điều tra tội “Nhận hối lộ”.
Như vậy là, vụ Xuyên Việt Oil đang bắt từ nhỏ đến lớn, không biết vụ án này sẽ lở đến đâu.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 34 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Trọng đã cho ông Trần Cẩm Tú lên danh sách kỷ luật một loạt nhân vật tai to mặt lớn. Trong đó có ông Trần Tuấn Anh – đương kim Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; và hai cựu uỷ viên Trung ương Đảng về hưu, đó là ông Trịnh Đình Dũng – cựu Phó Thủ tướng – và ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Bộ Công thương lâu nay vẫn là một rừng củi khô. Trong đó, ngành năng lượng có quá nhiều bất cập bị xã hội lên án, nhưng những ông quan to này chưa bị sờ gáy. Ngành xăng dầu và ngành điện lực là hai ngành cực kỳ quan trọng đối với nền kinh tế đất nước và đời sống dân sinh.
Được biết, nhiều năm qua, ông Đỗ Thắng Hải là người phát ngôn của Bộ Công thương, thay mặt Bộ này trả lời các vấn đề nóng của ngành, tại các cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ. Ông Hải có nhiều năm làm việc tại Bộ Công thương, từng giữ chức Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại trước khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng từ năm 2014 đến nay.
Còn nhớ, vào ngày 2/2/2015, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, hầu hết các câu hỏi của phóng viên xoáy vào vấn đề tăng giá điện. Ông Đỗ Thắng Hải không lý giải thỏa đáng, nên đã nói bừa rằng, “Giá điện tăng, mọi người đều được lợi”. Đây là câu nói ngang ngược, thách thức dư luận theo kiểu “tao nói ngang thế đấy, làm gì được tao”.
Quả thật, Bộ Công thương đồng ý cho EVN tăng giá điện, dù người dân và doanh nghiệp có bất bình mấy thì cũng chẳng làm gì được. Bởi ở Việt Nam chỉ có một mình, độc quyền mua bán điện, nếu dám “ý kiến ý cò” thì EVN cúp điện. Đơn giản vậy thôi.
Thật ra, Đỗ Thắng Hải là người phát ngôn cho một nhóm lợi ích khổng lồ hút máu dân bằng chính sách. Nhóm này gồm những quan chức, từ quan ngành năng lượng đến lãnh đạo Bộ Công thương và cả Chính phủ. Đợt kỷ luật vừa rồi đã réo tên ông Mai Tiến Dũng – cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Điều này cho thấy, nhóm lợi ích “uống điện ăn xăng” không chỉ ở các doanh nghiệp và Bộ Công thương.
Các vụ án thuộc về ngành xăng dầu và điện có những mối quan hệ rất lớn, trong đó, cả Thủ tướng cũng phải chịu trách nhiệm liên quan. Không biết ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tóm đến đâu, ông sẽ đốt lò hay đốt rừng. Bởi đốn củi cho vào lò thì chỉ đốn từng cây, còn thực tế, Bộ Công thương và Chính phủ đang có cả một rừng củi mà toàn là cây cổ thụ.
Trần Tuấn Anh là cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, tuy nhiên, đương kim Bộ trưởng Bộ này – ông Nguyễn Hồng Diên – cũng đang là một thanh củi gộc. Ngành điện và ngành xăng dầu thời ông Nguyễn Hồng Diên đang xảy ra nhiều tiêu cực lớn, trong đó, có ít nhất hai lần Bộ Công thương để thiếu hụt xăng dầu, và EVN đang là ổ chế ra lỗ khủng để đòi tăng giá điện.
Ông Trọng sẽ đốt đến đâu, hãy đợi xem?
Ý Nhi – Thoibao.de
22.12.2023