Việc sản xuất xe thuần điện của ông Vượng là canh bạc cuối cho hãng VinFast, bởi xe xăng của hãng này đã hoàn toàn thất bại. Như vậy, sản xuất xe điện sẽ tận dụng cơ sở hạ tầng của nhà máy sản xuất xe xăng trước đây.
Tuy nhiên, khi việc sản xuất xe điện gặm quá nhiều vào vốn của Tập đoàn, thì việc hủy bỏ sản xuất xe điện cũng đồng nghĩa với việc đem nhà máy “bán đồng nát”.
Ông Phạm Nhật Vượng đã làm mọi cách để xe điện có thể tồn tại. Trong đó, ông tận dụng tối đa “lợi thế sân nhà”, với việc kích cho những khách hàng dạng “tự hào quá Việt Nam ơi” mua xe vì yêu nước. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lượng xe VinFast tiêu thụ tại thị trường Việt Nam cũng không thấm vào đâu so với những hãng xe lâu đời đang có mặt tại Việt Nam.
Tai tiếng ngày một chồng chất, nên thành phần “tự hào quá Việt Nam ơi” ngày một thực tế hơn. Vì thế, việc mở rộng thị trường tại Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, có vẻ như trong cái khó ông Vượng lại ló cái khôn. Ông nghĩ ra ý tưởng, sản xuất xe điện rồi tự bán cho chính mình. Ngoài ra, ông Vượng còn bắt tay với chính quyền để lập nên hãng Vinbus, vừa tiêu thụ xe do VinFast sản xuất, vừa kiếm được tiền trợ giá từ chính quyền.
Từ tháng 3 năm ngoái, Vinbus đưa vào hoạt động tuyến xe bus nối khu đô thị Vinhomes ở Thủ Đức vào trung tâm quận 1. Công ty được chính quyền thành phố Hồ Chí Minh trợ giá, với tỷ lệ 44,1% trên tổng chi phí hoạt động. Tuy nhiên, kết quả là tuyến xe bus này lỗ chổng vó.
Hiện công ty này đang đòi chính quyền thành phố tăng mức trợ giá từ từ 44,1% lên 64,8%, nếu không, công ty sẽ đóng tuyến xe bus này. Đây được xem là hành động “làm mình làm mẩy” của ông Vượng, để kiếm thêm tiền từ ngân sách (mà thực tế là tiền của dân).
Thực ra, ông Vượng cho lập ra tuyến xe bus điện từ Vinhomes Thủ Đức vào trung tâm quận 1 là có ý đồ. Vì sự kết nối này mà Vinhomes của ông có thể tận dụng ưu thế để nâng giá bán tại khu đô thị Vinhomes Thủ Đức. Bởi Vinhomes chứng tỏ được việc đi lại từ dự án đến trung tâm càng thuận tiện, thì bất động sản càng có giá trị. Cái lợi của tuyến xe bus này được tích vào trong giá bán của dự án. Tuy nhiên, giờ Vinbus làm mình làm mẩy đòi dẹp bỏ tuyến xe bus này, khiến nhiều người mua nhà dự án cảm thấy như bị Vin lừa.
Không biết, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh có chiều lòng Vinbus hay không? Nếu chiều Vin, thì xem như chính quyền lại móc thêm tiền thuế của dân để rót vào túi anh nhà giàu VinGroup. Việc lập nên tuyến xe bus để tăng giá bất động sản, thì Vinbus lời lỗ phải tự chịu. Việc tăng giá bất động sản nhờ có giao thông thuận tiện, Vin có cho người dân hưởng đâu, mà khi xe bus bị lỗ thì lại giãy đành đạch đòi nhà nước phải lấy thêm tiền từ túi dân bù vào?
Vin phân bì rằng, mức trợ giá 64,8% là bằng với mức xe bus chạy bằng Diesel. Tuy nhiên, phía Vin quên rằng, xe bus chạy bằng Diesel là loại xe bus phục vụ rộng khắp. Những chuyến xe bus này kết nối giữa nhà ga – bến xe – sân bay, kết nối các khu tái định cư, nhà ở xã hội, các khu công nghiệp, các trường đại học, bệnh viện. các khu dân cư vùng ven, các khu vực dân cư thu nhập thấp v.v… Vậy nên, họ xứng đáng được trợ giá cao. Bởi nhà nước trợ giá cho loại xe bus này, như là chi phí an sinh. Còn trợ giá cao cho Vinbus thì chỉ là giúp cho dự án Vinhomes nâng giá bất động sản kiếm lời.
Lập ra tuyến xe bus để nâng giá bất động sản cho Vin. Vin tiêu thụ được xe, Vin bán được nhà giá cao, giờ Vin lại đòi trợ giá nhiều hơn. Có lẽ, Vin nên ăn “ít lại” để chính quyền thành phố dùng tiền đấy thực hiện nhiều dịch vụ công ích khác thì tốt hơn. Biết rằng làm ăn kinh tế thì cần kiếm lời, nhưng không nên kiếm lời bằng mọi giá.
Ý Nhi – Thoibao.de