Việc đầu tư cho giáo dục sẽ mang lại lợi ích lâu dài về mọi mặt, trên mọi lĩnh vực, với tất cả các quốc gia. Xu hướng chung hiện nay, việc hướng tới một nền giáo dục miễn phí, trên thế giới cũng như khu vực Asean, là tương đối phổ biến.
Ví dụ, Vương quốc Thái Lan, từ năm 2000, nhà nước đã miễn phí giáo dục toàn bộ cho học sinh trong suốt 12 năm học (kể cả học nghề). Đồng thời, nhà nước chi trả tiền cho tất cả các chi phí: sách vở, cặp sách, đồng phục (3 loại khác nhau). Phụ huynh học sinh ở Thái Lan không phải trả bất kỳ chi phí gì, trừ tiền cho con ăn quà. Kể cả bữa cơm trưa của học sinh cũng có nhà nước lo.
Điều vừa kể, sẽ thực sự là giấc mơ của các bậc cha mẹ học sinh ở Việt Nam. Bởi chi phí học hành cho con em luôn là một gánh nặng, với vô vàn các khoản phụ thu vô lý. Nhưng nếu phụ huynh không đóng, thì họ và con em họ sẽ không… được yên.
Truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin cho biết, đến thời điểm tháng 9/2023, trên cả nước có 4 địa phương miễn học phí 100% cho học sinh, trong năm học 2023 – 2024. Đó là, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu và Hà Nam, với chi phí mỗi năm lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Ngoài ra, trong năm học 2022 – 2023, cả nước có một số tỉnh, thành phố, thông báo miễn giảm học phí cho học sinh, gồm: Quảng Bình, Cần Thơ, Quảng Ninh, Bắc Kạn.
Mới nhất, theo báo Giáo dục ngày 8/12 đưa tin, “Thành phố Hồ Chí Minh: Học sinh Trung học Cơ sở sẽ được miễn học phí”.
Theo đó:
“Hội đồng Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết về chính sách học phí cho học sinh, trong đó sẽ miễn học phí cho học sinh bậc Trung học Cơ sở”. Dư luận cho rằng, dù thành phố Hồ Chí Minh chỉ mới miễn học phí cho học sinh bậc Trung học Cơ sở, nhưng cũng đã là một thành tích đáng ghi nhận.
Theo kinh nghiệm từ các nước phát triển, giáo dục là nền tảng và là yếu tố quan trọng để phát triển quốc gia. Sự thành công của nhiều nước trên thế giới đã cho thấy, nếu nhà nước coi trọng và đầu tư thích đáng cho giáo dục, thì sẽ mang lại kết quả lớn về lâu dài, và đầu tư cho giáo dục là sự đầu tư khôn ngoan nhất cho quá trình phát triển bền vững.
Đảng Cộng sản Việt Nam và chính quyền của họ luôn khẳng định, Việt Nam kiên định đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa, trên nền tảng của Chủ nghĩa Cộng sản. Mà một trong những sự ưu việt đặc trưng của Chủ nghĩa Xã hội, chính là việc đảm bảo miễn phí về giáo dục, cũng như y tế.
Các quốc gia vốn theo đuổi Chủ nghĩa Cộng sản trong quá khứ và hiện tại, như Cuba và Bắc Triều Tiên, cho đến nay, dù họ là những quốc gia nghèo đói, song chính quyền của các quốc gia độc tài đó vẫn tiếp tục duy trì chính sách “giáo dục và chữa bệnh miễn phí cho toàn dân”.
Ngược lại, ở Việt Nam, hai lĩnh vực giáo dục và y tế bị Đảng và nhà nước bỏ mặc, không quan tâm. Nguy hiểm hơn, nhà nước còn sử dụng chiêu trò “xã hội hóa” để rút bớt ngân sách dành cho giáo dục và y tế, vốn dĩ đã quá ít ỏi, để chi quá mức cho công an và quân đội.
Theo Dự toán chi ngân sách của Bộ Tài chính trong ba năm liên tiếp gần đây, ngân sách chi cho Bộ Công an luôn cao thứ hai, chỉ sau Bộ Quốc phòng, và với chi phí gấp hơn chục lần so với Bộ Giáo dục cũng như Bộ Y tế.
Cụ thể, năm 2022, Bộ Công an được phân bổ số tiền 95,5 ngàn tỷ đồng, năm 2023 được tăng lên trên dưới 100 ngàn tỷ đồng. Trong khi, năm 2022, ngân sách chi cho Giáo dục chỉ là 6,521 ngàn tỷ, và năm 2023 là 6,526 tỷ.
Như vậy, chi ngân sách nhà nước cho ngành công an cao gấp khoảng 13 lần ngân sách chi cho giáo dục, và đối với ngành y tế cũng tương tự. Điều đó thể hiện chính sách bất hợp lý của chính quyền Việt Nam, đã có sự ưu tiên quá mức đối với sự an toàn của Đảng và chế độ.
Theo giới chuyên gia, việc đầu tư cho giáo dục sẽ mang lại lợi ích lâu dài trên mọi lĩnh vực, trong sự phát triển của Việt Nam. Điều đó sẽ cung cấp cho đất nước một lực lượng lao động trẻ trong tương lai, có đầy đủ đạo đức, kiến thức, cũng như kỹ năng sống, để góp phần trong việc xây dựng đất nước.
Rõ ràng, mối quan tâm lớn nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay là giữ vững an ninh chính trị, để duy trì vị trí độc tôn lãnh đạo, quản lý nhà nước và xã hội của họ. Hoàn toàn không hề xuất phát từ quyền lợi của nhân dân.
Nếu người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – hễ mở mồm ra thì đều hô hào là tiến lên Chủ nghĩa Xã hội. Chính quyền thì tự xưng rằng, họ là “nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Công luận đặt câu hỏi, Đảng và nhà nước cứ nhân danh Xã hội Chủ nghĩa, nhưng tại sao Việt Nam lại không miễn phí về Giáo dục và Y tế như Bắc Hàn và Cuba, thưa Tổng Bí thư?./.
Trà My – Thoibao.de