Link Video: https://youtu.be/wxOt3Im-9nY
Ngày 5/12, RFA Tiếng Việt loan tin “Bộ Giáo dục Đào tạo đề nghị điều tra, xử lý việc đưa tin phản bác quyết định dạy tiếng Trung Quốc trong trường học”.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đây đã có đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những hành vi mà Bộ này cho là sai phạm, do đăng tải tin tức và bình luận về việc Bộ Giáo dục Đào tạo quyết định phê duyệt sách giáo khoa dạy tiếng Trung Quốc lớp 3 và lớp 4 trong trường học.
RFA dẫn truyền thông Nhà nước cho hay, Quyết định này được Bộ Giáo dục ban hành vào ngày 1/12, bao gồm việc phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5, cùng với sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3 và lớp 4.
Đại diện Bộ Giáo dục cho biết, đây là hoạt động bình thường, theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Bộ Giáo dục khẳng định, vào năm 2022, cùng với tiếng Anh, Bộ đã phê duyệt sách tiếng Hàn, Nhật, Pháp lớp 3, để sử dụng trong trường học. Năm 2023, đợt một sẽ phê duyệt các sách giáo khoa của lớp 5, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác, cùng với tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4. Dự kiến, trong tháng 12/2023, tiếp tục phê duyệt sách giáo khoa của các môn tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga.
Tuy nhiên, RFA cho biết, trên mạng xã hội vào ngày 5/12 đã xuất hiện nhiều hình ảnh về Quyết định, và bình luận bày tỏ lo lắng về Quyết định này. Có bình luận cho rằng, điều này cho thấy, sự phụ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc, vì vào tháng 11 vừa qua, Bộ Giáo dục vừa quyết định không xếp tiếng Anh vào các môn bắt buộc thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
RFA dẫn quan điểm của Bộ Giáo dục khẳng định, những thông tin trên mạng xã hội cho rằng, Bộ chính thức phê duyệt sách giáo khoa môn tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4, để “bỏ tiếng Anh, bắt học sinh học tiếng Trung” là thông tin xuyên tạc.
Bộ Giáo dục cho rằng, các bình luận trên mạng xã hội về Quyết định mới có tính tiêu cực, lệch lạc về nội dung, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa, gây tâm lý hoang mang trong xã hội.
Trong khi đó, ngày 6/12, nhà giáo Thái Hạo bình luận rằng, khi người dân chưa hiểu, hoặc nếu có người cố tình hiểu sai nhằm mục đích riêng của họ, thì với tư cách là đầu tàu văn hóa của một quốc gia, Bộ Giáo dục cần giải thích, chứ không phải cứ đụng một chút là kêu công an vào cuộc đòi “xử lý“.
Và sau đó, nếu còn có những ý kiến trái chiều, thì cần trao đổi, thảo luận, đối thoại, như thế mới thể hiện được sức mạnh của người làm giáo dục – giá trị của tri thức và năng lực giao tiếp.
Làm nghề dạy học mà cứ hễ học sinh chưa hiểu bài hoặc cãi lại là liền gọi giám thị, bảo vệ, công an vào để “xử lý“, thì chỉ thể hiện sự yếu kém và bất lực mà thôi.
Về chương trình dạy tiếng Trung, nhà giáo Thái Hạo cho biết, ở Chương trình giáo dục 2006, ngoại ngữ là môn học chính thức từ lớp 6 đến lớp 12, trong đó đã bao gồm 4 môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga và Tiếng Trung Quốc. Nghĩa là, môn Tiếng Trung không phải bây giờ mới được đưa vào chương trình giáo dục.
Chương trình 2018 thì còn thêm 3 môn nữa là Tiếng Nhật, Tiếng Hàn và Tiếng Đức.
Theo nhà giáo, việc nhiều người tỏ ra bất ngờ với thông tin Bộ Giáo dục phê duyệt sách giáo khoa môn Tiếng Trung, vì dù trước đây, Tiếng Trung đã được quy định trong chương trình, nhưng dường như không có học sinh đăng ký học, thành ra không ai nhìn thấy việc học tiếng Trung diễn ra cả.
Thực tế này gây ra một sự hiểu sai rằng, trước đây tiếng Trung không có trong chương trình giáo dục phổ thông, và nay mới đưa vào.
Ý Nhi
>>> Không thích thì cấm – một chủ trương nhất quán của Đảng
>>> Vụ Vạn Thịnh Phát bộc lộ những yếu kém trong quản lý, cản trở tăng trưởng của Việt Nam
>>> Chùa Khmer Krom ở Vĩnh Long bị sách nhiễu
>>> Việt – Nhật nâng cấp quan hệ khiến Bắc Kinh lo ngại
Các chính phủ độc tài luôn tìm cách đàn áp phóng viên lưu vong