Ngày 14/12, trên trang Facebook có tích xanh được cho là của cựu Thủ tướng Campuchia Hun Sen, có đăng dòng trạng thái với nội dung như sau: “Tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ: Thủ tướng Chính phủ không cho phép VinGroup Việt Nam vận hành công ty taxi điện tại Campuchia”.
Đi kèm với status này là một văn bản, được ghi bằng tiếng Campuchia, có nội dung như sau:
“Tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Hoàng gia Campuchia
Thư tư ngày 13/12/2023, một số cơ quan truyền thông đưa tin, Tập đoàn VinGroup của Việt Nam dự kiến sẽ ra mắt 2.500 taxi điện tại Phnom Penh, Sihanoukville và Siem Reap. Thông tin này đã thu hút sự chú ý của một số người trên mạng xã hội và được chia sẻ, khiến một số người hiểu lầm rằng, công ty này sẽ mở doanh nghiệp tại Campuchia.
Người phát ngôn Hoàng gia Campuchia muốn thông tin tới công chúng rằng, trong cuộc gặp với Samdech Thipsay chiều ngày 12/12 tại Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn VinGroup thực sự đưa ra yêu cầu và bày tỏ mong muốn được đầu tư mở một hãng taxi. Tuy nhiên Samdech Thibidi Hun Manet, Thủ tướng Vương quốc Campuchia đã không cấp phép theo yêu cầu của Công ty.”
Như vậy đã rõ, ý định đưa Taxi xanh sang Campuchia của ông Phạm Nhật Vượng đã bị ông Thủ tướng trẻ Hun Manet chặn đứng. Không biết vì sao Thủ tướng Campuchia lại từ chối một công ty nước ngoài đầu tư vào đất nước của ông? Tuy nhiên, qua đây cũng cho thấy, con đường tiêu thụ “ô tô điện ế” của chính ông Phạm Nhật Vượng đang gặp cản lực không nhỏ, dù là chỉ mở rộng phạm vi hoạt động trong khu vực Đông Nam Á.
Hiện nay, lượng taxi xanh của ông Vượng đang nằm bãi rất lớn. Nếu không tìm cách mở rộng thị trường taxi điện, thì rất khó để tiêu thụ hết lượng hàng mà Công ty này sản xuất ra.
Tại thị trường Việt Nam, có vẻ như, sự háo hức ban đầu của người Việt không còn nữa. Bởi vì, dù có yêu nước đến đâu thì chất lượng sản phẩm mới là yếu tố quyết định. Không ai lại bỏ ra số tiền bằng cả gia tài để mua về một sản phẩm lỗi, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho người mua. Điều này khiến cho việc mở rộng thị trường ngay tại Việt Nam đã khó, thì nói gì đến thị trường nước ngoài.
Có vẻ như, sáng kiến lập Công ty taxi để tiêu thụ xe của chính mình, chỉ là giải pháp tạm bợ cho bài toán ế xe của VinFast. Với lượng taxi xanh nằm bãi quá nhiều, thì ông Vượng khó mà tiêu thụ hết những sản phẩm mà ông sản xuất ra.
Tình hình tiêu thụ xe VinFast ở thị trường Bắc Mỹ cũng không khả quan. Ngày 16/8, khi trả lời phỏng vấn trên VTV Money, CEO VinFast – bà Nguyễn Thị Thu Thủy – cho biết, toàn bộ số xe điện đem sang thị trường Canada đã được bán hết, không còn một chiếc nào. Khách hàng còn đang thúc giục VinFast cung cấp thêm. Số xe VinFast mang sang Canada là 781 chiếc VF8.
Tuy nhiên, trên website của Chính phủ Canada, số xe VinFast cả bán lẫn cho thuê, từ đầu năm đến cuối tháng 10/2023 (2 tháng rưỡi sau khi CEO Thủy trả lời phỏng vấn), tổng cộng chỉ là 416 chiếc, mà hầu hết là cho thuê.
VinFast cũng loan báo, 9 tháng đầu năm, họ bán được 21.342 xe trên thị trường Bắc Mỹ. Trừ đi số xe bán ở Canada, như vậy, VinFast bán được 20.561 xe trên thị trường Hoa Kỳ. Nhưng vào cuối tháng 11/2023, California Energy Commission đã thống kê chi tiết số xe VinFast đã bán ra ở từng hạt. Bản thống kê chi tiết cho thấy, đến hết tháng 10/2023, VinFast vừa bán vừa cho thuê được vỏn vẹn 220 chiếc trên thị trường Hoa Kỳ.
Như vậy, xe VinFast đang gặp khó trên thị trường Bắc Mỹ, cộng với việc huy động vốn trên thị trường Nasdaq không như mong đợi. Còn thị trường trong nước, VinFast cũng đang rơi vào bế tắc, cả lượng xe bán ra lẫn xe taxi. Ngoài ra, bất động sản Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đóng băng kéo dài. Vin đang gặp cản lực ở hầu hết các ngành mà họ đầu tư. Hiện nay, VinGroup chỉ còn cách cầm cự đợi thời, nhưng liệu Vin sẽ cầm cự được bao lâu?
Ý Nhi – Thoibao.de